Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL: Mỗi địa phương phát huy một thế mạnh

VHO- Sự kiện TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ký kết quy chế phối hợp thực hiện thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch đến năm 2025 tại tỉnh Bạc Liêu vào cuối tuần qua cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm phục hồi du lịch trong điều kiện bình thường mới của vùng đất phương Nam, dựa trên thế mạnh và sự khác biệt về sản phẩm du lịch.

Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL: Mỗi địa phương phát huy một thế mạnh - Anh 1

 Đại diện TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch đến năm 2025

 Có thể nói, sự khởi sắc dần của ngành du lịch ngay từ những ngày đầu năm cho thấy ngành kinh tế tổng hợp này đang trên đà phục hồi phát triển, thích ứng an toàn và linh hoạt với tình hình mới, nhất là sau khi chúng ta phát đi thông báo đã sẵn sàng chào đón bạn bè quốc tế đến trải nghiệm và khám phá đất nước Việt Nam.

Hình thành nhiều trục tuyến

Riêng giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL, từ năm 2019 đến nay, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch đã hình thành ba trục tuyến du lịch liên kết để hoàn thiện sản phẩm gồm tuyến “Những nẻo đường phù sa”, tuyến “Non nước hữu tình” và tuyến “Sắc màu vùng biên”; các doanh nghiệp du lịch của TP.HCM đã xây dựng hơn 50 chương trình du lịch, tổ chức nhiều chương trình khảo sát xây dựng sản phẩm đa dạng…

Nói về hoạt động liên kết du lịch trong bối cảnh mới, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, để ngành du lịch của các địa phương dần khắc phục những khó khăn thời kỳ hậu dịch bệnh, đưa du lịch bứt phá trở lại thì cần thiết phải tăng cường liên kết hợp tác vùng, liên vùng. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong thời điểm hiện nay, khi mà vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức đan xen. Bạc Liêu nói riêng và ĐBSCL nói chung còn nhiều dư địa để liên kết với TP.HCM, tạo ra không gian du lịch đặc sắc, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch liên vùng nếu có các cơ chế, chính sách phù hợp, cũng như sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ông Thiều, bên cạnh sự đồng thuận trong xây dựng cơ chế, chính sách, cần kiến nghị Trung ương có những chính sách đặc thù cho TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL triển khai hiệu quả cơ chế liên kết vùng về phát triển du lịch.

Ông Thiều cho biết, giai đoạn liên kết từ nay đến năm 2025, địa phương phấn đấu đón hơn 7 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 7% trong tổng GRDP của tỉnh. Để đạt được mục tiêu nói trên, tỉnh Bạc Liêu đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó hợp tác với các địa phương, nhất là TP.HCM và ĐBSCL luôn được chú trọng, đã và đang tích cực tham gia vào cơ chế liên kết liên vùng về phát triển du lịch. Ông Thiều cũng khẳng định, Bạc Liêu sẽ tiếp tục cùng với các địa phương xây dựng và hoàn thiện cơ chế liên kết, phối hợp trong việc hình thành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nhằm tránh tình trạng cạnh tranh, chạy đua thu hút đầu tư, dẫn đến lợi ích tổng thể giảm sút trong toàn vùng.

Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL: Mỗi địa phương phát huy một thế mạnh - Anh 2

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội nghị

Đa dạng hóa sản phẩm

Mong muốn các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả những nội dung thỏa thuận liên kết, chương trình hành động nhằm đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt chỉ rõ, Cần Thơ có du lịch sông nước, khai thác chợ nổi; An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh, Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng, Bạc Liêu khai thác sản phẩm du lịch điện gió hay du lịch đặc sản nông nghiệp…

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, các địa phương đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng thì cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới. Đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch trong việc mở lại hoạt động du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Trong đó tập trung khôi phục sản phẩm du lịch đường sông, du lịch gắn với khai thác hoạt động nông nghiệp, sinh thái; du lịch văn hóa miệt vườn, các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí ven sông, nghỉ dưỡng biển đảo… Phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối các điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách trong và ngoài nước nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách.

Tập trung truyền tải thông điệp Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Namđối với thị trường quốc tế và Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹnđối với thị trường nội địa. Chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như sức hấp dẫn của điểm đến để đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến có sức hút lớn, lựa chọn du lịch hàng đầu của du khách trong và ngoài nước thời kỳ hậu Covid-19. 

 Các địa phương đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng thì cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới. Đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch trong việc mở lại hoạt động du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch.

(Thứ trưởng ĐOÀN VĂN VIỆT)

 HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc