Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Dự thảo thông tư lần 3 về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức cho di tích, lễ hội: Vẫn còn đó những khoảng trống?

Thứ Hai 04/04/2022 | 10:24 GMT+7

VHO- Tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội cần mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

 Một lễ hội văn hóa truyền thống

Đó là một trong những nội dung khá mới được nêu ra tại dự thảo lần thứ 3 của Thông tư Quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, vừa được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí đối với lễ hội nào phải mở tài khoản?

Bộ Tài chính giải thích, sở dĩ quy định cần phải mở tài khoản là để bảo đảm cho việc tiếp nhận, quản lý tiền công đức, tài trợ an toàn, thuận tiện, với lý do là trong thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ trộm cắp tài sản tại các di tích, có không ít nhà chùa trình báo mất trộm hàng tỉ đồng. Mặt khác, khi xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu công đức, tài trợ cho di tích nhưng không thực hiện được do thực hiện giãn cách xã hội.

Dự thảo lần này cũng nói rõ, trong trường hợp tiếp nhận tiền mặt thì phải mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức, tiền đặt lễ, tiền khấn, tiền giọt dầu và những loại tiền tương tự (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với số tiền tạm thời nhàn rỗi gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ của tổ chức, cá nhân.

Đáng chú ý, trong dự thảo lần này, Bộ Tài chính đã bóc tách khá kỹ và quy định tương đối cụ thể về việc “Tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí đối với lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức” và “Tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí đối với lễ hội không phải do cơ quan nhà nước tổ chức”. Theo cách giải thích từ ngữ của dự thảo, lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức là lễ hội thuộc các trường hợp sau: Lễ hội do Bộ VHTTDL và UBND cấp tỉnh phối hợp tổ chức; Lễ hội do cơ quan nhà nước ở Trung ương tổ chức, trong đó người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu là Trưởng Ban tổ chức lễ hội; Lễ hội do cơ quan nhà nước ở địa phương tổ chức, trong đó Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là Trưởng Ban tổ chức lễ hội. Còn lễ hội không phải do cơ quan nhà nước tổ chức là những lễ hội không thuộc các trường hợp trên. Vì thế, trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí đối với lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức, đơn vị được Ban tổ chức lễ hội giao chủ trì tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội có trách nhiệm: Mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận và gửi số tiền tạm thời nhàn rỗi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân cho tổ chức lễ hội…

Trường hợp tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí đối với lễ hội không phải do cơ quan nhà nước tổ chức thì tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội; tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm phù hợp với tôn chỉ, mục đích tổ chức lễ hội và quy định của pháp luật. Kết thúc lễ hội, tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội phải tổng kết việc thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội; nội dung tổng kết này được thể hiện trong báo cáo kết quả tổ chức lễ hội gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định số 110/2018/ NĐ-CP.

 Người dân tham gia công đức tại di tích

Tính khả thi vẫn chưa cao?

Từ những dự thảo trước, vấn đề được dư luận quan tâm là việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ đối với di tích như thế nào để đảm bảo công khai, minh bạch và tạo niềm tin cho mọi người. Trên thực tế đây là vấn đề không hề dễ dàng, nói cách khác khó lòng quản lý một cách hiệu quả.

Tại dự thảo lần ba, Bộ Tài chính “thiết kế” nội dung này theo hướng “Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ đối với di tích là cơ sở tôn giáo, do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng”. Theo đó, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được vận dụng quy định tại Điều 9 Thông tư này để thực hiện tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Đối với di tích là cơ sở tôn giáo, do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng không có hoạt động lễ hội truyền thống do cơ quan nhà nước tổ chức: Tiền công đức, tài trợ cho di tích là tài sản của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, bảo đảm đúng mục đích và có hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật khác có liên quan; được vận dụng quy định tại Điều 14 Thông tư này để thực hiện.

Đối với di tích là cơ sở tôn giáo, do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng có hoạt động lễ hội truyền thống do cơ quan nhà nước tổ chức định kỳ tại di tích; nguồn thu công đức, tài trợ tại di tích được sử dụng như sau: Trích chi cho công tác tổ chức lễ hội: Số tiền này được chuyển vào tài khoản của đơn vị được Ban tổ chức lễ hội giao chủ trì tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư này. Mức trích và hình thức chuyển tiền do Trưởng Ban tổ chức lễ hội và người đại diện theo pháp luật của tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức tôn giáo trực thuộc tại di tích thỏa thuận thống nhất bằng văn bản; Số tiền còn lại, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc quản lý và sử dụng theo quy định tại khoản 2 Điều này. Tuy nhiên, qua trao đổi với chúng tôi, một số nhà nghiên cứu cho rằng, quy định như trên khó đảm bảo tính khả thi vì sự “thỏa thuận” và “thống nhất bằng văn bản” cần căn cứ vào tiêu chí nào, quy mô hay thời gian kéo dài của lễ hội. Trên thực tế có nhiều ví dụ để diễn giải cho việc quy định trên vẫn chỉ đúng trên lý thuyết còn thực tế “hai bên” khó tìm được sự đồng thuận.

Tuy vậy, Bộ Tài chính vẫn cho rằng, với những quy định trong dự thảo Thông tư đã đáp ứng được cơ bản các yêu cầu đặt ra trong thực tiễn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Cụ thể như đã làm rõ các chủ thể tổ chức lễ hội, quản lý và sử dụng di tích, trên cơ sở đó quy định cụ thể trách nhiệm các chủ thể trong quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Kinh phí tổ chức lễ hội được sử dụng từ các nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước (ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với hoạt động phục dựng, bảo vệ lễ hội truyền thống, bảo đảm phù hợp khả năng cân đối của ngân sách nhà nước). Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội phải quản lý, sử dụng các nguồn tài chính cho tổ chức lễ hội hiệu quả, bảo đảm đúng mục đích, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.

Vẫn biết, qua hai lần dự thảo trước, cơ quan soạn thảo đã tiếp nhận hàng nghìn lượt góp ý nhằm làm cho Thông tư này trở nên chặt chẽ, khả thi hơn, đồng thời bao quát được nhiều đối tượng hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ dự thảo lần này, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn đó những khoảng trống khó lòng bù lấp về quy định bởi tiền công đức cho lễ hội và di tích rất khó bóc tách: Đâu là tiền công đức cho lễ hội, đâu là tiền công đức cho di tích… 

 Mở tài khoản, mở sổ sách để phản ánh, ghi chép các khoản thu, chi từ nguồn hỗ trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân cho công tác tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích là nguyên tắc quản lý tài chính, được áp dụng bắt buộc trong các cơ quan nhà nước. Các tổ chức, cá nhân khác được vận dụng để thực hiện, bảo đảm quản lý an toàn, công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho mọi người có đóng góp tài chính tin rồi sẽ tin hơn.

(Bộ Tài chính thuyết minh)

 LÂM SƠN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top