Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Tác động của dịch Covid-19 đối với nam và nữ có sự khác nhau

Thứ Sáu 01/04/2022 | 21:17 GMT+7

VHO-  Phụ nữ thường làm việc tập trung ở một số ngành/lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, giáo dục… và chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhiều nhất về việc làm, thu nhập. Bên cạnh đó phụ nữ còn chịu cảnh bạo lực gia đình trong thời gian giãn cách xã hội.

Bất bình đẳng về việc làm, thu nhập

Với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới, những khó khăn, thách thức và giải pháp”,  báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền tháng 3.2022 cho thấy, phụ nữ thường làm việc trong các ngành thương mại bán lẻ (64%), khách sạn và du lịch (66%), và các ngành sản xuất hàng may mặc xuất khẩu (77%). Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các lĩnh vực này đã bị giảm sút hoạt động kinh tế trên diện rộng. Tỷ lệ phụ nữ cho biết họ là lao động tự làm hoặc lao động gia đình đã tăng lên và cao gấp đôi so với tỷ lệ này ở nam giới (19,6% so với 8,6% ở nam giới).

Phụ nữ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhiều hơn nam giới (ảnh minh họa)

Điều đáng quan tâm là sau mỗi lần dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh tế được khôi phục trở lại, học sinh được tới trường học, cả nam giới và phụ nữ đều tăng số giờ làm việc để cố gắng bù đắp thu nhập bị mất trước đó. Tuy nhiên, trung bình phụ nữ làm thêm nhiều giờ hơn nam giới, điều này khiến gánh nặng kép của họ lại càng trở nên nặng nề thêm.

Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội đã khiến việc học tập của hơn 21 triệu trẻ em Việt Nam bị ảnh hưởng, nhóm trẻ mầm non phải nghỉ học ở nhà hoặc phải gửi ông/bà/người thân chăm sóc. Mỗi hộ gia đình phải có tối thiểu một người lớn giảm hoặc ngừng hẳn công việc tạo thu nhập để trông nom, chăm sóc trẻ em nghỉ học ở nhà. Và các bà mẹ phải giảm, ngừng việc để trông nom, chăm sóc trẻ em nghỉ học ở nhà nhiều hơn so với các ông bố.

Cùng với đó là việc đóng cửa trường học đã tác động trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các giáo viên hợp đồng tại các nhà trường trong hệ thống giáo dục. Đặc biệt là giáo viên mầm non với phần lớn là phụ nữ. Một lực lượng lớn giáo viên dạy hợp đồng đang phải tìm các công việc khác nhau để mưu sinh trong mùa dịch.

Việc giãn cách xã hội cùng những áp lực về tâm lý, sức khoẻ cũng như gánh nặng về kinh tế khi phải nghỉ việc không lương hoặc giảm mức thu nhập hàng tháng gây áp lực cho mỗi gia đình. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, sự lo lắng gia tăng và căng thẳng tài chính, sự khan hiếm các nguồn lực trong cộng đồng,… đã tạo tiền đề cho các cuộc khủng hoảng gia đình. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong thời gian dịch bệnh.

Làm sao để thu hẹp khoảng cách giới?

Bộ LĐ,TB&XH cho rằng, định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong các tầng lớp nhân dân, đây được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới. Thời đại của hội nhập và công nghệ mang đến không ít cơ hội nâng cao quyền năng cho phụ nữ song cũng mang lại một số thách thức mới cho bình đẳng giới. Tình trạng bắt nạt hay quấy rối trực tuyến có diễn biến phức tạp với nhiều hệ lụy tiêu cực. Phụ nữ vẫn chưa được tiếp cận và tham gia đầy đủ trong phần lớn các công việc thuộc lĩnh vực công nghệ, phản ánh sự bất bình đẳng trong các lựa chọn và nghề nghiệp về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Phụ nữ làm trong các ngành nghề kỹ năng thấp, thâm dụng lao động. Mặt khác, công nghệ tự động hóa làm tăng hiệu quả sản xuất nhưng cũng giảm vị trí việc làm trong đó phần nhiều do phụ nữ đảm nhận.

Với mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong giai đoạn tới. Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan. Trước mắt cần tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Bình đẳng giới và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Bình đẳng giới trong thời gian tới. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lập ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và bố trí nguồn lực thích đáng cho công tác bình đẳng giới.

Đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới Mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em Đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học.

Nhân rộng các cơ sở cung cấp dịch vụ tham vấn, tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới và nơi tạm lánh, nơi trú ẩn an toàn cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường các dịch vụ xã hội hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực, những người bị ảnh hưởng tâm lý do thất nghiệp, mất việc làm, phá sản…

THẢO LAM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top