Định hướng mới, hành động mới cho việc phục hồi và phát triển ngành Du lịch

VHO-Ngày 1.4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch và Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp tổ chức Diễn đàn Du lịch Việt Nam với chủ đề “Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới”.

Định hướng mới, hành động mới cho việc phục hồi và phát triển ngành Du lịch - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho rằng định hướng mới cho Du lịch Việt Nam thời gian tới

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Lê Thị Bích Ngọc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình và hàng trăm đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo du lịch, đại diện các cơ quan báo chí.... đã tham dự Diễn đàn.

Diễn đàn gồm 2 phiên, “Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới” và “Phục hồi du lịch Việt Nam - Hành động mới”.

Đại dịch Covid-19 đã làm cho ngành Du lịch cùng nhiều ngành kinh tế khác bị thiệt hại nặng nề trong suốt 2 năm qua. Cũng như việc phục hồi kinh tế xã hội của đất nước sau đại dịch, việc phục hồi cơ sở vật chất  kỹ thuật trong ngành Du lịch, phục hồi các sản phẩm, dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đòi hỏi sự nỗ lực, thời gian lâu dài cũng như sự đầu tư lớn của toàn ngành.

Định hướng mới, hành động mới cho việc phục hồi và phát triển ngành Du lịch - Anh 2

Các đại biểu dự Diễn đàn

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo ngành Du lịch toàn cầu sẽ cần từ 3-4 năm để có thể phục hội lại hoạt động như mốc năm 2019. Đây cũng là nhiệm vụ và thách thức đối với du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Trong khuôn khổ Diễn đàn, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tập trung thảo luận, cho ý kiến đóng góp vào một số nội dung quan trọng.

“Trong đó, đặc biệt chú trọng vào các định hướng mới cho Du lịch Việt Nam thời gian tới như các định hướng về chính sách, định hướng về đầu tư, về sản phẩm và thị trường, định hướng về huy động nguồn lực và phát triển nguồn nhân lực. Đây là các điều kiện quan trọng cho việc phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới. Ví dụ, các chính sách nhà nước cần hướng đến giải quyết những nội dung cụ thể nào? Hay dòng sản phẩm nào sẽ là sản phẩm chủ đạo để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nói.

Định hướng mới, hành động mới cho việc phục hồi và phát triển ngành Du lịch - Anh 3

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Bên cạnh đó, Thứ trưởng mong muốn các đại biểu nêu rõ các giải pháp và hành động cụ thể cho việc khôi phục và phát triển Du lịch Việt Nam thời gian tới. “Đâu là các giải pháp cốt lõi, đâu là giải pháp trước mắt, đâu là các giải pháp lâu dài và các hành động chúng ta cần thực hiện ngay để phục hồi ngành du lịch nhanh nhất trong điều kiện bình thường mới”, Thứ trưởng đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, cần các đề xuất cụ thể đối với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan quản lý du lịch các cấp để có thể nhanh chóng hành động, triển khai thực hiện các giải pháp cho việc phục hồi và phát triển Du lịch Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?

Thứ trưởng cho biết: Bộ VHTTDL cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ các địa phương và doanh nghiệp trong các hoạt động nhằm phục hồi và phát triển ngành Du lịch, đưa Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ chính trị đã xác định.

Định hướng mới, hành động mới cho việc phục hồi và phát triển ngành Du lịch - Anh 4

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình

Tại Diễn đàn, tân Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định: “Việc khôi phục nhanh ngành Du lịch không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân, hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước liên quan đến ngành Du lịch”.

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động du lịch, nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch luôn chủ động, tranh thủ mọi cơ hội khởi động ngay các hoạt động du lịch khi điều kiện cho phép. Hàng loạt chương trình kích cầu của doanh nghiệp, ở mức độ cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia đã được triển khai kịp thời, nhanh chóng trong hai năm qua, thể hiện sự năng động của ngành Du lịch. Để khôi phục, phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19 cần phải xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, ngành, địa phương và cả tầm quốc gia cùng thống nhất hành động.

Định hướng mới, hành động mới cho việc phục hồi và phát triển ngành Du lịch - Anh 5

Các diễn giả trong phiên thảo luận 1: Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới

heo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trước bối cảnh và các xu hướng phát triển của du lịch thế giới, Tổng cục Du lịch xác định một số yêu cầu và định hướng đối với việc phục hồi, phát triển ngành Du lịch. Cụ thể, việc phục hồi và phát triển du lịch cần được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ, nhanh chóng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và khu vực đang diễn ra gay gắt để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại.

Thêm vào đó, việc phục hồi và phát triển du lịch cần phải thích ứng với các nhu cầu, xu hướng du lịch mới trong khu vực, trên thế giới trong điều kiện bình thường mới. Trong bối cảnh các nguồn lực còn khó khăn, việc phục hồi và phát triển du lịch vừa đòi hỏi đảm bảo an toàn vừa phải đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế, tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với trước đại dịch. Người làm du lịch phải không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, đổi mới cách làm trong việc tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư mạnh vào công nghệ trong phát triển du lịch.

Mặc dù thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho du lịch nhưng theo các đại biểu, chuyên gia, để ngành Du lịch rút ngắn thời gian phục hồi, nhanh chóng vào giai đoạn phát triển thì cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ hơn.

Định hướng mới, hành động mới cho việc phục hồi và phát triển ngành Du lịch - Anh 6

Các diễn giả trong phiên thảo luận 2: Phục hồi du lịch Việt Nam - Hành động mới

Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng các chính sách hỗ trợ du lịch mới chỉ “chạm” được đối tượng là người lao động, hướng dẫn viên, trong khi du lịch còn nhiều khâu cần hỗ trợ như việc giãn các khoản thuế và thuê đất. Bên cạnh đó, ông Đậu  Anh Tuấn cũng đề xuất, cần có chính sách thị thực (visa) cởi mở hơn như nới thời gian lưu trú tại Việt Nam cho du khách dài ngày hơn và mở rộng diện miễn thị thực cho công dân các thị trường trọng điểm, tiềm năng của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam đề xuất, cần có thêm chính sách hoàn thuế cho người nước ngoài xuất cảnh thuận lợi với du khách quốc tế.

Tại Diễn đàn, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã ra mắt ông Lê Tuấn Anh, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch: Đến nay, Quỹ đã đi vào hoạt động, sẽ góp phần phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch, khi các nguồn lực đã suy giảm đáng kể. Hoạt động của Quỹ cũng góp phần nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, thúc đẩy các hoạt động phát triển du lịch, tăng cường hợp tác công- tư, tạo nguồn lực, cơ chế linh hoạt hơn trong cách hoạt động xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ phát triển du lịch.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng Cao Trí Dũng gợi ý, các doanh nghiệp cần đi sâu vào nhóm nhu cầu chuyên biệt của khách, từ đó xây dựng các sản phẩm du lịch an toàn, du lịch y tế, du lịch MICE. Ngoài ra, ngành Du lịch Việt Nam cần tăng cường truyền thông hình ảnh quốc gia, giúp khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin về Du lịch Việt Nam.

THÚY HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc