Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Để du khách không thể bỏ qua Vị Xuyên khi tới Hà Giang

Chủ Nhật 27/03/2022 | 14:35 GMT+7

VHO- Nhận thức rõ vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh thích ứng với tình hình Covid-19 hiện nay, ngày 27.3, UBND huyện Vị Xuyên, Hà Giang tổ chức Hội thảo phát triển du lịch huyện Vị Xuyên giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến 2030.

Vị Xuyên được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

Hội thảo có chủ đề “Vị Xuyên- Điểm hẹn nơi biên cương” được tổ chức nhằm làm rõ những tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện Vị Xuyên và cả những hạn chế, vướng mắc khiến nhiều năm nay du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, kinh nghiệm để giải quyết những tồn tại và phát triển du lịch ngày càng mạnh mẽ hơn.

Phó chủ tịch thường trực UBND Hà Giang Hoàng Gia Long, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Hoàng Thanh Tịnh, Phó giám đốc Sở VHTTDL Triệu Thị Tình, lãnh đạo các các sở, ngành liên quan của tỉnh Hà Giang; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan của huyện Vị Xuyên. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp du lịch, đại diện các cơ quan báo chí là thành viên của đoàn khảo sát tuyến, điểm du lịch của Vị Xuyên từ ngày 25-26.3.

Đưa Vị Xuyên thành “địa chỉ đỏ” ở khu vực miền Bắc

Thời gian qua, huyện Vị Xuyên đã chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn liền với các điểm di tích lịch sử các mạng như: Đền thờ các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vị Xuyên; các sản phẩm du lịch gắn liền với các di sản văn hóa phật giáo, với 2 bảo vật quốc gia như chùa Sùng Khánh (xã Đạo Đức), chùa Bình Lâm (xã Phú Linh), chùa Nậm Dầu (xã Ngọc Linh)... Tuy nhiên, hiện nay mức chi tiêu của du khách còn thấp, trên địa bàn chưa có sản phẩm dịch vụ du lịch đáp ứng cho đối tượng khách du lịch tâm linh, khách ít sử dụng dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn.

Toàn cảnh Hội thảo phát triển du lịch huyện Vị Xuyên giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến 2030

Từ năm 2009 đến nay, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã phối hợp với phòng Văn hóa và Thông tin, các cơ quan đơn vị tham mưu cho UBND huyện xây dựng và ban hành nhiều Đề án du lịch như: Đề án xây dựng Làng văn hóa du lịch thôn Bản Phố (xã Minh Tân), Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch thôn Khuổi Lác (xã Trung Thành), Đề án xây dựng làng văn hóa- du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới thôn Thanh Sơn (xã Thanh Thủy); Đề án làng văn hóa du lịch thôn Bản Bang (xã Đạo Đức), Đề án làng du lịch thôn Lùng Tao (xã Cao Bồ)...

Trên địa bàn huyện, một số làng văn hóa du lịch cộng đồng hiện tại chủ yếu khai thác những gì đã có sẵn, chưa có giải pháp kêu gọi đầu tư theo chiều sâu để khai thác đúng mức và sử dụng hiệu quả các giá trị tài nguyên vốn hết sức phong phú và đa dạng tại địa bàn.

Bên cạnh đó, huyện Vị Xuyên cũng chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ du lịch cộng đồng theo tiêu chí phận hạng sản phẩm OCOP; các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; sản phẩm du lịch hang động

Bà Đặng Thị Phượng, Phó chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: “Du lịch tâm linh, lịch sử văn hóa và du lịch cộng đồng được xác định là những sản phẩm đặc trưng của huyện. Đặc biệt, là sản phẩm du lịch tâm linh, về nguồn thăm chiến trường xưa Vị Xuyên, viếng nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, cao điểm 468, làng Pinh... được Vị Xuyên xác định là sản phẩm chủ đạo, sẽ phát triển du lịch Vị Xuyên thành “địa chỉ đỏ” ở khu vực miền Bắc”.

Các doanh nghiệp đóng góp nhiều ý kiến sát thực để Vị Xuyên phát triển du lịch thời gian tới

Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang cũng có nhiều sản phẩm du lịch tâm linh, trong đó lần đầu tiên ra mắt sản phẩm du lịch “Hành quân theo bước chân anh”. Ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang cho rằng, có thể khẳng định Vị Xuyên có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với tài nguyên thiên nhiên phong phú, giá trị văn hóa lịch sử độc đáo, mang đậm bản sắc riêng....

Theo ông Tĩnh, nên nhìn thẳng vào sự thật chúng ta có gì và khách du lịch muốn gì khi đến Hà Giang, từ đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, mang lại lợi ích kinh tế và để lại những dấu ấn đặc trưng của địa phương. Trong tình hình nguồn lực còn hạn chế như hiện nay cần mạnh dạn lựa chọn, quyết định làm gì trước, không nên đầu tư quá dàn trải... Làm sao để mỗi du khách lên Hà Giang sẽ không thể bỏ qua Vị Xuyên.

Góp ý với Vị Xuyên trong phát triển du lịch, bà Vũ Thị Uyên, trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: Vị Xuyên cần phát triển nhiều hơn các sản phẩm có thế mạnh để có thể níu chân khách du lịch lâu hơn 2-3 ngày, sau đó đi các điểm du lịch khác của Hà Giang. Trong đó, cần khẳng định Vị Xuyên là Vị Xuyên chứ không lẫn với những địa phương khác. Ví dụ, ở Lùng Tao (xã Cao Bồ) là người Dao, ở Xà Phìn cũng là người Dao nhưng phải tìm ra nét đặc trưng của mỗi thôn bản, địa phương để xây dựng những sản phẩm độc đáo. Dù người Dao đi đâu cũng có cây chè nhưng chè đó như cách chế biến chè, cách uống chè có gì khác nhau..., tìm ra điểm khác biệt, gắn với mỗi tộc người, văn hóa của địa phương.

Theo bà Uyên, Vị Xuyên cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Nhưng muốn phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương cần chú ý với phân chia lợi ích để những người không trực tiếp làm du lịch, không đón khách nhưng họ vẫn được hưởng lợi từ việc đầu tư hạ tầng ở địa phương.

Các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp để Vị Xuyên khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch

Nhấn mạnh việc phải có tính liên kết vùng, ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Fivestar Travel cho rằng, cần có sự đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, kết nối sản phẩm, tour tuyến của Vị Xuyên với các huyện, thị khác trong tỉnh và giữa Hà Giang với các địa phương khác trong khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và cả nước....

Về việc phát triển sản phẩm đặc trưng ở Vị Xuyên, ông Doanh đề nghị tập trung nhiều hơn để khai thác sâu du lịch tâm linh liên quan đến chiến trường xưa, nghĩa trang Vị Xuyên. Trong đó, cần chú trọng những chi tiết dù nhỏ như: thuyết minh, sa bàn giới thiệu, trang phục bộ đội khi hướng dẫn và có những nội dung thuyết minh, những câu chuyện thật xúc động, có thể chạm vào trái tim của khách du lịch.

Đầu tư tương xứng để phát triển du lịch

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long mong muốn các đại biểu tham dự Hội nghị góp ý thẳng thắn với địa phương. Càng thẳng thắn, Vị Xuyên nói riêng và Hà Giang nói chung càng rút được kinh nghiệm, tránh được những lỗi đáng tiếc. Tỉnh Hà Giang xác định phát triển du lịch là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, định hướng phát triển mạnh du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái... Tuy nhiên, hiện nay tỉnh vẫn lúng túng trong phát triển du lịch, chưa chuyên nghiệp và còn nhiều việc phải làm.

Đoàn khảo sát tại thôn Lùng Táo, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên

Phó chủ tịch đề nghị Vị Xuyên xác định sản phẩm đặc trưng, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc cần phải làm thế nào. Dẫn ra một số ví dụ, ở một số nơi trên cả nước, nhiều bản du lịch dân tộc không còn người dân mặc trang phục dân tộc, giữ nghề truyền thống, ít sử dụng ngôn ngữ dân tộc... như thế, sẽ mất đi những nét độc đáo, đặc trưng, riêng biệt và không thể phát triển du lịch được.

Bên cạnh đó, làm thế nào để gắn kết du lịch Hà Giang với các địa phương trong vùng và cả nước; bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực Hà Giang, làm gì để hỗ trợ đồng bào biết cách làm du lịch, học ngoại ngữ.... là những vấn đề đặt ra mà địa phương phải quan tâm, giải quyết.  

Ông Hoàng Gia Long đề nghị huyện dành quỹ đất cho phát triển du lịch, quy hoạch để phát triển những điểm du lịch xứng tầm, phù hợp với các địa phương; dành nguồn lực đầu tư tương xứng, tập trung chứ không phải dàn trải, mỗi nơi một tí nhưng không điểm nào tầm cỡ; tìm ra những nét đặc thù để xây dựng những sản phẩm đặc trưng của địa phương; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực....

“Việc phát triển du lịch ở Vị Xuyên không nên nóng vội, cần có sự lựa chọn nhưng cũng không quá cầu toàn và phải phù hợp với văn hóa đồng bào, không phải cứ đi đâu, thấy cái gì hay là mang về địa phương. Đồng thời, lựa chọn những dự án phù hợp; chú trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế”, ông Long nhấn mạnh.

Thác Hươu, điểm tham quan mới của huyện Vị Xuyên

Cho biết Hà Giang có 8 nghị quyết thì có đến 3 nghị quyết về du lịch, bà Triệu Thị Tình, Phó giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang cho biết, tỉnh Hà Giang rất quan tâm và quyết tâm phát triển du lịch, có những chủ trương, chỉ đạo cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, việc thực hiện cụ thể những chỉ đạo, chủ trương đó mới là quan trọng. Bà Tình đề nghị lãnh đạo, cán bộ huyện Vị Xuyên phải đi khảo sát thực tế, phải thật hiểu về tuyến điểm, sản phẩm du lịch của mình và giới thiệu với các doanh nghiệp, cơ quan báo chí. Sở VHTTDL sẽ luôn đồng hành với các địa phương để phát triển du lịch đúng hướng và bền vững. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch.

Tiếp thu ý kiến của lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Hoàng Thanh Tịnh cho biết: “Nhằm phát triển du lịch địa phương thời gian tới, huyện Vị Xuyên đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; chú trọng chuyển đổi số; bảo vệ môi trường, rà soát quỹ đất để phát triển du lịch... Hiện nay, nhiều nhà đầu tư tìm hiểu nhưng quỹ đất như thế nào để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư là một vấn đề cần phải giải quyết. đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng giao thông, cụ thể lên Lùng Tao và Xà Phìn hoặc nâng cấp tuyến đường sang Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang). Việc phát triển du lịch, thương mại, truyền thông điểm đến... sẽ được huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, khả thi, bài bản”.

THÚY HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top