Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Ông bố "quốc dân" trong phim "Anh có phải đàn ông không"-NSND Bùi Bài Bình: "Tôi dành cho vợ sự biết ơn"

Thứ Bảy 05/03/2022 | 16:44 GMT+7

VHO- Bộ phim Anh có phải đàn ông không phát sóng giờ vàng trên VTV là phim hiếm hoi đề cập đến sự "yếm thế " của giới đàn ông trong gia đình.. Bên cạnh những ngôi sao tiềm năng mới tham gia phim, có sự góp mặt của một số nghệ sĩ gạo cội. NSND Bùi Bài Bình là một trong số đó. Vai diễn của ông mới xuất hiện ở tập phim phát sóng cuối tuần, thời lượng xuất hiện ngắn nhưng đã kịp "găm" dấu ấn trong cảm xúc của khán giả. Một vai diễn theo phom mẫu "ông bố quốc dân", tử tế được thể hiện với lối diễn dung dị, thiên về nội tâm.

 

Dù đã ở độ tuổi U70 nhưng quan điểm của NSND Bùi Bài Bình là còn sức thì còn làm nghệ thuật, còn cống hiến, ông không quản ngại đường xá xa xôi hay vất vả, chỉ cần được làm nghề một cách tử tế là ông sẵn sàng. 

P.V:  Ông đóng nhiều dạng vai khác nhau và đều để lại dấu ấn bởi lối diễn chân thực, giản dị. Anh có phải đàn ông không là bộ phim mới nhất ông tham gia  sau Hương vị tình thân. Nếu như trong bộ phim trước ông vào vai bố của giang hồ Chiến 'chó' với vẻ ngoài xộc xệch, bất cần của con người bị đẩy xuống đáy xã hội, luôn "phũ mồm" với con trai thì vai ông Lý trong phim Anh có phải đàn ông không là một sắc màu khác?

NSND Bùi Bài Bình:  Sau những vai phản diện, lâu rồi tôi mới vào một vai tử tế trên truyền hình. Trong phim Anh có phải đàn ông không những phân đoạn của tôi bắt đầu xuất hiện ở tập 14 trong vai ông Lý, bố của Lệ (Việt Hoa đóng).Bố của Lệ có vẻ ngoài chỉn chu, điềm đạm, rất tình cảm và thấu hiểu với con. Tuy vậy có thể ông bố này có điểm yếu là yêu con. Những phân đoạn của tôi không nhiều, nên tôi cố gắng diễn xuất tự nhiên, chân thực để chinh phục khán giả. Là diễn viên, lúc nào tôi cũng muốn được đi đóng phim nhưng không phải bộ phim nào cũng được mời. Phim truyền hình hiện nay chủ yếu mang tính giải trí, không có nhiều vai diễn hợp với tôi nữa. Các phim về chủ đề nông thôn hay bộ đội thưa thớt dần. Tôi không hợp với vai giám đốc, quan chức hay giàu có, chỉ hợp với những vai khổ thôi. 

P.V: Hàng chục năm làm nghề, thành công nếm đủ, kinh nghiệm dạn dày nhưng vì đã lớn tuổi mà đảm nhận một vai diễn nặng về tâm lí trong Anh có phải đàn ông không. Được biết giai đoạn đầu ông đã có ý định từ chối. Lý do là vai ngắn nhưng khó hay còn lý do khác?

NSND Bùi Bài Bình: Đây là một vai khó với đạo diễn, tìm được một người lớn tuổi phải có sức khỏe mới theo được đoàn làm phim hàng tháng trời, nếu già quá thì không đảm bảo được đúng với nhân vật trong kịch bản, mà trẻ quá thì không phù hợp với các diễn viên đóng vai con, cháu. May mắn, tôi tuy lớn tuổi nhưng ngoại hình vẫn còn dễ chịu, tôi cũng còn khỏe. Đọc xong kịch bản về vai ông Lý, ban đầu tôi có ý định từ chối. Nhưng đạo diễn Trịnh Lê Phong là một người thân quen với tôi, là người rất biết cách giúp diễn viên khơi gợi cảm xúc đã thuyết phục tôi. Bản thân tôi cũng muốn thử sức, làm khác đi con người mình, những hình tượng vai diễn trước đây của tôi. Quan trọng nhất là với vai diễn này, diễn viên phải có sự thấu hiểu về cuộc đời đủ độ chín về cuộc sống và cảm nhận riêng về tâm lý, tính cách của nhân vật. Đây là dạng vai về tâm lý của người già, trải qua những thăng trầm của cuộc sống biết chia sẻ với những đứa con của mình. Vai diễn của tôi hé lộ khơi gợi cho người xem, nhất là các bạn trẻ hiểu, những người làm cha, làm mẹ luôn luôn cảm thông, thấu hiểu, gần gũi. Tôi mong muốn, qua bộ phim khán giả sẽ thực sự trả lời câu hỏi: Những đứa con ở Việt Nam đang thiếu gì, cần gì và họ mong muốn được thông cảm ra sao, được an ủi, vỗ về như thế nào khi cuộc sống xung quanh có nhiều vấn đề xảy ra. 

P.V: NSND Bùi Bài Bình từ trước đến nay hay bị “mang tiếng” là kén chọn vai diễn?

NSND Bùi Bài Binh:. Mình phải thích vai diễn, hiểu,  thì mới có cảm hứng sáng tạo.Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự hào, mình đóng phim truyền hình nhiều, nhưng tôi là người học thuộc kịch bản phim, cho dù đó là bộ phim có kịch bản dài. Nhiều diễn viên trẻ bảo: Cháu không ngờ, chú 60 tuổi rồi mà vẫn thuộc vanh vách kịch bản như vậy. Tôi cho rằng, việc thuộc lời kịch bản cũng là một cách nghiêm túc với nghề. Diễn viên là một nghề có thể làm được nhiều nghề nhất. Cũng như cuộc đời có bao nhiêu kiểu người, hạng người, thì diễn viên cũng phải nhập tâm, hóa thân bằng vai diễn vào tất cả kiểu người đó. Diễn càng thật, càng đời thì nhân vật càng sinh động, bộ phim càng thành công.

P.V: Vai diễn đã đem lại “tiếng vang” cho ông và trở thành “linh hồn” trong bộ phim Ma làng là  nhân vật Tòng? Chính những vai diễn phản diện đã làm cho ông tỏa sáng hơn bởi tài năng không bị “định vị” trong một kiểu nhân vật. Ông đã chứng minh đầy sức thuyết phục người nghệ sĩ tài năng đa dạng với nhiều vai diễn khác nhau để thỏa sức sáng tạo. Để thể hiện được cái ác, sự lưu manh trên màn ảnh là cả một sự tích lũy và chiêm nghiệm về chất liệu sống phải không thưa ông? 

NSND Bùi Bài Bình: Xác định diễn viên phải hóa thân được vào nhiều vai diễn, tôi bắt đầu tham gia những vai phản diện, như: Năm sứt trong phim video Dòng sông vàng, họa sĩ Hùng trong Chuyện tình bên dòng sông (1991, đạo diễn Đức Hoàn)... Năm 1989, lần đầu tiên tôi vào vai Năm sứt “Nhị đại ca” trong phim video Dòng sông vàng (đạo diễn Kiều Tuấn). Bộ phim đã huy động hầu hết lớp diễn viên khóa II như: Bùi Cường, Minh Châu, Thanh Quý… tham gia.Không phụ công kỳ vọng của đạo diễn, vai Tòng trong phim Ma làng  được ví như một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp diễn xuất của tôi. 

Từ vai anh Hòa ngớ ngẩn của Mùa ổi, tôi may mắn tỏa sáng với một vai phản diện đầy ti tiện, thủ đoạn với Ma làng. Nhớ lại vai diễn này, tôi tâm đắc nhất câu nói của đạo diễn khi nói về vai diễn của tôi đó là, “Muốn đóng được vai con ma, phải sống cho ra con người”. người nghệ sĩ phải sống, phải quan sát, chắt chiu chất liệu sống để biết đâu là thiện- đâu là ác. Để thể hiện được cái ác, sự lưu manh trên màn ảnh là cả một sự tích lũy và chiêm nghiệm về chất liệu sống của người nghệ sĩ.Sau bộ phim Ma làng phát sóng, tôi đi ra đường, đi qua đám đông nào cũng thấy người ta nhìn chằm chằm và bàn tán: Nhìn hiền thế mà đóng vai ác nhỉ, Có người lại bảo, Nhìn thằng đấy đểu thế…Người khác lại bình luận, Hay đấy mới là bản chất của nó?. 

Chị biết không, với cá nhân tôi, tôi thấy vui khi vai diễn đã tạo được dư luận. Có lần, tôi đi nhà thờ Phát Diệm. Ở đấy, người ta viết một câu: Phải nhìn thấy cái xấu mới là người tốt. Nghệ thuật là phải như vậy đấy chị ạ. 

P.V: Ông ấn tượng  với vai diễn nào nhất đã đóng?

NSND Bùi Bài Bình: Có lẽ vai diễn tâm đắc nhất trong nghề diễn tính đến thời điểm hiện tại với tôi là vai ông Hòa trong phim Mùa ổi (đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh), để “ngấm” nhân vật Hòa, tôi đã thức trắng cả đêm trước cảnh cuối cùng, khi vai diễn của NSND Lan Hương đưa 3 quả ổi ra trước mặt Hòa và hỏi, “Quả gì đây?”, lúc ấy, ông Hòa không còn nhận ra gì nữa… Phút diễn xuất ấy của tôi từng được nhiều đạo diễn đánh giá là phút xuất thần. Bởi thế, chuyện “cơm áo gạo tiền” chẳng là gì với một  nghệ sĩ như tôi. Tôi chỉ ao ước một điều rất đỗi giản dị. Một tháng năm nào đó, mình lại có một vai hay. 

Bên cạnh vai diễn ông Hoà, trong cuộc đời làm nghề của tôi, tôi không thể quên một vai diễn đặc biệt trong một chân dung của vị cha già dân tộc: Bác Hồ kính yêu. 

Với việc hóa thân thành Bác Hồ, khi xem lại tôi thực sự ngỡ ngàng, xúc động khi mình đã lột tả được hình ảnh về một vị lãnh tụ có có lối sống rất dung dị, đời thường trong bộ phim Nhà tiên tri

Còn một sự trùng hợp thú vị nữa là khi phim Nhà tiên tri bấm máy vào năm 2014 thì tuổi của tôi  đúng bằng tuổi của Bác Hồ giai đoạn 1947-1954 ở trong phim.

Quãng thời gian đóng Nhà tiên tri, mỗi ngày quay tôi đều phải dậy từ sáng sớm và mất tới 5 tiếng đồng hồ để hóa trang. Có hôm việc hóa trang phải bắt đầu từ nửa đêm để kịp quay vào lúc 6h sáng, khi nắng chưa lên quá cao. Mỗi lần quay xong một cảnh, tôi lại phải chỉnh sửa lại lớp hóa trang vì thời tiết nóng nực làm trôi đi ít nhiều. Thế nên gọi là giải lao nhưng tôi không có lúc nào để nghỉ ngơi thật sự, chỉ tranh thủ vừa hóa trang, vừa nghĩ ngợi và tư duy thêm cho vai diễn.

Rồi có hôm quay trên Ba Vì, thời tiết như sắp có bão, rất oi bức, phải thực hiện cảnh cưỡi ngựa đến gặp một nhà báo Pháp. Chú ngựa này hàng ngày tôi vẫn cưỡi và đã quen thuộc, nhưng chẳng hiểu sao hôm ấy nó bỗng… dở chứng. Tôi vừa trèo lên lần thứ nhất thì chú ngựa giẫy lên khiến tôi hoảng quá phải nhảy xuống. Đến lần thứ hai thì nó đi lừng khừng, ý chừng muốn hất tôi xuống. Lần thứ ba, tôi vừa nhảy lên thì nó chồm vó hất mạnh khiến tôi văng xuống đất. Một nửa thân chú ngựa đè lên người, riêng cái yên nặng 20kg rơi sang bên cạnh vỡ tan. Tôi đã ngừng thở trong vài phút, mặt mũi tím tái, sau được khiêng vào bên trong sơ cứu. Đạo diễn sợ xanh mặt, nhiều người đã khóc vì lo lắng. Ngay sau đó, tôi được đưa thẳng về Hà Nội để chụp chiếu nhưng rất may là không bị làm sao.Để có thể hóa thân sao cho giống Bác nhất có thể, tôi đã quyết tâm thay đổi ngoại hình. Tôi chấp nhận làm lại răng, nuôi râu, mày mò học cả tiếng Trung, tiếng Pháp lẫn tiếng Nga. Mua 2 chiếc máy ghi âm, nhờ một người bạn nói thật chuẩn mấy câu thoại bằng tiếng nước ngoài rồi mỗi ngày đều đặn mở ra nghe đi nghe lại rồi bắt chước phát âm theo. Thời gian quay bộ phim này, tôi bắt buộc thường xuyên nhịn ăn, lúc nào đói quá thì lót dạ bằng ăn nhẹ thứ gì đó. Bữa sáng chỉ là cốc cà phê đen, bữa trưa ăn chút thịt và bữa tối chỉ ăn duy nhất 1 bát cơm. Sở dĩ vậy bởi tôi tự thấy dáng người mình mảnh khảnh nhưng chiều cao lại nhỉnh hơn Bác ở giai đoạn lịch sử mà phim tái hiện, cân nặng thì nhiều hơn nên quyết tâm giảm từ 56kg xuống còn 50kg.

P.V Say mê với nghề, gặt hái nhiều thành quả là thế nhưng nghe nói đã có lú ông muốn bỏ nghề?  

 NSND Bùi Bài Bình: 2/3 cuộc đời trong nghề, tôi cũng gặp nhiều thăng trầm. Có những lúc muốn bỏ nghề, muốn nghỉ. Khi mình làm mãi một dạng vai, diễn mãi, bản thân mình chưa thấy thích lắm. Rồi cuộc sống mưu sinh vất vả quá.Có thời gian, tôi nghĩ, sao mình cứ như thế này mãi? Cuối cùng, đời mình cứ trượt dài thì buồn lắm. Tôi buồn cho bản thân mình, buồn cho ngành. Diễn một bộ phim, làm một bộ phim bao nhiêu công sức: ban ngày thì tập, tối về nhà học thoại, rồi tìm các chi tiết diễn sao cho hay, cho hấp dẫn. Vậy mà đến khi chiếu ít khán giả. Nhiều lúc, tôi thấy xót xa cho nghề...Nhiều lúc, tôi muốn bỏ nghề, định buông. Nhưng tôi lại nghĩ, mình là người đàn ông, trong cuộc đời ngắn ngủi như thế mà mình không cháy hết mình, không làm tất cả mọi việc với những gì mình đam mê thì sống để làm gì? Vô nghĩa vô cùng. Sau đấy, tôi lấy lại tinh thần và tôi quyết tâm, mỗi lần bước vào một vai nào đó là phải lừng lẫy, phải nhìn lại mình còn may mắn hơn rất nhiều nghệ sĩ khác không có đất để diễn. Như thế, mỗi khi diễn về, tôi thấy thanh thản, sung sướng, thoải mái lắm. Đấy cũng là định hướng, cách sống của tôi với nghề. 

P.V: Có người nói, đứng sau thành công của NSND Bùi Bài Bình là diễn viên Ngọc Thu – cái tên nổi tiếng một thời qua vai diễn "Chị Út Tịch" trong bộ phim Mẹ vắng nhà của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư. Chính nghề diễn đã là cầu nối giúp cho hai người đến bên nhau dù ban đầu cuộc sống của ông, bà rất vất vả. Hiện tại, sau hơn 30 năm bên nhau, cặp nghệ sĩ đang cuộc sống bình yên. Ông nghĩ gì về ý kiến này?

NSND Bùi Bài Bình: Chúng tôi quen nhau khi còn là học viên trường Điện ảnh. Tình yêu chớm nở khi cô gái Hà Thành trót thương thầm tôi bởi tôi có chiếc răng khểnh. Khi ấy, nhà Ngọc Thu cách nhà tôi một bến tàu điện. Sự gắn bó lớn dần lên sau những lần cùng nhau đến trường, tan lớp. Trên những chuyến tàu điện, lời yêu chưa từng ngỏ nhưng tâm hồn hai người nghệ sĩ đã thuộc về nhau tự bao giờ. Sau  nhiều năm chung sống tôi không biết phải nói gì chỉ biết tặng bà ấy hai từ: biết ơn. Vợ tôi hy sinh nhiều lắm, khi phải gác lại giấc mơ diễn viên của mình để lui về hậu phương làm kinh doanh, chăm sóc cho gia đình nhỏ trong khi tôi đi biền biệt theo chân các đoàn phim. Thậm chí, khi tôi làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND cũng nhờ cậy một tay vợ lo lắng.

Vợ tôi là một người mẹ nghiêm khắc. Bà ấy luôn dạy dỗ con cái tự lập và nỗ lực vươn lên bằng chính khả năng. Hai con trai tôi không có thói quan ‘dựa hơi’ bố mẹ. Cậu cả tự tìm cho mình hướng đi riêng và bước đầu có những thành công nhất định. Cậu út bước vào nghề bằng sự cần cù, chịu khó và ham học. Con trai út của vợ chồng tôi vẫn chăm chỉ đi làm thêm ở một rạp chiếu phim để tích lũy kinh nghiệm và học cách trân trọng sức lao động, giá trị của đồng tiền.

Tôi là một người đàn ông hạnh phúc theo cách của mình và biết tự làm mình hạnh phúc. Theo quan niệm của tôi, hạnh phúc đâu chỉ là sự hào nhoáng bề nổi như người đời lầm tưởng. Với tôi hạnh phúc là được chứng kiến sự trưởng thành của con cái, được chia sẻ cùng vợ niềm đam mê nghề nghiệp. Trong gia đình tôi là một “vai phụ” . Nếu xem gia đình là một cuốn phim thì Ngọc Thu mới là vai chính. 

Xin cảm ơn NSND Bùi Bài Bình về cuộc trò chuyện này!

LÊ THUÝ HẰNG (thực hiện) 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top