Chính thức mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch: Dấu mốc quan trọng để phục hồi du lịch

VHO- Hôm qua 15.3, ngày đầu tiên mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, ghi nhận của Văn Hóa tại các trọng điểm du lịch trên toàn quốc cho thấy, mặc dù khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều và điều này cũng đã được dự đoán trước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp du lịch rất kỳ vọng vào sự kiện quan trọng này, dấu mốc quan trọng cho chiến lược phục hồi du lịch.

 

Chính thức mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch: Dấu mốc quan trọng để phục hồi du lịch - Anh 1

 Khách quốc tế tại Sân bay Nội Bài vào trưa qua 15.3, ngày đầu tiên mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch

“Cú hích” quan trọng

Trao đổi với Văn Hóa, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist chia sẻ, không phải chúng ta chính thức thông báo mở cửa du lịch từ ngày 15.3 là du khách quốc tế ào ạt vào ngay. Mốc tháng 3 sẽ mang tính chất quyết định cho việc khai thác hiệu quả mùa du lịch quốc tế 2022-2023, bởi khách quốc tế họ đi theo mùa. Nếu chậm trễ hoặc thay đổi sẽ làm hạn chế cơ hội đón khách quốc tế, đặc biệt là đối tượng khách thị trường xa có mức chi tiêu cao.

Du khách sẽ có nhiều sự lựa chọn về điểm đến khác để lên kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi của bản thân và gia đình thay vì chọn Việt Nam làm điểm đến trong 3 đến 6 tháng tới.

Bà Trà cũng cho biết, ngay từ khi tình hình dịch bắt đầu có hướng được kiểm soát, Lữ hành Saigontourist đã làm việc với hơn 400 đối tác trên toàn cầu, tiến hành trao đổi và phối hợp xây dựng sản phẩm phù hợp với tình hình thực tế, lên phương án về lịch bán sản phẩm du lịch Việt Nam theo series khách đoàn dành cho khách quốc tế. “Đặc biệt, quyết định mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15.3 đã giúp chúng tôi có thêm cơ sở quan trọng để triển khai chính thức các phương án phục vụ khách quốc tế cho mùa 2022-2023”, bà Trà nhấn mạnh.

Theo thông lệ hằng năm, mùa khách du lịch quốc tế rơi vào khoảng tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau. Tại thời điểm tháng 3 này, thị trường khách quốc tế chưa phải mùa cao điểm, về phía doanh nghiệp du lịch vẫn đang tiếp tục kiện toàn bộ máy vận hành, đầu tư phát triển sản phẩm mới và phối hợp với đối tác trong và ngoài nước để lên các chiến dịch tiếp thị và bán sản phẩm. Trong quý I và II này, Lữ hành Saigontourist chủ động xây dựng theo các kịch bản với các thị trường truyền thống gần nhất là Đông Nam Á và khách có mức chi tiêu cao tại các quốc gia ở thị trường xa tới Mỹ, châu Âu, Bắc Mỹ với trọng điểm từ tháng 9. Công ty cũng đang triển khai các hoạt động đa dạng, chuyên sâu về xúc tiến, quảng bá thương hiệu Lữ hành Saigontourist nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung đến các thị trường quốc tế trọng điểm, hứa hẹn mang đến cho du khách quốc tế cơ hội khám phá nhiều điểm đến mới tại Việt Nam.

Đối với các thị trường truyền thống, du khách vẫn rất quan tâm đến các sản phẩm du lịch tại Việt Nam. Trong đó, chính sách giá cạnh tranh, thời điểm tour phù hợp sẽ là cơ sở cho quyết định của du khách. Tuy nhiên để thu hút du khách quốc tế, giới doanh nghiệp lữ hành mong muốn các điều kiện về thủ tục và chính sách cho khách quốc tế được thông thoáng; các tiêu chí về an toàn dịch bệnh và các quy định áp dụng thống nhất và nhất quán.

Sẵn sàng đón khách

Vào lúc 11h30 trưa qua 15.3, sân bay quốc tế Nội Bài đã đón chuyến bay SQ192 của Hãng hàng không Singapore Airlines từ Singapore đến Hà Nội hạ cánh an toàn, đánh dấu một mốc mới Việt Nam chào đón khách du lịch quốc tế sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 15.3, Việt Nam chính thức khôi phục lại hoạt động đón khách quốc tế nhập cảnh như giai đoạn chưa xảy ra dịch Covid-19. Đến thời điểm này, các hãng hàng không đã sẵn sàng khôi phục đường bay, mở bán vé thương mại. Nhằm chuẩn bị cho tăng tần suất bay quốc tế, gần đây các hãng hàng không đã rầm rộ tuyển bổ sung nhân sự sau 2 năm phải cắt giảm vì dịch Covid-19.

Chính thức mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch: Dấu mốc quan trọng để phục hồi du lịch - Anh 2
 

Là trung tâm di tích, di sản văn hóa, trong thời gian qua, ngành Văn hóa Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế… Tại Khánh Hòa, bà Lê Thị Hồng Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh cho biết, hiện Nhà ga quốc tế Cam Ranh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để đón một lượng khách lớn từ các nước đến với Nha Trang - Khánh Hòa và ngay trong ngày 15.3, Nhà ga quốc tế Cam Ranh đón chuyến bay quốc tế gồm 49 khách Nga. “Với việc đón hàng trăm chuyến bay trong hơn 2 năm có dịch Covid-19 và các chuyến bay thuê bao đưa khách du lịch có hộ chiếu vắc xin đến Khánh Hòa, Nhà ga quốc tế của Sân bay Cam Ranh đã quen với việc phục vụ khách du lịch quốc tế trong giai đoạn bình thường mới, luôn trong tâm thế chủ động sẵn sàng đón khách quốc tế”, bà Lê Thị Hồng Minh khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa đã được chọn là một trong 5 địa phương được thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11.2021 nên có thể nói, cánh cửa du lịch quốc tế đã hé mở với Khánh Hòa từ vài tháng nay. Từ đó đến nay, ngành du lịch của tỉnh đã thực hiện rất tốt việc thí điểm đón khách quốc tế. Đến nay, 90% doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã mở cửa hoạt động trở lại. “Tính từ khi thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Khánh Hòa đã đón hơn 10.000 lượt khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin, trong đó 80% là khách Nga. Đến nay, ngành Du lịch Khánh Hòa cũng như các ngành liên quan đã quen thuộc với việc đón khách quốc tế, các quy trình đón khách, phương án phòng, chống dịch, xử lý khi có các ca nhiễm Covid-19”, bà Thanh cho biết.

Tương tự Khánh Hòa, Đà Nẵng là một trong những địa phương được Bộ VHTTDL chọn để thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11.2021 nên đã có nhiều kinh nghiệm. Ông Nguyễn Minh Xoang - Giám đốc Công ty TNHH lữ hành quốc tế Hải Vân Cát cho biết: “Mọi thứ đã được chuẩn bị chu đáo, như bồi dưỡng nhân lực, chỉnh trang làm mới cơ sở vật chất, liên kết với các đơn vị lữ hành, khu điểm du lịch, các đơn vị vận chuyển và Sở Y tế TP để đón khách một cách an toàn, chu đáo nhất. Hiện chúng tôi chỉ còn chờ công văn hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế là sẽ công bố các sản phẩm thu hút khách. Các doanh nghiệp ở Đà Nẵng đang rất hào hứng và chuẩn bị kỹ theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL, Bộ Y tế để chờ thời điểm mở cửa”.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, dự kiến phải đến ngày 27.3, Đà Nẵng mới đón được đoàn khách quốc tế trên chuyến bay đầu tiên do hãng Hàng không Singapore Airlines khai thác. Từ tháng 3.2020 đến nay, các đường bay quốc tế tại Đà Nẵng ngừng hoạt động. Hiện Đà Nẵng chỉ khai thác 8 đường bay nội địa đến các tỉnh, thành phố với tần suất 200 chuyến/tuần. Dự kiến, Đà Nẵng sẽ đông khách nội địa vào tháng 5 - 6; đến tháng 7 - 8 sẽ đón được khách quốc tế từ thị trường chính như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan. Các thị trường xa hơn sẽ dần phục hồi vào dịp cuối năm 2022. Để từng bước đón khách quốc tế quay trở lại Đà Nẵng, Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng đang triển khai nâng cấp, đầu tư sân bay quốc tế Đà Nẵng như mở rộng sân đỗ máy bay về phía bắc; xây dựng nhà ga hàng hóa mới công suất 100.000 - 150.000 tấn/năm, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024; mở rộng nhà ga hành khách T1 về phía đầu năm đạt 14 triệu khách/năm, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025.

“Nguồn khách quốc tế thông qua đường hàng không là nguồn khách cơ bản, phát triển bền vững cho du lịch Đà Nẵng, do vậy đối với các chính sách mở cửa cho khách quốc tế, các doanh nghiệp đều mong muốn có chính sách hỗ trợ rõ ràng, nhất quán, đồng bộ kèm theo cơ chế và quy trình cụ thể để doanh nghiệp du lịch chủ động triển khai các hoạt động thu hút khách”, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Hồ Thanh Tú nhấn mạnh. 

 H. HẢI - N.TOÀN - X.HƯỚNG - N.HÀ

Ý kiến bạn đọc