Hướng đi đầy tiềm năng của du lịch văn hóa

VHO- Du lịch văn hóa từ lâu đã được ngành du lịch TP.HCM quan tâm, phát triển. Việc đưa du khách đến những địa danh văn hóa, làng nghề truyền thống được du khách rất thích thú. Đối với khách quốc tế, đây không chỉ là trải nghiệm lạ, thú vị mà còn là dịp để tiếp cận với văn hóa Việt Nam với bề dày hàng ngàn năm văn hiến.

Hướng đi đầy tiềm năng của du lịch văn hóa - Anh 1

 Du khách nghe dân ca Quan họ

Giai đoạn dịch bệnh bùng phát, du lịch bị “đóng băng” nên sau khi hoạt động lại, du lịch văn hóa được khơi dậy nhưng với hình thức mới và độc đáo hơn. Điển hình như chương trình du lịch mang tên “Hành trình khám phá Sài Gòn - TP.HCM” do Công ty DVLH Saigontourist giới thiệu mới đây đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, không chỉ đưa du khách đến với những địa danh lịch sử, văn hóa nổi tiếng ở thành phố mà còn kết hợp với ca hát, trải nghiệm đi xe bus ngắm sông Sài Gòn. Với tour “Sài Gòn rong ca”, du khách được đi xe bus 2 tầng ngắm nhìn thành phố. Hay tour “Sài Gòn di sản trăm năm” khám phá nét đẹp văn hóa, kiến trúc, lịch sử Sài Gòn - TP.HCM qua các công trình di sản độc đáo…

Tour “Biệt động Sài Gòn” trải nghiệm cuộc sống thường ngày của các chiến sĩ biệt động như truy tìm mật thư, vào hầm trú ẩn, hầm nổi, kho vũ khí bí mật, bảo tàng Tình báo biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bên cạnh đó du khách còn trải nghiệm đi thang máy từ thời Pháp thuộc độc nhất còn được lưu giữ lại; Bảo tàng thông minh với bàn xoay kỳ diệu, kính thực tế ảo VR cùng các hiện vật trong hoạt động tình báo còn được lưu giữ tại bảo tàng... Đặc biệt, du khách còn được nghe kể chuyện thú vị về chiếc xe Solex cổ đặc biệt của chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (người mang hàng tấn vũ khí tấn công vào Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Ngoài việc tham quan, thưởng lãm, nghe những câu chuyện lịch sử, du khách còn được nhâm nhi cà phê bơ ăn cùng giò cháo quẩy, món ăn đặc biệt của người Sài Gòn xưa mà không nơi đâu có, thưởng thức cơm tấm Đại Hàn… Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài cho biết: “Mới đây, chúng tôi đã thử với một đoàn khách của Công ty TST Tourist trình diễn hát ru và du khách rất thích thú. Sau buổi hát ru đó, những tour du lịch khác dù không phải của công ty này nhưng khi nghe chúng tôi chào dịch vụ hát ru, người ta rất thích vì được an ủi về tinh thần, được hát và nghe hát ru. Có những đoàn khách, khi nghe một người đại diện hát ru, được 7-8 người khách trong đoàn hưởng ứng, điều này chứng tỏ họ có nhu cầu về hát ru và nghệ thuật này đã an ủi được họ”, bà Vân nhận định.

Theo bà Vân, hát ru của Việt Nam cũng được phục vụ cho khách quốc tế. “Khi chúng tôi hát ru, sau đó dịch ra tiếng nước ngoài, du khách nghe và chợt nhớ ra rằng nước mình cũng có hát ru. Họ rất hưởng ứng và có những chia sẻ thật xúc động về loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã thử chương trình hát Quan họ trên thuyền, giữa người hát và người nghe đứng rất xa nhưng khi phiên dịch, khách nước ngoài vẫn nghe được và cảm nhận được sự lãng mạn của loại hình nghệ thuật hát Quan họ”, bà Vân chia sẻ và cho rằng, chúng ta nên tăng cường hơn nữa việc giới thiệu những loại hình nghệ thuật âm nhạc dân tộc, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO đưa vào danh mục di sản thế giới.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng có thể giới thiệu đến du khách hình ảnh đẹp của chiếc áo dài. Lễ hội Áo dài TP.HCM đã trở thành một trong những sự kiện du lịch - văn hóa đặc trưng của TP nhằm tôn vinh vẻ đẹp của áo dài truyền thống, góp phần gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

 LINH LINH

Ý kiến bạn đọc