Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Sân khấu thủ đô: Ém “ hàng khủng” chờ khán giả

Thứ Tư 02/03/2022 | 09:57 GMT+7

VHO- Lịch diễn bị đình lại vì diễn viên bị F0; cố gắng gom nhân lực các đoàn để tổ chức diễn theo đúng hợp đồng; huỷ nhiều chương trình dịp Quốc tế Phụ nữ 8.3 vì an toàn của nghệ sĩ và khán giả; dàn dựng “hàng khủng” để chờ dịch hạ nhiệt… - hàng loạt những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của giới nghệ thuật sân khấu Thủ đô đã cho thấy sự vượt lên chính mình bởi lòng yêu nghề, khao khát sáng tạo và tận hiến của họ.

 Vở “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” của Nhà hát Kịch Việt Nam dự định diễn 8 suất trong dịp này đành tạm hoãn vì dịch bệnh

 Con tằm rút ruột nhả tơ…

Từ tháng 2.2022, nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp ở Hà Nội đã quay lại “đường đua” để phục vụ khán giả. Nhà hát Chèo Việt Nam với hai chương trình trực tuyến Chào xuân Nhâm Dần 2022 (13.2) và Quan Âm Thị Kính (19.2); tháng 3 này, các chiếu chèo của Nhà hát tiếp tục diễn ra tại 71 Kim Mã, Hà Nội. Cùng lúc, các nghệ sĩ cũng đang lên sàn tập vở Cánh diều lạc gió (kịch bản văn học PGS Tất Thắng, đạo diễn NSƯT Đình Vinh).

Mặc dù nhiều nghệ sĩ bị F0, nhưng Nhà hát Múa rối Việt Nam không chịu “bó tay” ngồi đợi mà đã cố gắng gom diễn viên của các đoàn để tham gia Nhà hát Truyền hình với chương trình mới nhất Du Xuân cùng 5K (kịch bản: Minh Nhật, đạo diễn: NSND Nguyễn Tiến Dũng). Đồng thời, Nhà hát cũng phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam khai trương lại Trung tâm biểu diễn Múa rối nước Bông Sen, giới thiệu chương trình nghệ thuật ca múa nhạc đương đại kết hợp với múa rối nước truyền thống, mở màn cho chuỗi hoạt động thường nhật và mở cửa đón khách quốc tế.

Vở nhạc kịch “Sóng” của Nhà hát Tuổi Trẻ vẫn đang được các nghệ sĩ miệt mài tập luyện

Cũng phải kể tới 6 đêm diễn thành công chật kín khán giả tại Nhà hát Lớn, Hà Nội của Sân khấu Lệ Ngọc với 4 vở: Vụ án người đốt đền, Làm vua, Nước mắt của mẹ, Vang bóng một thời (từ 21.2 - 1.3). Điều đó cho thấy, nếu nắm bắt đúng thời điểm, tâm lý khán giả thì sân khấu vẫn có thể kéo người xem tới nhà hát.

Nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và nhà hát ở Thủ đô đã lên kế hoạch biểu diễn vào dịp Quốc tế Phụ nữ 8.3, tuy nhiên, dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh khiến hầu hết các chương trình phải dừng lại. Vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến của Nhà hát Kịch Việt Nam dự định diễn 8 suất trong dịp này đành tạm hoãn và trả lại tiền nếu khách muốn hoàn vé. Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam dự định tung vở Thượng Thiên Thánh Mẫu cũng không thể triển khai vì có quá nhiều diễn viên dính F0. Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ, di chứng hậu Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều đến thể lực, vì vậy cần có thời gian để nghệ sĩ nghỉ ngơi, dưỡng sức rồi mới có thể tập trở lại.

Dàn dựng “hàng khủng” chờ Thượng đế

Không gian văn hoá Việt của Nhà hát nghệ thuật Đương đại Việt Nam đã khởi động lại hoạt động biểu diễn thường nhật với chương trình nghệ thuật múa rối nước truyền thống kết hợp ca múa nhạc đương đại

Thời điểm này, Nhà hát Tuổi Trẻ có tới 7 vở diễn sẵn sàng lên lịch phục vụ khán giả, nhưng vì dịch bệnh mà Nhà hát đành phải ém đi “hàng khủng”. Hiện nay, vở nhạc kịch Sóng lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ Xuân Quỳnh do NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó giám đốc Nhà hát làm Tổng đạo diễn đang trên sàn tập. Đạo diễn của Sóng đã thay đổi tư duy, không chỉ sử dụng diễn viên của Nhà hát mà mở rộng casting diễn viên chuyên nghiệp và học viên năm cuối của các trường nghệ thuật như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội… “Ban giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ rất thấu hiểu tâm tư và khát khao được biểu diễn của các nghệ sĩ, tuy nhiên chúng tôi cũng phải động viên anh chị em cố chờ thêm một thời gian nữa, khi dịch được kiểm soát thì hoạt động sân khấu mới ổn định được. Đây là cách để đảm bảo không chỉ cho nghệ sĩ, cán bộ của Nhà hát mà còn cho cả cộng đồng”, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Sĩ Tiến chia sẻ.

Tương tự, hàng loạt các chương trình hay, chất lượng cao được đầu tư dàn dựng công phu của các đơn vị nghệ thuật như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội… đều đã sẵn sàng chỉ chờ dịch giảm là có thể công diễn.

 Fanpage của Nhà hát Chèo Việt Nam đã trở thành địa chỉ yêu thích của nhiều khán giả bên cạnh chiếu chèo ở Nhà hát Chèo Việt Nam ở 71 Kim Mã, Hà Nội

Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Năm 2022 có rất nhiều các liên hoan nghệ thuật sân khấu, đây là cơ hội cho Nhà hát chúng tôi nói riêng và những người làm nghệ thuật biểu diễn cả nước có thể tham gia. Múa rối có thể tham gia Liên hoan sân khấu về đề tài thiếu nhi (tháng 6), Cuộc thi tài năng Múa rối toàn quốc tại TP.HCM (tháng 8), Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm (tháng 11). Để xây dựng chương trình tham gia các liên hoan này đòi hỏi Ban giám đốc, Hội đồng nghệ thuật Nhà hát sẽ phải rất cân nhắc, tính toán kĩ lưỡng. Quan trọng nhất là lựa chọn kịch bản và hình thức biểu diễn phù hợp với tiêu chí, mục đích của từng cuộc thi”. Vị đạo diễn tài hoa của ngành Múa rối chia sẻ thêm, điều khó khăn nhất đối với những người sáng tạo nghệ thuật đó là làm sao để không lặp lại những gì mình đã làm, đã thành công để tạo nên những sáng tạo mới, bứt phá ngay với chính mình.

Cũng sẽ có nhiều cuộc thi, liên hoan nghệ thuật dành cho các loại hình sân khấu khác như: Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc tại Nghệ An (tháng 5), Liên hoan Chèo toàn quốc (tháng 9), Cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang (tháng 9), Liên hoan Xiếc quốc tế tại Hà Nội (tháng 10), Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 5 tại Hà Nội (tháng 10), Liên hoan Cải lương toàn quốc tại TP.HCM (tháng 11)... tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp trên cả nước tham gia.

Những dự án, chương trình đã triển khai hay mới chỉ hình thành trong ý tưởng và kế hoạch của từng đơn vị nghệ thuật cho thấy, năm 2022, diện mạo của sân khấu Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung chắc chắn sẽ có nhiều đột phá, nở rộ các tác phẩm có chất lượng, phong phú về thể loại và đề tài sáng tạo. Có thể cảm nhận được khao khát cháy bỏng được làm nghề, được quảng bá những tâm huyết sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ tới khán giả, rất nhiều “hàng khủng” đang chờ đợi các Thượng đế đến nhà hát để thưởng thức! 

 THUÝ HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top