Tuần lễ văn hóa “Sóng đôi” 2022: Nơi người trẻ tìm về văn hóa Việt

VHO- Hôm qua 13.3, tại Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã khai mạc Tuần lễ văn hóa “Sóng đôi” 2022 với sự kiện mở màn là Ngày hội Việt phục “Tóc Xanh - Vạt Áo”.

Tuần lễ văn hóa “Sóng đôi” 2022: Nơi người trẻ tìm về văn hóa Việt - Anh 1

 Các bạn trẻ trong trang phục Việt tại ngày hội

Ngày hội đặc biệt thu hút khá đông bạn trẻ đến từ các nhóm cổ phong, cổ phục Việt. Tuần lễ văn hóa “Sóng đôi” 2022 cũng như Ngày hội Việt phục là hoạt động mang ý nghĩa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người trẻ, góp phần xây dựng văn hóa thường thức cho sinh viên, hướng đến các giá trị nhân văn tích cực. Tại ngày hội, các bạn trẻ đã tham gia trình diễn cổ phục cưới qua các triều đại, biểu diễn thời trang và văn nghệ, làm bánh dân gian, giao lưu các chuyên đề văn hóa, tọa đàm “Hoa cúc - Biểu tượng của vương quyền trong lịch sử Việt Nam”, tọa đàm “Lịch sử áo dài, trang phục Chăm và vai trò trong đời sống xã hội”, chương trình gala “Hương sắc” vào buổi tối cùng ngày…

Chia sẻ về chương trình, TS Lê Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH KHXHNV bày tỏ, áo dài Việt Nam không đơn thuần là một trang phục dân tộc, mà còn chứa đựng bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, những quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Trải qua nhiều thập niên với sự tiếp nhận văn hóa phương Tây, áo dài cũng được cách tân với nhiều kiểu dáng. Tuy nhiên, chính sự vận động cách tân cũng như sự đứt gãy về văn hóa qua nhiều thập niên đã làm mai một đi một dạng thức áo truyền thống, khiến cho hậu thế xa lạ với chính những gì cha ông đã mặc trên người suốt nhiều thế kỷ. Trong những năm trở lại đây, với sự nghiên cứu của các tổ chức và các hội nhóm, đặc biệt là những người trẻ, chiếc áo ngũ thân trong cuộc cải cách trang phục của võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã dần hồi sinh và được công chúng biết đến như một dạng thức trang phục đặc trưng của người Việt. Ngày hội Việt phục “Tóc Xanh - Vạt Áo” nằm trong khuôn khổ Tuần lễ văn hóa “Sóng đôi” 2022 với mong ước trở thành ngày hội văn hóa truyền thống tiếp nối những di sản của cha ông. “Thông qua Tuần lễ văn hóa “Sóng đôi” 2022, Ban Tổ chức mong muốn lan tỏa nhiều hơn những điều tích cực, truyền thêm nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ về các giá trị văn hóa của đất nước. Đây là dịp để giới thiệu với các bạn trẻ về những giá trị văn hóa, từ đó gợi lên tinh thần yêu mến, động lực tìm hiểu và cùng chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống”, TS Điệp nhấn mạnh.

Tuần lễ văn hóa “Sóng đôi” 2022 sẽ diễn ra xuyên suốt từ 13 - 19.3 có nhiều hoạt động như: Tuần lễ điện ảnh “Phim Việt hôm nay” diễn ra từ ngày 14 - 17.3 với hình thức chiếu phim miễn phí cho sinh viên tại rạp Cinestar Nhà Văn hóa Sinh viên; triển lãm các tác phẩm xuất sắc của sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM chủ đề “Dòng chảy đôi mươi” từ ngày 14 - 17.3; cuộc thi ảnh “Nét Việt” từ ngày 13 - 17.3, với sự chia sẻ của sinh viên về cảm nghĩ đối với áo dài ngũ thân”; chương trình âm nhạc dân tộc học đường “Thưởng thức trăm năm” vào ngày 19.3 tại Trường THPT Phú Nhuận.

TÙNG THƯ

Ý kiến bạn đọc