Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thiết kế bìa sách: Để “yêu từ cái nhìn đầu tiên”

Thứ Sáu 13/05/2022 | 10:15 GMT+7

VHO-  Ngoài chức năng ban đầu là lớp bảo vệ bền chắc cho cuốn sách, bìa sách ngày nay còn phải là “chiếc áo đẹp” thể hiện mạnh mẽ hồn cốt và thông điệp nội dung ấn phẩm, thu hút độc giả bởi cảm nhận thẩm mỹ từ cái nhìn đầu tiên. Cùng sự phát triển của ngành xuất bản, bìa sách cũng ngày càng đa dạng về kỹ thuật và phong cách thể hiện...

Bìa sách đóng vai trò như một “sứ giả” của sản phẩm văn hóa

Sứ giả của sản phẩm văn hóa

Từ hàng trăm năm trước, bìa sách có chức năng như một thiết bị bảo vệ cho các trang in, cũng như liên kết các trang lại với nhau thông qua việc khâu chỉ hay gắn keo. Mục đích thẩm mỹ duy nhất của bìa sách là để trang trí cho sản phẩm tri thức, văn hóa được đúc kết bằng trang viết, trang in. Ngày ấy, việc thiết kế bìa đã được những người làm sách xem xét, nhưng chúng không được thiết kế để tiếp thị cho nội dung tài liệu bên trong.

Khác xa buổi sơ khai ban đầu, bìa sách ngày nay được sử dụng như một công cụ hữu hiệu trong việc tiếp thị và giới thiệu, khơi mở sâu về nội dung cuốn sách. Ở mức tốt nhất, các trang bìa cung cấp một đoạn giới thiệu hấp dẫn về những gì sẽ xuất hiện trong các trang sách hoặc truyền tải phần cốt lõi, lát cắt cơ bản của câu chuyện được đề cập thông qua tín hiệu hình ảnh.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi nhận định: “Bìa sách ngày càng đóng vai trò quyết định với tư cách như sứ giả của sản phẩm văn hóa. Chúng ta đều biết, tín hiệu trên bìa sách đến với độc giả bằng “tốc độ ánh sáng”, đây được xem là cấp độ đọc đầu tiên, nó có sức lôi cuốn, dẫn dụ người xem đến với nội dung bên trong rất mạnh mẽ”. Ông nêu ví dụ, hai quyển sách nội dung hoàn toàn giống nhau, nhưng một trong hai cuốn có bìa đẹp hơn chắc chắn độc giả sẽ chọn mua quyển bìa đẹp. “Có một câu chuyện thật là hai nhà sách cùng làm quyển Đại Việt sử ký toàn thư, trong khi nhà sách có mẫu bìa đẹp thì bán tơi tới, còn cuốn của nhà sách kia có bìa xấu hơn gần như không bán được. Xót khoản vốn lớn đầu tư in bìa cứng hai tập dày, nhà sách có bìa xấu đã chấp nhận bóc bìa cũ, thuê họa sĩ có tay nghề cao làm bộ bìa mới. Kết quả vượt cả mong đợi!”, ông Khôi kể.

Bìa sách quan trọng là vậy, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xuất bản Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể những năm gần đây, riêng năm 2021 đã có 4 triệu bản sách được phát hành với gần 33.000 đầu sách, doanh thu đạt gần 3.000 tỉ đồng. Hằng năm, giới xuất bản đều tổ chức bình chọn giải thưởng sách dành cho các tác giả, người biên tập tác phẩm hay... Tuy nhiên, từ trước đến nay vẫn chưa có một triển lãm quy mô hay hội thảo nào được tổ chức để ghi nhận, tôn vinh các họa sĩ thiết kế sách, bìa sách. Bởi vậy, triển lãm Nghệ thuật Bìa sách Việt Nam 2022 lần đầu tiên tổ chức với quy mô toàn quốc, đang diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội, trưng bày tác phẩm của 55 tác giả là các họa sĩ ba miền hội tụ cùng 6 nhà xuất bản, đơn vị làm sách tham gia: NXB Giáo dục, NXB Kim đồng, NXB Phụ nữ, NXB Mỹ thuật, Nhã Nam và Thái Hà Books, đã tạo ra cuộc hội ngộ để chia sẻ về công việc sáng tạo thú vị này.

 Triển lãm Nghệ thuật Bìa sách Việt Nam 2022 lần đầu tiên tổ chức trên quy mô toàn quốc

Chập chững trên con đường chuyên nghiệp hóa

Nghệ thuật thiết kế bìa sách Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong thời gian qua, từ thô sơ đến hiện đại, từ tối giản đến phức tạp, với nhiều phong cách và kỹ thuật thể hiện được phô diễn trên những trang bìa các thể loại. Nếu như thời kỳ trước kia, việc vẽ bìa sách được thực hiện bằng tay, kể cả kẻ chữ, sau đó trải qua nhiều công đoạn mới có thể đem đi in, thì hiện nay các họa sĩ, nhà thiết kế đều thực hiện sáng tác trên máy tính, mọi công đoạn đã được rút ngắn. Nhà thiết kế Lê Huy Văn cho rằng: “Vào những năm đầu của thế kỷ XXI, với cuộc cách mạng chuyển đổi số, nghệ thuật trình bày sách như được chắp cánh, mở ra những chân trời mới đa dạng, không giới hạn. Các nghệ sĩ vẽ bìa thỏa sức sáng tạo theo đề tài và các nhà xuất bản đã dần định hình phong cách mỹ thuật riêng cho mình theo chức năng, nhiệm vụ...”.

Tuy vậy, theo họa sĩ Lê Tiến Vượng, việc thiết kế và sáng tạo bìa sách ở nước ta vẫn đang chập chững trên con đường chuyên nghiệp hóa, đa số các nhà xuất bản phải trông chờ vào đội ngũ họa sĩ là cộng tác viên. Nhiều biên tập viên của NXB cũng tự đặt người quen làm bìa mà không rõ sở trường, đặc tính sáng tạo của người họa sĩ ấy có phù hợp với việc thiết kế bìa sách của mình hay không. Thực tế cho thấy, có những họa sĩ chỉ phù hợp với sáng tạo bìa sách cho thiếu nhi mà không phù hợp với việc thiết kế bìa sách triết học hay kinh tế, lịch sử... Cũng có tình trạng người làm biên tập hoặc đơn vị xuất bản còn “đơn giản hóa”, coi bìa sách “chỉ là một cái bìa” nên dễ dãi, chấp nhận cả những thiết kế qua loa, thiếu sáng tạo.

Có cùng ý kiến, họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho rằng: “Ở nước ta hiện nay, các cơ sở đào tạo họa sĩ đồ họa nhiều nhưng chuyên sâu về thiết kế bìa sách hầu như chưa có. Ngay cả ở các nơi đào tạo này thì giáo trình, giáo án cũng không có, hoặc có cũng khá sơ sài. Bản thân các giảng viên cũng chỉ dạy về thẩm mỹ, bố cục, màu sắc chứ không phải là người có trải nghiệm thực tế của các công đoạn thiết kế, in ấn một bìa sách cụ thể. Bên cạnh đó, thực tế đáng buồn ở ta là nhuận bút và thù lao cho họa sĩ thiết kế bìa vẫn ở mức quá thấp”.

Sự nở rộ các đơn vị làm sách tư nhân thời gian gần đây làm cho thị trường sách sôi động, đa dạng, phong phú hơn nhưng cũng có sự cạnh tranh không kém phần khốc liệt. Nhiều ý kiến cho rằng, bìa sách cần đạt được tính thẩm mỹ cao để chinh phục thị giác của độc giả, đồng thời truyền tải một phần hoặc toàn phần giá trị tư tưởng, thông điệp cuốn sách, tạo dựng bản sắc, phong cách riêng của người sáng tạo. Trong muôn màu muôn vẻ của thị trường xuất bản, bìa sách đúng nghĩa giúp bạn đọc được thưởng thức thêm nhiều tác phẩm chất lượng cao về cả mỹ thuật lẫn nội dung sách. 

THANH NGỌC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top