Để giảm nguy cơ đột quỵ khi tập luyện thể thao

VHO- Làng bơi lội Việt Nam vừa bàng hoàng nhận tin “sét đánh” khi Nguyễn Hữu Việt, người giúp Đoàn Thể thao Việt Nam giành HCV ở SEA Games 2005 qua đời đột ngột vào sáng ngày 25.3 tại nhà riêng. Một tuần trước đó, người hâm mộ thể thao Việt Nam cũng không khỏi sốc trước thông tin HLV Fridon Chkhartishvili của tuyển vật đột ngột qua đời, chỉ sau gần một ngày sức khỏe có vấn đề.

Để giảm nguy cơ đột quỵ khi tập luyện thể thao - Anh 1

 Bác sĩ Bệnh viện Thể thao Việt Nam sẽ tiến hành điện tâm đồ gắng sức cho VĐV nếu thấy dấu hiệu bất thường khi điện tâm đồ ở trạng thái nghỉ Ảnh: QUÝ CHIẾN

 Tại Việt Nam, tỷ lệ các trường hợp đột quỵ, tử vong khi đang vận động, thi đấu chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng vẫn xảy ra. Chẳng hạn như trường hợp vận động viên xe đạp Đỗ Xuân Tâm tử vong ngay trên đường đua ở giải xe đạp tiền SEA Games 22 tổ chức tại Hòa Bình vào năm 2003…

VĐV khỏe mạnh, được theo dõi vẫn có nguy cơ đột quỵ

Câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc là các VĐV chuyên nghiệp, thi đấu đỉnh cao thì nền tảng thể lực phải được đảm bảo tốt nhất, được theo dõi sức khỏe dinh dưỡng đầy đủ khoa học về tình trạng vận động, tim mạch, hô hấp, thần kinh… để sẵn sàng thi đấu. Thế nhưng tại sao một số trường hợp vẫn không được phát hiện những nguy cơ? Lý giải về điều này, bác sĩ Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Sinh lý học Việt Nam cho biết, phần lớn các bệnh lý cấp tính, đột tử ở VĐV là các bệnh lý tim mạch hoặc di truyền như bệnh cơ tim phì đại, phì đại thất trái không xác định nguyên nhân, viêm cơ tim và một số hội chứng liên quan đến tim mạch. “Tuy nhiên, nhiều trường hợp chỉ phát hiện bệnh khi vận động, còn ở trạng thái bình thường không phát hiện bệnh, nên khi vận động quá sức sẽ dễ dẫn đến tình trạng tai biến, tử vong. Do đó, việc thực hiện nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ chính là cách phát hiện sớm bệnh lý để điều chỉnh, điều trị kịp thời”, Giám đốc Bệnh viện Thể thao nói.

Bác sĩ Võ Tường Kha giải thích thêm, hội chứng tim VĐV là những thay đổi về cấu trúc và chức năng tim ở VĐV để thích nghi sinh lý của tim với hoạt động vận động thể lực nặng, kéo dài trong tập luyện hoặc thi đấu thể thao. Đa số VĐV có biến đổi thích nghi không đi kèm với triệu chứng của tim mạch như khó thở, đau thắt ngực, do vậy khám lâm sàng thường không phát hiện ra. Tuy nhiên, cũng có một số VĐV trong quá trình vận động cường độ cao làm cho tim hết khả năng thích nghi, dẫn tới bị kiệt quệ, xuất hiện cơn khó thở, đau thắt ngực đột ngột, ngất xỉu, thậm chí đột quỵ.

Cần sàng lọc và phát hiện sớm bệnh lý

Phát hiện sớm bệnh lý tim mạch trong thể thao, đặc biệt là tim mạch vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp là vấn đề quan trọng nhằm có kế hoạch, giải pháp góp phần giảm thiểu tai nạn xảy ra trong luyện tập và thi đấu thể dục thể thao. Hiện nay Bệnh viện Thể thao Việt Nam đang triển khai 2 đề tài cấp Bộ, trong đó có đề tài nghiên cứu quy trình sàng lọc phát hiện sớm bệnh lý tim mạch VĐV. Năm 2021, những người thực hiện đã sàng lọc trên khám sức khỏe bình thường và trên điện tâm đồ trong điều kiện bình thường cho hơn 1.142 VĐV ở cả 3 miền, phát hiện trên 30% VĐV có dấu hiệu bất thường. Năm nay, đề tài chuyển sang bước thứ 2 là thực hiện biện pháp chuyên sâu, trong đó có nghiệm pháp điện tâm đồ gắng sức.

Tại hội nghị khoa học chuyên đề Tim mạch vận động viên chuyên nghiệp do Bệnh viện Thể thao Việt Nam và Hội Sinh lý học Việt Nam tổ chức, các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tim mạch và y học thể thao đến từ các bệnh viện, các trường đại học, viện nghiên cứu như Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Thể thao Việt Nam… đã chia sẻ về các kết quả nghiên cứu, điều trị bệnh lý tim mạch cho VĐV, đặc điểm sinh lý tim mạch VĐV, tầm soát, dự báo chuyên sâu nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bác sĩ Võ Tường Kha cho biết, con số 30% VĐV có dấu hiệu bất thường trên điện tâm đồ không phải là quá lo lắng. Bởi tim VĐV có đặc điểm khác biệt với tim người bình thường, với những dấu hiệu này ở người bình thường là bệnh lý, nhưng ở VĐV phải làm thêm biện pháp điện tâm đồ gắng sức, có thể những dấu hiệu này lại mất và có thể thi đấu bình thường. Nếu xuất hiện nặng lên thì VĐV buộc phải nghỉ hoặc tạm dừng để điều trị.

Theo bác sĩ Ngô Đức Nhuận, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, qua quá trình thực hiện chẩn đoán bệnh tim mạch bằng biện pháp điện tâm đồ gắng sức cho 18 VĐV ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội và Trung tâm đào tạo VĐV (trường ĐH TDTT Bắc Ninh) đã phát hiện 2 VĐV có dấu hiệu bất thường về lâm sàng, có nguy cơ dừng thi đấu, được khuyến cáo phải điều trị (chiếm 11,11%). Cả 2 VĐV được phát hiện bất thường sau điện tâm đồ gắng sức được các bác sĩ đề xuất tạm dừng tập luyện, tiếp tục khám chuyên sâu tim mạch như siêu âm gắng sức, MRI hoặc xạ hình tim để chẩn đoán xác định, nguyên nhân và điều trị kịp thời. Như vậy, việc phát hiện bệnh lý tim mạch với nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ là một giải pháp tầm soát, phát hiện sớm bệnh lý tim mạch tiềm tàng của VĐV để các HLV, bác sĩ và các VĐV lưu ý lượng vận động phù hợp trong tập luyện, thi đấu và có biện pháp phòng, điều trị kịp thời, ổn định bệnh lý tim mạch. Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị kiểm tra điện tâm đồ gắng sức với tất cả VĐV sau khi phát hiện dấu hiệu bất thường ở điện tâm đồ thường; khi phát hiện bệnh lý cần được khám chuyên sâu tim mạch để chẩn đoán xác định, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, tử vong trong quá trình tập luyện, thi đấu. 


QUỲNH HOA - VÕ HẠNH

Ý kiến bạn đọc