Lo ngại ca nô bịt kín chở khách ở đảo Lý Sơn

VHO- Quảng Ngãi đang tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt an toàn cho giao thông đường thủy nội địa và các phương tiện đưa rước khách tham quan du lịch ngay sau sự cố chìm ca nô ở TP Hội An (Quảng Nam).

Lo ngại ca nô bịt kín chở khách ở đảo Lý Sơn - Anh 1

 Ca nô được cải hoán bịt kín theo chuẩn hoạt động ở vùng SB

Du lịch ở huyện đảo Lý Sơn đã hoạt động trở lại với hàng trăm du khách mỗi ngày. Từ sau vụ tai nạn ở TP Hội An, tất cả các chủ phương tiện đều được khuyến cáo và tự kiểm tra kỹ phương tiện, thiết bị trước khi xuất bến, tuyệt đối không chủ quan khi thời tiết trên biển có gió cấp 5, cấp 6. Tuy nhiên, nhiều du khách khi tham quan đảo Lý Sơn đã bày tỏ lo ngại khi dùng ca nô bịt kín đi từ đảo Lớn sang đảo Bé và ngược lại.

“Khi đi ca nô ai cũng phải mặc áo phao và ngồi trật tự để đảm bảo an toàn, nhưng thật sự vẫn cảm thấy khá lo lắng”, chị Bùi Thị Hoa (du khách ở Quảng Trị) bày tỏ. Theo chủ một hãng ca nô du lịch ở Lý Sơn, từ đảo Lớn sang đảo Bé khoảng 3 hải lý, nhưng theo quy định, người lái ca nô phải có bằng lái và các chứng chỉ hành nghề. Qua thống kê, tuyến vận tải khách đảo Lớn đi đảo Bé, huyện Lý Sơn hiện có 14 ca nô du lịch, tuy nhiên chỉ có 8 phương tiện đủ điều kiện hoạt động đưa đón khách. Ban Quản lý cảng Lý Sơn và Trạm kiểm soát Biên phòng Lý Sơn tăng cường kiểm soát chặt người và phương tiện trước khi xuất bến. Theo ông Trần Bút, Giám đốc Ban Quản lý cảng Lý Sơn, khi có sự cố xảy ra, ca nô bít kín bị chìm đắm buộc người mặc áo phao nổi phồng lên áp sát mái che. Lúc đó, hành khách lặn ra ngoài cũng không được và tìm cách thoát ra ngoài cũng không xong.

“Từ năm 2018 đến nay, tất cả các ca nô này được cải hoán bịt kín theo chuẩn hoạt động ở vùng SB, tức vùng ven biển, cửa biển, cách bờ không quá 12 hải lý. Dù đảm bảo an toàn cho du khách khỏi bị ảnh hưởng sóng gió so với ca nô mui trần, nhưng lúc gặp sự cố thì lại khó khăn trong việc thoát hiểm và cứu nạn”, ông Trần Bút cho biết. Được biết, mấy năm trước, cũng ở tuyến đảo Lớn - đảo Bé đã từng xảy ra một vụ tai nạn làm một du khách tử vong trên chiếc ca nô bị bịt kín. Đáng chú ý, dù là người biết bơi và mặc áo phao nhưng vẫn bị mắc kẹt trong khoang. “Để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc như ở Cù Lao Chàm - Cửa Đại, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền và phối hợp với các ngành liên quan để kiểm tra. Cũng đề nghị các ngành nghiên cứu với thực tế của tàu như vậy thì có phù hợp không để có sự điều chỉnh”, bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thông tin.

Hiện, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các địa phương, đơn vị, lực lượng Bộ đội Biên phòng tổng kiểm tra, rà soát tất cả phương tiện tham gia vận tải khách, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa. Tại tuyến Sa Kỳ- Lý Sơn, Ban Quản lý cảng Sa Kỳ cũng tích cực phối hợp với Cảng vụ Hàng hải, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi tăng cường lực lượng kiểm tra, hướng dẫn hành khách xuống tàu. Hiện tại, ở tuyến vận tải biển này có 6 tàu cao tốc của 4 doanh nghiệp tham gia vận tải khách ra đảo Lý Sơn. Mỗi ngày có 4 chuyến tàu đưa hơn 400 khách ra đảo.

“Đối với tuyến vận chuyển hành khách từ bờ ra đảo Lý Sơn, theo điều kiện đăng kiểm của các phương tiện, khi hành khách lên tàu không bắt buộc phải mặc áo phao. Tuy nhiên chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên trên phương tiện bố trí các thiết bị cứu hộ, cứu nạn, áo phao tại vị trí thích hợp để tạo điều kiện khi có tình huống xảy ra thì thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn”, thượng úy Phạm Văn Lượng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ cho biết. 

 GẮN TRÁCH NHIỆM NẾU XẢY RA TAI NẠN ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG

 Xét báo cáo của Bộ Công an và Ủy ban ATGT Quốc gia về vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa ngày 26.2 trên tuyến Hội An -Cù Lao Chàm, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường bảo đảm an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa. Theo đó, Bộ GTVT chỉ đạo các cảng vụ đường thủy nội địa tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa; kiểm tra giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện; kiên quyết không cho các phương tiện xuất bến khi phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường hoặc điều kiện thời tiết không bảo đảm; gắn trách nhiệm của cảng vụ nếu xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến phương tiện thủy không bảo đảm an toàn, chở quá số người hoặc điều kiện thời tiết không bảo đảm khi xuất bến.

Bộ GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, Ban tổ chức Lễ hội Xuân tăng cường kiểm tra hoạt động tại các bến khách ngang sông, bến hành khách, đặc biệt là các bến tàu, phương tiện thủy phục vụ du lịch, lễ hội. Đồng thời, Bộ chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng, phương tiện, thuyền viên và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách từ bờ ra đảo trên toàn quốc; xử lý và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các bất cập và sai phạm; khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến bảo đảm an toàn về kết cấu hạ tầng, phương tiện, thuyền viên và tổ chức vận tải đối với hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa, đặc biệt là hoạt động vận tải hành khách bằng phương tiện sông, biển trên các tuyến từ bờ ra đảo...

Công văn cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Trong đó, cần tập trung kiểm tra ngay tại các cảng, bến thủy có tổ chức hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải hành khách từ bờ ra đảo, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định pháp luật về an toàn giao thông; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cảng, bến cảng, bến kinh doanh vận tải khách du lịch không phép, để phương tiện không đủ điều kiện khai thác vận tải, không bảo đảm an toàn hoạt động trong phạm vi cảng, bến; không cho xuất bến đối với các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn ...

P.V

 NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc