Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam

VHO- Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, tại phiên thảo luận “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ ý kiến, tham mưu các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ và gia đình.

Tại phiên thảo luận, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng, sự ổn định của gia đình là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam - Anh 1

Quang cảnh buổi thảo luận

PGS.TS Trần Thị Minh Thi khẳng định: “Xây dựng gia đình an toàn cực kỳ quan trọng trong bối cảnh có những nguy cơ cũ và mới cùng nảy sinh trong xã hội. Gia đình có môi trường sống an toàn để cá nhân được sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành; là nơi mang đến an toàn về cảm xúc, giúp cân bằng tâm lý tình cảm cho cá nhân trước áp lực cuộc sống bằng tình yêu thương, chia sẻ, tôn trọng và gắn kết. Gia đình đồng thời phải an toàn về khả năng phòng vệ, có khả năng chống chịu rủi ro và thách thức từ dịch bệnh, thiên tai, thảm họa bất ngờ…”. Để đạt được mục tiêu vun đắp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, những nội hàm cụ thể các giá trị gia đình cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay gồm 4 tiêu chí “an toàn, trách nhiệm, thịnh vượng và bình đẳng”. 

Đề cập đến vấn đề thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình hiệu quả, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng Hoàng Thị Thu Hương đã nhấn mạnh về ý nghĩa quan trọng của việc vun đắp giá trị gia đình Việt Nam. Vì vậy cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân, sự hưởng ứng tích cực, vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị về thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. 

Ngoài ra, các đại biểu phụ nữ đến từ các địa phương cũng đưa ra những đặc thù của gia đình hiện nay như các gia đình trẻ, các gia đình di cư trong khu công nghệp, phụ nữ lấy chồng nước ngoài, áp lực về cuộc sống, đời sống vật chất tinh thần khó khăn, thiếu thốn dễ dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng, đe dọa hôn nhân và tình trạng ly hôn của vợ chồng trẻ ngày càng tăng... Các đại biểu đề xuất Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách cụ thể, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức tốt cuộc sống gia đình, xây dựng và nhân rộng mô hình giáo dục về gia đình, trong đó tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Gia đình với sức khỏe; kinh tế và các vấn đề về xã hội. Xác định đây là nội dung mang tính tổng thể liên quan tới một số ngành nên việc xây dựng các chính sách, đề án cần theo hướng có sự tham gia và phân định vai trò của các ngành liên quan trong hoạt động tổng thể của đề án, chính sách.

Bày tỏ vui mừng và phấn khởi với chủ đề thảo luận, ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia Đình (Bộ VHTTDL) cho biết, thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức như Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam xây dựng hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới. Những nội dung được thảo luận trong phiên thảo luận hôm nay sẽ là cơ sở để được tiếp thu, hoàn chỉnh cho quá trình xây dựng hệ giá trị gia đình trong thời đại mới, đáp ứng được các yêu cầu nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022 -2027 diễn ra từ ngày 9 – 11.3.2022 tại Thủ đô Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Sau 3 ngày làm việc tích cực, với ý thức trách nhiệm cao trước phong trào phụ nữ cả nước, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.

Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam - Anh 2

Các Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa 13 gồm 155/163 uỷ viên, đảm bảo tính kế thừa, liên hiệp, đại diện tiêu biểu cho các lực lượng phụ nữ trong cả nước, có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, tâm huyết và cam kết vì sự nghiệp bình đẳng giới, sự phát triển của phụ nữ Việt Nam. 

Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất, các Uỷ viên Ban Chấp hành tham gia tập trung thảo luận dân chủ với tinh thần dân chủ xây dựng về Đề án nhân sự Đoàn Chủ tịch, Đề án nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khoá XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Hội nghị đã bầu 31 chị tham gia Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam khoá XIII; 100% Uỷ viên Ban Chấp hành có mặt đã bầu bà Hà Thị Nga, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XII là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII. 

Ngoài ra bầu 4 Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khoá XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, gồm: Bà Tôn Ngọc Hạnh - Bí thư Thành ủy Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước; Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XII; Bà Trần Lan Phương - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội; Bà Đỗ Thị Thu Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam khóa XII.

BÍCH HẠNH –  Q.HOA

Ý kiến bạn đọc