Mở cửa du lịch, Thanh Hóa quyết tâm đón trên 10 triệu lượt khách

VHO-Sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề với đại dịch Covid-19, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa xác định phục hồi du lịch nhanh, bền vững, quyết tâm đón trên 10 triệu lượt khách, trong đó hơn 440 ngàn lượt khách du lịch quốc tế, tổng doanh thu du lịch đạt gần 18 ngàn tỉ đồng.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Thanh Hóa đang tích cực triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch…đồng thời phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa.

Mở cửa du lịch, Thanh Hóa quyết tâm đón trên 10 triệu lượt khách - Anh 1

Di sản thế giới Thành Nhà Hồ - điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế

Theo thống kê, năm 2020, tổng lượt khách du lịch đến với du lịch Thanh Hóa chỉ đạt 7,34 triệu lượt, giảm 24% so với năm 2019. Năm 2021, do sự bùng phát dịch Covid-19 trở lại, hoạt động du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tổng lượt khách ước đạt 3,4 triệu lượt, giảm 53,7% so với năm 2020; tổng thu du lịch ước đạt 4.840 tỉ đồng, giảm 53,4% so với năm 2020. Trong 2 năm (2020, 2021), toàn ngành du lịch tỉnh Thanh Hoá có khoảng 15.000 lao động du lịch tạm thời nghỉ không lương, giảm giờ làm, hoặc thay phiên nhau trực và 25.000 lao động bị mất việc làm.

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết, dịch Covid-19 đã khiến cho toàn bộ hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh gần như bị đóng băng, nhiều sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch trong tỉnh phải giảm tần xuất, quy mô hoặc tạm dừng và dừng tổ chức; các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều thời điểm phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa giảm sâukhách quốc tế hầu như không có. 

Với quyết tâm phục hồi mạnh mẽ du lịch, lãnh đạo Sở VHTTDL Thanh Hóa cho rằng, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch…thì kích cầu du lịch nội địa được xem là giải pháp cơ bản nhằm khôi phục và duy trì hoạt động của ngành Du lịch Thanh Hóa trong trạng thái bình thường mới. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Du lịch Thanh Hóa đặt ra với kỳ vọng thu hút khách nội địa đến với Thanh Hóa nhiều hơn trong thời gian tới. 

Theo đó, để thích ứng với trạng thái bình thường mới, vừa ổn định hoạt động kinh doanh, vừa phòng, chống dịch, ngành Du lịch Thanh Hóa đã và đang tiếp tục quán triệt, đảm bảo tuyệt đối an toàn tại các điểm đến; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để phục hồi du lịch trong bối cảnh bình thường mới như: Phối hợp với các cấp, ngành, tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh huy động và tập trung các nguồn lực đầu tư các dự án giao thông kết nối các trọng điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; các dự án phục hồi, tôn tạo di tích văn hóa lịch sử nhằm bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa; các dự án đầu tư kinh doanh du lịch… tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch. Định hướng, khuyến khích các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nâng cấp, đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật; đổi mới, sáng tạo, xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được xu hướng mới của thị trường; hình thành liên minh kích cầu du lịch.

Đẩy mạnh tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch tới tất cả đối tượng tham gia du lịch. Chuẩn bị sẵn sàng nội dung, kịch bản và điều kiện cần thiết tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ khách du lịch khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Triển khai các sản phẩm thực tế ảo, thực tế tăng cường tại các khu, điểm du lịch; khẩn trương hoàn thiện dự án cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông tin trên thiết bị di động tại tỉnh Thanh Hóa; nghiên cứu cập nhật, số hóa dữ liệu du lịch Thanh Hóa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong đăng ký điểm đến, dịch vụ an toàn trên bản đồ ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”; chào và bán dịch vụ online, thanh toán trực tuyến...

Trước đó, tranh thủ các thời điểm dịch bệnh được khống chế, ngành du lịch Thanh Hóa đã tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến, quảng bá và kích cầu du lịch trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh truyền thông với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” trên các kênh truyền hình Trung ương và địa phương, trên website, Fanpage, Youtube, Twitter, Zalo, Instagram... Tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid -19; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch; các lớp nâng cao trình độ ngoại ngữ, các lớp du lịch cộng đồng, văn hoá ứng xử… cho người dân tại các địa phương làm du lịch và lao động trong ngành du lịch.

Mở cửa du lịch, Thanh Hóa quyết tâm đón trên 10 triệu lượt khách - Anh 2

Sầm Sơn là một trong 9 bãi biển đẹp nhất Việt Nam

Cũng theo ông Hồng, để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch đối với cả thị trường trong nước và quốc tế, hiện nay, ngành du lịch Thanh Hóa đang tập trung tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch qua các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh như tổ chức lễ công bố biểu trưng, khẩu hiệu và bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa; phát động chương trình kích cầu du lịch Thanh Hóa năm 2022 và mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hoá; tổ chức chương trình khảo sát các khu, điểm du lịch Thanh Hóa và hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch qua đường hàng không; liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Bắc Trung Bộ; các tỉnh,thành phố trọng điểm du lịch như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Cần Thơ, Quảng Nam...; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch qua các kênh thông tin đại chúng và trên nền tảng số; tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật với chủ đề “Về miền Di sản xứ Thanh” nhằm lựa chọn các tác phẩm đẹp về danh lam thắng cảnh, văn hóa, con người xứ Thanh đến với du khách trong và ngoài nước.

Song song với việc thu hút khách bằng các sản phẩm đặc trưng, ngành Du lịch Thanh Hóa đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa với thông điệp "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa"; đồng thời đẩy mạnh truyền thông bộ nhận diện thông qua ấn phẩm, vật phẩm phong phú, đa dạng, hữu dụng, như khẩu trang, ô dù, tấp gấp, sách, kẹp tài liệu, phong bì thư, giấy nhớ, túi đựng quà, băng zon, khẩu hiệu, phướn….Ứng dụng nền tảng số (tiktok, facebook, instagram, twitter, zalo, app điện thoại, youtube...) trong công tác tuyên truyền, giới thiệu du lịch Thanh Hóa thông qua các clip, trailer, phóng sự về du lịch Thanh Hóa. Xây dựng và phát triển hệ thống du lịch thông minh tỉnh Thanh Hóa và nâng cấp các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trên các thiết bị thông minh; website du lịch Thanh Hóa.

“Ngày mai 11.3, UBND tỉnh Thanh Hóa  sẽ tổ chức lễ công bố biểu trưng và khẩu hiệu du lịch Thanh Hoá; Phát động chương trình kích cầu du lịch Thanh Hoá năm 2022 và mở cửa đón khách quốc tế đến Thanh Hoá. Đây sẽ là sự kiện mở màn cho chuỗi các hoạt động, sự kiện kích cầu du lịch Thanh Hóa với chủ đề ‘‘Thanh Hóa - Điểm đến an toàn thân thiện’’; "Du lịch Thanh Hoá - hương sắc bốn mùa"”, ông Hồng thông tin.

Với những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, các dự án lớn về du lịch đang được triển khai và hàng loạt chương trình kích cầu du lịch năm 2022, Thanh Hóa quyết tâm đưa ngành du lịch phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc