Khi gia đình là điểm tựa

VHO- Khi đại dịch Covid-19 len lỏi vào hầu hết mọi nhà, thì càng thấy xuất hiện nhiều những tình cảm đẹp, gắn bó khi mọi thành viên trong gia đình để cùng kết nối, chiến đấu với kẻ thù vô hình này.

Khi gia đình là điểm tựa - Anh 1

 Facebook của nhà báo Hà Tùng Long chia sẻ niềm vui khi mẹ anh âm tính với Covid-19

Nhật ký F0…

Thời điểm này rất dễ để thấy trên mạng xã hội, trên các trang facebook cá nhân là những nhật ký, những dòng tự sự của những người, những gia đình bị F0. Có những gia đình cùng thông báo kết quả âm tính, thoát khỏi F0 của 5 - 7 thành viên. Có những người là F1 đang chăm cho bố mẹ già, cho chồng, cho vợ hay cho con đang là F0… Bên cạnh đó là những lời chia sẻ, đồng cảm động viên từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp với họ: “Cố gắng lên cả nhà nhé, rồi sẽ qua thôi”, “Mong cho cụ vượt qua để lại khoẻ mạnh, sống vui vẻ cùng con cháu”…

Có thể cảm nhận được sự lo âu của những gia đình có bố mẹ già đã phải đối chọi với đủ các căn bệnh nguy nan như tai biến, huyết áp cao, suy phổi… nay lại thêm đại dịch Covid-19, với họ ranh giới của sự sống vô cùng mong manh. Đọc bài Mẹ tôi đã thoát “án tử” Covid-19 như thế nào của nhà báo Hà Tùng Long trên facebook cá nhân của anh, đồng nghiệp, bạn bè vô cùng xúc động. Ai cũng biết những tháng qua, Hà Tùng Long vô cùng vất vả khi phải chăm sóc mẹ già 75 tuổi, bị tai biến 3 tháng chưa hồi phục, bà lại mắc bệnh nan y về máu… Nỗi lo cha, mẹ già yếu lại có bệnh nan y, một ngày nào đó không may thành F0 không chỉ riêng với gia đình Hà Tùng Long, mà là với nhiều gia đình hiện nay. Thế rồi bà bị nhiễm Covid-19. Hà Tùng Long chạy ngược xuôi, liên hệ với các bệnh viện để nếu có mệnh hệ gì thì đưa mẹ vào cấp cứu. Rồi bằng mọi cách, anh mượn được một bình oxy dự phòng bất trắc. Mấy đêm liền, hai anh em của Hà Tùng Long túc trực ở phòng khách bên ngoài phòng mẹ không thể chợp mắt. Cứ thi thoảng lại vào để kiểm tra xem mẹ thế nào… Hà Tùng Long chia sẻ: “Thể trạng của mẹ tôi vô cùng yếu, có lúc đo nồng độ SP02 chỉ còn 92, nhịp tim khá thấp. Lo bà không đủ sức chống chọi nên gia đình đã tăng cường các món bổ dưỡng như sữa, yến và đông trùng hạ thảo để bổ trợ sức. Khó có thể chia sẻ niềm vui, khi sau 7 ngày mẹ tôi đã có kết quả âm tính”.

Các gia đình hàng xóm nhà anh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) vô cùng ngạc nhiên bởi anh là lái xe nên sinh hoạt không mấy kiêng khem, ấy vậy mà từ khi có dịch, anh Hưng đã thay đổi nhiều thói quen, ai đi đâu về, trước khi vào nhà anh cũng tự tay xịt sát khuẩn cho từng người và cả những món đồ mang về, ra khỏi nhà thì nhắc đeo khẩu trang. Đó là vì gia đình có mẹ già đã 83 tuổi.

Khi gia đình là điểm tựa - Anh 2

 Những bức tranh được sáng tác bởi một cháu bé F0 thể hiện tình cảm gắn bó gia đình

Nghĩ về hạnh phúc gia đình

Từ câu chuyện của những gia đình có F0, F1 và cả những thời điểm giãn cách xã hội, sẽ thấy mặt tích cực đằng sau cuộc chiến Covid-19, đó là các thành viên trong gia đình có thêm khoảng thời gian dành cho nhau, chăm sóc và thậm chí cùng chiến đấu để đẩy lùi dịch bệnh trở về cuộc sống bình thường. Sau thời điểm bị Covid-19, rất nhiều người đều có chung cảm nhận họ đã hiểu hơn bao giờ hết giá trị của cụm từ “Gia đình là điểm tựa”, nhất là với những trường hợp các gia đình có F0 nặng.

Vốn làm trong một doanh nghiệp nên vô cùng bận rộn, quỹ thời gian anh D dành cho gia đình rất ít, sau thời gian ở nhà cách ly và chăm 4 F0 gồm vợ và 3 con nhỏ, rồi bản thân cũng là F0, anh đã chia sẻ: “Những ngày cách ly khi cả nhà bị F0, tôi có cảm giác như dài hơn thế kỷ. Thế nhưng cũng vì vậy mà tôi mới hiểu hơn hết giá trị đích thực của gia đình. Thấy thương vợ đã rất vất vả khi chăm sóc 3 con nhỏ. Tôi tự nhủ kể từ nay sẽ dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, cùng vợ chăm sóc và dạy dỗ các con”. Đúng vào thời điểm Hà Nội trở thành tâm dịch, chị Lan một mình chăm sóc chồng và 2 con, con nhỏ mới 3 tuổi. Vừa phải đảm bảo cho mình không bị lây nhiễm, vừa lo lắng chồng bị bệnh nền, con lại quá nhỏ... Chị Lan đã thực hiện một cách nghiêm túc tự cách ly với mọi thành viên bằng cách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và luôn làm sạch, khử trùng các bề mặt, vật dụng của các thành viên bị F0... Khi cả nhà khỏi bệnh, ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, chị Lan nhận được một thiệp chúc mừng vô cùng đẹp do chồng và các con tự làm với dòng chữ: “Cảm ơn mẹ rất nhiều”. Chỉ là một lời cảm ơn nhưng với những người trong cuộc thì đó là những lời cảm ơn từ trái tim cũng như sự trân trọng sự cố gắng, nỗ lực của người mẹ, người vợ trong gia đình.

Trong đại dịch, mỗi chúng ta đều đã cảm nhận rất rõ về hơi ấm của tình thân trong gia đình. Và nếu dịch qua đi, chắc chắn điều đọng lại trong mỗi cá nhân là thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và dành thời gian nhiều nhất cho gia đình khi có thể. Đây cũng là dịp để mỗi người xem xét, nhìn nhận lại mình, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, điều chỉnh suy nghĩ và hành động để cuộc sống tốt đẹp hơn. 

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc