Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2022: Không có chuyện trao giải“đại trà”

Thứ Tư 13/04/2022 | 07:48 GMT+7

VHO- Từ tháng 4, vòng sơ loại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2022 sẽ chính thức diễn ra.  Để nâng cao chất lượng chuyên môn, thu hút thêm nhiều thí sinh tham dự, cuộc thi năm nay đã có nhiều đổi mới về cả hình thức lẫn nội dung. Đặc biệt, hội đồng giám khảo sẽ siết chặt các tiêu chí chấm bài để tìm ra những nhân tố điển hình trong việc phát triển văn hóa đọc và đảm bảo không có chuyện giải được trao “đại trà”.

Để có thêm thông tin chi tiết về cuộc thi, ông Phạm Quốc Hùng (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL), Trưởng BTC đã có buổi trao đổi với phóng viên Văn Hóa.

 Ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL)

PV: Thưa ông, trải qua 3 lần tổ chức với nhiều thành công, để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc thi cũng như thu hút thêm nhiều thí sinh tham dự, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 có những điểm mới gì so với những cuộc thi trước đây?

Ông Phạm Quốc Hùng: Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được Bộ VHTTDL tổ chức từ năm 2019 đến nay là một trong các hoạt động quan trọng nhằm triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ. Kể từ khi được phát động lần đầu tiên, cuộc thi đã góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Hàng triệu học sinh, sinh viên trên khắp cả nước đã tham gia và thu được nhiều kết quả tốt đẹp, lan tỏa được niềm yêu thích đọc sách, khơi dậy đam mê, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc thi cũng như thu hút thêm nhiều thí sinh tham dự, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 đã có nhiều thay đổi so với những năm trước đây. Theo đó ngoài việc các thí sinh làm bài dự thi theo hai hình thức viết hoặc quay clip và trả lời các câu hỏi theo đề thi mà BTC quy định, thí sinh có thể vẽ tranh, sáng tác thơ,  sáng tác kịch… về lan toả tình yêu với sách và văn hoá đọc.

Đề thi cũng có sự đổi mới. Khi thiết kế đề, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia để có được bộ đề khoa học, gắn với sở trường của mỗi đối tượng dự thi. Đề sẽ phát huy hết khả năng tư duy, tính sáng tạo của học sinh, sinh viên tham dự, kích thích niềm đam mê đọc sách và tạo điều kiện cho các em có thêm những đề xuất trong phát triển văn hóa đọc.

PV: Với nhiều thay đổi, vậy tiêu chí chấm giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2022 đã có những đổi mới gì thưa ông?

Ông Phạm Quốc Hùng: Về cả hình thức, nội dung đều có nhiều đổi mới nên tiêu chí chấm giải cũng sẽ có sự thay đổi để phù hợp. Hội đồng giám khảo luôn đề cao tính sáng tạo trong hình thức thể hiện. Bài thi càng công phu, càng để lại ấn tượng mạnh thì càng được đánh giá cao. Nhất là về nội dung, vì cuộc thi hướng đến thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước nên tôi mong muốn ý kiến đóng góp trong bài dự thi của các em sẽ khơi dậy được khát vọng, nội năng của tuổi trẻ. Từ đó, cùng phát huy giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam toàn diện thông qua hoạt động phát triển văn hóa đọc. Với các tiêu chí chấm giải, thí sinh nên lựa chọn mảng sách hướng đến giáo dục, chính trị, tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng, lịch sử, văn hóa… để thực hiện bài thi.

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2022 sẽ rất chú trọng đến chất lượng chuyên môn

PV: Để nâng cao chất lượng các bài dự thi, theo ông, thí sinh cần lưu ý cũng như rút kinh nghiệm gì từ những bài dự thi từ năm trước?

Ông Phạm Quốc Hùng: BTC cũng như hội đồng giám khảo cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc xác định mỗi bài dự thi là minh chứng cho tình yêu với văn hóa đọc của chính thí sinh đó. Vì vậy, tác phẩm dự thi phải là sản phẩm sáng tạo của chính thí sinh. Thí sinh tuyệt đối không lên mạng sao chép ý tưởng từ những bài viết được đăng tải tràn lan. Như vậy, bài dự thi không còn là của chính mình. Chưa kể, đây còn là câu chuyện về giáo dục ý thức tôn trọng bản quyền. Với những thí sinh còn nhỏ tuổi, các em có thể tham khảo ý kiến của giáo viên, cha mẹ, gia đình. Tuy nhiên, tôi mong người hướng dẫn sẽ chỉ định hướng chứ không can thiệp quá sâu vào ý tưởng của các em.

Các thí sinh cũng cần phải trau chuốt cả về nội dung và hình thức của bài dự thi. Những năm trước đây, xuất hiện thực trạng thí sinh làm bài cho có để gửi đi dự thi nên làm rất cẩu thả, qua loa. Vì là cuộc thi có quy mô toàn quốc, BTC không thể để lọt những bài thi kém chất lượng qua vòng sơ khảo chứ chưa đề cập đến vòng chung kết.

PV: Trao đến hơn 200 giải (giải A,B,C, giải khuyến khích, giải chuyên đề...), có ý kiến lo ngại việc trao như vậy sẽ dẫn đến việc trao giải “đại trà”. Để tránh điều này xảy ra, hội đồng giám khảo sẽ có giải pháp gì để vừa khuyến khích các bài thi, vừa đảm bảo chất lượng chuyên môn thưa ông?

Ông Phạm Quốc Hùng: Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2022 dự kiến sẽ trao 4 danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu, 8 giải A, 16 giải B, 52 giải C và 180 giải Khuyến khích. Cùng với đó, BTC sẽ trao nhiều giải chuyên đề, giải tập thể... Là cuộc thi có sức hấp dẫn lớn, thu hút hàng triệu học sinh, sinh viên trên toàn quốc tham gia mỗi năm nên việc trao hơn 200 giải dự thi không thể gọi là nhiều. Chưa kể, mọi bài dự thi đều được chấm qua nhiều vòng và bởi một hội đồng giám khảo có kinh nghiệm chuyên môn dày dặn nên không có chuyện hễ tham gia là có giải. Chỉ những bài dự thi sáng tạo, có tính đột phá, làm nổi bật ý nghĩa mỗi thí sinh là một đại sứ góp phần nhỏ bé lan tỏa văn hóa đọc trong gia đình, bạn bè, nhà trường và cộng đồng mới có khả năng có giải.

Ngoài ra, việc trao nhiều giải chính, giải chuyên đề cho các cá nhân thuộc nhiều lứa tuổi còn là sự khích lệ các em khơi dậy, lan tỏa tình yêu với văn hóa đọc, phát triển năng lực đọc, tiếp cận và xử lý thông tin.

Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

ĐÌNH TOÁN (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top