Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Khán giả sẽ không thất vọng khi trải nghiệm qua phiên bản Antigone

Thứ Hai 18/04/2022 | 10:46 GMT+7

VHO- Đạo diễn, NSƯT Trần Lực, người nổi tiếng với quan điểm “sân khấu nào không bán được vé thì nên xem lại mình” vừa khởi động suất diễn đầu tiên của Sân khấu LucTeam với vở Antigone của tác gia Hy Lạp vĩ đại Sophocles.

Cảnh trong vở diễn

 Thêm một lần, Trần Lực đã không làm khán giả thất vọng khi được trải nghiệm một phiên bản Antigone qua sự Việt hoá hoàn toàn nhưng vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị nhân văn, để một vở bi kịch kinh điển của Hy Lạp cách đây gần 2.500 năm vẫn còn giá trị tới hiện tại.

Antigone trong phiên bản gốc diễn biến tương đối phức tạp, nhưng khi được tái hiện qua tư duy nghệ thuật của đạo diễn Trần Lực bằng phương pháp ước lệ biểu diễn và kỹ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, tác phẩm đã trở nên dễ hiểu, chạm tới trái tim công chúng. Antigone là cô con gái của gia đình Oedipus, nơi khởi nguồn của bi kịch. Câu chuyện bắt đầu từ cuộc tranh giành quyền lực giữa hai người anh trai của cô. Cả hai sau đó đều chết trong trận chiến. Vua Creon, vị vua kế vị ra lệnh rằng, người anh bảo vệ thành phố sẽ được chôn cất còn người anh còn lại, kẻ đã mang quân tiến đánh thành phố thì sẽ không xứng đáng với một ngôi mộ. Antigone bất tuân luật lệ và chôn cất người anh trai đáng lẽ không được chôn. Cô chống lại luật lệ của Creon. Và vì vậy Antigone phải chết.

Câu chuyện cách đây hàng nghìn năm vẫn còn thời sự ở cuộc sống đương đại khi kịch đề cập tới cuộc chiến của quyền lực. Những nhân vật trong kịch lao vào cuộc chiến quyền lực và để rồi cái kết chính là sự chết chóc, mang lại đau khổ cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người phụ nữ. Đúng như đạo diễn Trần Lực chia sẻ, “mục đích lớn nhất của tôi thông qua Antigone là cho mọi người thấy những người phụ nữ mạnh mẽ, khát khao trong cuộc sống. Phụ nữ không phải cứ gắn với bếp núc, họ hoàn toàn có thể làm việc lớn, miễn là họ dám nghĩ, dám làm.Ngoài đời cũng vậy, chúng ta luôn bắt gặp những người đàn bà kiên định, quật cường, và đôi khi đàn ông còn yếu đuối, dễ tổn thương hơn họ. Cho đến nay, thế giới này vẫn chưa thực sự bình đẳng. Vấn đề bình đẳng giới không chỉ có ở Việt Nam mà còn hiện hữu ở nhiều nước trên thế giới. Thông điệp của tôi qua vở kịch này là: “Phụ nữ hãy cứ mạnh mẽ lên, khi bạn đã có quan điểm sống, quan điểm yêu, hãy thực hiện nó”!

Có thể cảm nhận được thông điệp đầy nhân văn rằng, cuộc chiến tranh giành về quyền lực sẽ chỉ đi tới sự thất bại cho tất cả, hay bình đẳng giới đối với người phụ nữ luôn nóng hổi trong từng nhân vật qua sự diễn xuất khá nhập vai của những diễn viên của LucTeam ở tuổi đời rất trẻ, mới ra trường vài năm. Được biết đạo diễn Trần Lực và các nghệ sĩ đã tốn rất nhiều thời gian để tập luyện kỹ lưỡng cùng nhạc sĩ, biên đạo múa… để ra một bản diễn Antigone vô cùng sang trọng, ấn tượng và đậm tính chuyên nghiệp.

Đạo diễn, NSƯT Trần Lực và ê kíp dàn dựng trao đổi với khán giả sau khi kết thúc vở

Xem Antigone hay những vở khác của sân khấu LucTeam như Quẫn, Bạch đàn liễu… cũng sẽ thấy phong cách dàn dựng mang dấu ấn riêng của Trần Lực, đó là việc anh sử dụng phong cách “Biểu hiện - Ước lệ” để xây dựng hình tượng nghệ thuật cho vở diễn. Diễn viên khai thác sử dụng ngôn ngữ đa phương tiện, kết hợp với cách diễn (thoại và nhảy múa ca hát) của kịch phương Tây với cách biểu diễn biểu hiện, ước lệ của nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam tạo ra một sự khác biệt. Cách pha trộn, nhào nặn những loại hình nghệ thuật trong vở diễn tạo sự khác biệt đã làm cho vở diễn được Việt hóa. Antigone đã được dàn dựng kết hợp một cách chuyên nghiệp giữa nghệ thuật đương đại và nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo… của Việt Nam với những gì tinh tuý nhất của từng loại hình sân khấu.

Sân khấu trống trơn chỉ trải duy nhất một tấm thảm trắng trên nền không gian đen, trên tấm thảm trắng diễn ra toàn bộ câu chuyện. Diễn viên bước ra khỏi thảm nghĩa là bước ra khỏi nhân vật của mình. Đã thấy ở đó một sự chắc tay của người am hiểu nghệ thuật truyền thống khi tận dụng ý tưởng từ manh chiếu của nghệ thuật Chèo, cùng lối diễn mang tinh thần ước lệ của Tuồng. “Việt hóa” vở kịch nổi tiếng thế giới đã đem tới cho khán giả cảm nhận đặc biệt về sân khấu truyền thống khi dung hòa hơi thở của sân khấu kịch phương Tây.

Khán giả tới xem tác phẩm tỏ ra ấn tượng và thích thú khi đích thân nhạc sĩ Nguyễn Thành Nam chơi trực tiếp các nhạc cụ như trống, đàn bầu, sáo… Toàn bộ những xử lý âm nhạc của nhạc sĩ sáng tác cho thấy việc nắm rất chắc các làn điệu âm nhạc của sân khấu truyền thống. Âm nhạc đã hoà quyện để tham gia diễn xuất cùng với nghệ sĩ theo từng bước chân, từng lời thoại. Có thể cảm nhận được nỗi đau của Antigone khi chôn người anh qua tiếng đàn bầu như lời ru, lời khóc ai oán qua tiếng đàn bầu. Có thể cảm thấy sự thổn thức, tâm trạng của Antigone trong đêm trải lòng qua tiếng sáo réo rắt trước khi nàng tự tử. Và sự dồn dập của tiếng trống đầy kịch tính để diễn tả cuộc đấu quyền lực dẫn tới cái chết của hai người anh của nàng Antigone… Những màn múa đấu võ, màn dượt đuổi trong đêm được khai thác các đặc trưng của múa tuồng truyền thống cũng đã mang lại hiệu quả đặc biệt.

Nếu ai đó còn hồ nghi về một tác phẩm sân khấu dựng lại kịch kinh điển nhưng lại là những câu chuyện tưởng như quá cũ thì hãy tới với Sân khấu LucTeam và xem Antigone, chắc chắn họ sẽ thay đổi suy nghĩ. Bởi lẽ Antigone là một vở diễn trước tiên hấp dẫn ngay từ một hình thức dàn dựng sân khấu hấp dẫn và chỉ có tới rạp xem biểu diễn trực tiếp, khán giả mới có thể cảm nhận được những vẻ đẹp riêng biệt của tác phẩm. Dự án Sân khấu Antigone được Viện Goethe Hà Nội phối hợp cùng Nhà hát Tuổi Trẻ và hợp tác cùng các đạo diễn sân khấu tạo nên nhiều phiên bản sân khấu từ kịch bản nguyên gốc, trong đó có Antigone của đạo diễn Trần Lực. Vở diễn đã được hoàn thành từ năm 2021 nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phải dừng không biểu diễn. Chính vì vậy, Viện Goethe Hà Nội đã tổ chức một đợt diễn Antigone với suất diễn đầu tiên của Antigone của LucTeam. Với Antigone một lần nữa, đạo diễn Trần Lực có quyền tự tin để có thể bán vé giống như các tác phẩm mà anh đã từng dàn dựng cho LucTeam. 

 THUÝ HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top