Trao đổi, hợp tác du lịch tâm linh với Nepal

VHO- Việt Nam và Nepal đã có những trao đổi nhất định và có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, đặc biệt là về du lịch tâm linh.

Trao đổi, hợp tác du lịch tâm linh với Nepal - Anh 1

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh tiếp xã giao ông Ganesh Dhakal, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal tại Việt Nam

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh vừa có buổi tiếp xã giao ông Ganesh Dhakal, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal tại Việt Nam nhân dịp ông Ganesh Dhakal đảm nhận nhiệm vụ mới.

Chúc mừng ông Ganesh Dhakal với nhiệm vụ mới, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, người dân Việt Nam biết đến Nepal là một quốc gia xinh đẹp, là nơi đức Phật đản sinh. Người Việt Nam rất yêu thích loại hình du lịch tâm linh, đặc biệt đến với Nepal theo hành trình hướng về đất Phật.

Giới thiệu về Du lịch Việt Nam, Tổng cục trưởng nhấn mạnh: Ngành Du lịch được Đảng, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, xác định mục tiêu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, năm 2019, Du lịch Việt Nam đón và phục vụ 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 31,2 tỉ USD, đóng góp 9,2% GDP. Du lịch Việt Nam đã giành được nhiều giải thưởng do Tổ chức du lịch thế giới World Travel Awards trao tặng, bao gồm: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến bền vững hàng đầu châu Á và 2 giải thưởng cao nhất cho golf là Điểm đến golf tốt nhất thế giới và Điểm đến golf tốt nhất châu Á.

Trao đổi, hợp tác du lịch tâm linh với Nepal - Anh 2

Thành phố Patan (Lalitpur) là một trong ba thành phố hoàng gia của Kathmandu (Nepal)

Hiện nay, Du lịch Việt Nam đang tập trung xúc tiến 4 dòng sản phẩm là: du lịch văn hóa di sản, ẩm thực, nghỉ dưỡng biển và thành phố. Ngoài ra còn có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn khác để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Công tác xúc tiến, quảng bá, truyền thông cũng được ngành Du lịch tăng cường, đặc biệt là các hoạt động e-marketing, quảng bá trên các nền tảng số, tổ chức roadshow tại các thị trường khách mục tiêu, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức, tham gia các sự kiện trong nước và quốc tế…

Thị trường chính của Du lịch Việt Nam là: Đông Bắc Á, ASEAN, Tây Âu, Nga, Mỹ… và thị trường có nhiều tiềm năng là Ấn Độ. Tổng cục trưởng nhấn mạnh, Việt Nam - Nepal đã có những trao đổi nhất định và có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, đặc biệt là về du lịch tâm linh.

Chính phủ Việt Nam đã cho phép mở lại toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15.3. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã kết nối lại các thị trường khách. Nhiều khách du lịch Việt Nam đang tìm hiểu và đặt tour du lịch ở nước ngoài để khám phá và trải nghiệm các hoạt động du lịch mới lạ, hấp dẫn.

Để tăng cường quan hệ hợp tác du lịch giữa hai bên tương xứng với tiềm năng, Tổng cục trưởng đề nghị Đại sứ Ganesh Dhakal sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch để trao đổi, thúc đẩy quan hệ hợp tác du lịch giữa hai nước trong thời gian tới.

Trao đổi, hợp tác du lịch tâm linh với Nepal - Anh 3

Lumbini (vườn Lâm Tì Ni) là địa điểm hành hương Phật giáo nổi tiếng của Nepal

Cảm ơn sự tiếp đón tiếp trọng thị của Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, Đại sứ Ganesh Dhakal cho biết, du lịch Nepal đóng góp 8% GDP đất nước. Nepal đã mở cửa lại du lịch từ tháng 9.2021. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Nepal đạt 1,197 triệu lượt, doanh thu từ khách du lịch ước đạt 803 triệu USD.

Đại sứ chia sẻ, Nepal có Lumbini (vườn Lâm Tì Ni) là địa điểm hành hương Phật giáo nổi tiếng, được UNESCO công nhận là di sản thế giới, theo truyền thuyết được cho là nơi sinh của Siddhartha Gautama, sau này là Đức Phật Thích Ca. Sân bay quốc tế tại Lumbini đã được xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 5.2022, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi lại.

Sản phẩm du lịch chính của Nepal là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sức khỏe, du lịch thiền. Bên cạnh đó, Nepal cũng phát triển du lịch mạo hiểm dành cho đối tượng khách trẻ tuổi, du lịch cảnh quan, du lịch MICE, du lịch đám cưới…

Đại sứ Ganesh Dhakal khẳng định, trong nhiệm kỳ của mình, ông sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Tổng cục Du lịch nhằm tăng cường các hoạt động du lịch, qua đó tăng lượng khách trao đổi hai bên.

THỦY TRÚC

Ý kiến bạn đọc