Chọn sách giáo khoa mới: Nên bỏ những quy định hình thức

VHO- Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 triển khai chương trình GD phổ thông mới theo định hướng “một chương trình, nhiều SGK”. Thời điểm hiện tại, các địa phương đang tiến hành quy trình chọn SGK lớp 3, 7 và 10.

Chọn sách giáo khoa mới: Nên bỏ những quy định hình thức - Anh 1

 Giáo viên đưc nghiên cu, đc sách th hin tính dân ch, cũng đng thi là cơ hi đ h tiếp cn, c xát, hiu và s dng sách mt cách ch đng, linh hoạt

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký quyết định phê duyệt 43 SGK lớp 3, 40 SGK lớp 7 và 44 SGK lớp 10 để các địa phương lựa chọn.

Còn nhiều băn khoăn

Với chương trình GD phổ thông mới đang thực hiện ở lớp 1, 2, 6 và sắp thực hiện ở lớp 3, 7, 10, các nhà trường sẽ thống nhất áp dụng một chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành, nhưng được lựa chọn SGK trong nhiều bộ sách của các đơn vị, cá nhân khác nhau biên soạn. Các sách này đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở lớp 1, việc chọn SGK vẫn theo Nghị quyết 88/NQ-TW, theo đó, hiệu trưởng các trường có quyền quyết định chọn SGK cho học sinh, giáo viên trường mình sử dụng. Nhưng từ các năm tiếp theo, việc lựa chọn SGK được thực hiện theo Luật Giáo dục 2019. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định việc chọn sách, dựa trên đề xuất của hội đồng chọn SGK cấp tỉnh. Theo quy trình, giáo viên được nghiên cứu, đề đạt ý kiến chọn sách lên tổ chuyên môn, các trường tập hợp ý kiến rồi gửi lên hội đồng chọn sách. Đây là một căn cứ quan trọng để quyết định lựa chọn những SGK nào.

Trên thực tế, luồng tâm lý đang khá phổ biến hiện nay là các trường phổ thông cho rằng ý kiến của họ chỉ “mang tính thủ tục”, còn quyết định như thế nào “tỉnh” sẽ chốt. Vì thế, các quy trình nghiên cứu, thảo luận, ý kiến về chọn sách được làm qua loa, hình thức. Còn nữa, nhiều giáo viên, nhà trường thực hiện nghiêm túc, gửi đề xuất lên trên nhưng cảm giác “ý kiến không được lắng nghe”, trong khi việc thực hiện quy trình này lấy mất của cán bộ, giáo viên khá nhiều thời gian, công sức. Ở nhóm này, nhiều vị hiệu trưởng và giáo viên có những kiến nghị, với mong muốn được sử dụng bộ sách phù hợp nhất.

Bà Trần Thị Phương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Liêm (Hà Nam) chia sẻ: “Theo quy định, các NXB, tác giả SGK phải có buổi tập huấn sử dụng sách. Nhưng trên thực tế, các buổi này không thể gọi là tập huấn. Mỗi môn học chỉ được dành 20-30 phút để các đơn vị xuất bản giới thiệu sách. Chủ yếu là giới thiệu những cái hay cái tốt. Sách mới được chuyển đến tay giáo viên cũng muộn, nên thời gian để đọc kỹ tất cả các đầu sách rất eo hẹp, trong khi họ còn nhiều việc khác phải làm”. Bà Phương cũng cho biết, các buổi sinh hoạt chuyên môn cấp cụm trường và toàn huyện rất ít. Giáo viên cũng không có cơ hội để được hỏi, nghe giải đáp thắc mắc của tác giả SGK. Chính vì thế, chỉ khi đi vào dạy học chính thức mới có những điểm bị vướng, mới thấy những bất cập.

Tại Nam Định, nhiều hiệu trưởng và trưởng phòng GD&ĐT cũng cho biết sự bất cập khi giáo viên “phải đọc nhiều bản mẫu SGK, nhưng khi đưa ý kiến lên, tỉnh lại chọn sách khác”. Còn theo một giáo viên THPT tại Hà Nội, thì quy trình lấy ý kiến giáo viên phổ thông hiện nay rất hình thức. Những ý kiến nghiêm túc, xuất phát từ việc nghiên cứu, đọc kỹ bản mẫu lại thường “lạc điệu”. “Hiệu trưởng trường tôi đưa ra định hướng luôn từ đầu là tập trung nhận xét một bộ sách thôi, vì hướng của thành phố sẽ chọn bộ đó. Kết quả lấy phiếu 100% chọn sách được hiệu trưởng gợi ý”, giáo viên này cho biết.

Mong muốn và thực tế đang bị vênh nhau

Nhiều ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên cho rằng nên điều chỉnh quy định để loại bỏ những việc hình thức, mất thời gian vô ích. “Mỗi quận, huyện nên thành lập một hội đồng gồm giáo viên chủ chốt của các bộ môn. Những người này được tạo điều kiện để tiếp cận sớm các bản mẫu sách để đọc, nghiên cứu, thảo luận và có ý kiến. Như thế hiệu quả hơn và tiếng nói có trọng lượng hơn với hội đồng cấp tỉnh”, một hiệu trưởng ở Hà Nam đề nghị.

Tại Hà Nội, theo một số giáo viên thì để nghiên cứu, thảo luận và có ý kiến thấu đáo cần khoảng 2 tuần tập trung mà không kiêm nhiệm việc khác. Hiện tại giáo viên chỉ được nghiên cứu, đọc sách trong 4 ngày, trong tình huống phải làm cả các công việc tại trường. Việc yêu cầu đọc sách, ý kiến cũng không kèm theo chế tài về trách nhiệm hay chế độ được hưởng thì sẽ khó khiến tất cả giáo viên làm việc thực chất, trách nhiệm.

“Giáo viên có thể tiếp cận, nghiên cứu, phục vụ công việc chuyên môn của mình nhưng không nhất thiết phải yêu cầu tất cả giáo viên đọc với mục đích có ý kiến chọn sách. Vì ngoài eo hẹp thời gian, không phải giáo viên nào cũng có tầm nhìn, năng lực để đánh giá, phản biện, có đề xuất hợp lý”, cô Ngọc Châu, hiệu trưởng trường THCS ở Hà Nội bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, phía Bộ GD&ĐT vẫn cho rằng, bắt buộc 100% giáo viên nghiên cứu, đọc sách là cần thiết và được quy định trong văn bản pháp lý. Điều này thể hiện tính dân chủ, cũng đồng thời là cơ hội để giáo viên tiếp cận, cọ xát, hiểu và sử dụng sách một cách chủ động, linh hoạt. Nhưng giữa mục tiêu, mong muốn và thực tế lại đang bị vênh nhau. Nhìn lại các năm qua, việc chọn sách tuy diễn ra suôn sẻ, nhưng sau khi bước vào năm học, có rất nhiều bất cập mới được phát hiện, gây bức xúc dư luận. 

KỲ THANH

Ý kiến bạn đọc