Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Xung đột Ukraine khiến GDP thế giới giảm mạnh, giá cước dịch vụ tăng cao

Thứ Hai 07/03/2022 | 10:15 GMT+7

VHO- Những rủi ro kinh tế từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine được dự báo sẽ vượt ra ngoài lãnh thổ Ukraine, làm chậm sự phục hồi của toàn cầu sau đại dịch Covid-19, làm kinh tế toàn cầu chao đảo.

 Biện pháp trả đũa qua lại giữa các quốc gia tạo thành lỗ hổng trên bản đồ hàng không toàn cầu. Chi phí vận tải được dự báo sẽ tăng từ 10.000 USD lên 30.000 USD/container

Cước vận tải có thể tăng gấp ba

Giá dầu, khí đốt tự nhiên và các mặt hàng chủ lực khác đã tăng vọt vào những ngày gần đây. Gánh nặng lên các chuỗi cung ứng, vốn đã lao đao vì đại dịch Covid-19, tăng lên khi Mỹ, châu Âu và đồng minh áp lệnh trừng phạt lên các giao dịch tài chính của Nga và đóng băng hàng trăm tỉ USD tài sản nước ngoài mà ngân hàng trung ương Nga đang nắm giữ.

Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu lớn lúa mì và ngô, cũng như các kim loại thiết yếu như palađi, nhôm và niken, được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại di động đến ô tô. Bởi vậy, xung đột giữa 2 quốc gia này làm dấy lên lo lắng về tình trạng thiếu hụt cũng đẩy giá một số loại ngũ cốc và kim loại lên cao, khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp phải chi trả phí cao hơn.

Glenn Koepke - Tổng giám đốc điều hành mạng lưới hợp tác tại FourKites, công ty tư vấn chuỗi cung ứng ở Chicago cho biết: “Giá cước vận chuyển hàng hải và hàng không sẽ tăng vọt”. Ông cảnh báo giá cước vận tải biển có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba từ 10.000 USD lên 30.000 USD/container và chi phí vận tải hàng không dự kiến còn tăng cao hơn.

Nga đã đóng cửa không phận với 36 quốc gia. Điều đó có nghĩa các máy bay vận tải sẽ phải chuyển hướng sang tuyến đường vòng, khiến họ tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn và giảm kích thước tải trọng.

Giới phân tích cho rằng, xung đột leo thang tại Ukraine có thể đẩy giá dầu tiếp tục tăng.

Theo một quỹ phòng hộ năng lượng có trụ sở tại London, việc hạn chế đối với xuất khẩu năng lượng của Nga có thể đẩy giá dầu lên trên 200 USD/thùng. Westbeck Capital Management là một trong số những tổ chức dự đoán về đợt tăng mạnh giá dầu thô sau khi Nga chịu các lệnh trừng phạt của EU vì tấn công Ukraine, Bloomberg đưa tin.

Trong một lá thư gửi các nhà đầu tư, Westbeck cho biết sự suy giảm kéo dài đối với xuất khẩu dầu của Nga cùng với nhu cầu lao dốc có thể sẽ đẩy giá dầu lên khoảng 150-175 USD/thùng, thậm chí có thể vượt quá 200 USD - gần gấp đôi mức giá hiện tại.

GDP toàn cầu có thể giảm 1.000 tỉ USD

Sự gia tăng đột biến này nếu thật sự xảy ra sẽ có thể thúc đẩy lạm phát tràn lan. Lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ những năm 1980. Giờ đây, nhiều người tự hỏi lạm phát sẽ tăng thêm bao nhiêu, và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương khác sẽ phản ứng ra sao.

Mức lạm phát kỷ lục một phần không nhỏ là do giá nhiên liệu tăng đột biến sau những căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Nga, một trong những nhà cung cấp nhiên liệu chính của châu Âu. Tình hình leo thang ở Ukraine sẽ tác động mạnh hơn nữa tới khu vực này bởi nó sẽ không chỉ có tác động đối với giá dầu và khí đốt, mà còn đối với niềm tin của nhà đầu tư, niềm tin của người tiêu dùng vào lĩnh vực thương mại.

Desmond Lachman, thành viên cấp cao tại American Enterprise Institute, cho biết: “Fed đang ở trong tình trạng khó khăn. Lạm phát đang ở mức 7,5%, nhưng nếu họ tăng lãi suất, điều đó sẽ làm suy yếu thị trường. Không có nhiều lựa chọn, nên tôi không thấy tương lai tươi sáng của vấn đề này”.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh (NIESR), cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến nền kinh tế thế giới mất 1.000 tỉ USD và lạm phát toàn cầu tăng 3% trong năm nay.

Nhà nghiên cứu tại London cho biết các vấn đề về nguồn cung sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng và khiến giá cả tăng. Điều này có thể khiến GDP toàn cầu giảm 1% vào năm 2023, theo Bloomberg.

Châu Âu được dự đoán là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mối liên kết kinh tế chặt chẽ của họ với Nga và Ukraine.

Cuộc xung đột này cũng sẽ buộc các chính phủ châu Âu phải vay nhiều hơn để chi trả cho dòng người di cư và củng cố quân đội của họ, NIESR nói thêm.

Theo nhà nghiên cứu, GDP của khu vực đồng euro và Vương quốc Anh được dự đoán sẽ tăng trưởng thấp hơn dự đoán 1,5%. NIESR cảnh báo khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ ngày càng leo thang.

Nếu các biện pháp trừng phạt tiếp tục leo thang và khiến dòng vận chuyển dầu khí của Nga bị đứt gãy, tác động đối với Moskva sẽ rất “nghiêm trọng”. Tuy nhiên, điều đó cũng làm tăng khả năng dẫn đến suy thoái và khiến lạm phát ở EU tăng mạnh. Hiện EU nhập khẩu 40% khí đốt từ Nga. 

 CHI MAI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top