Người đảng viên với nhóm từ thiện xả thân hỗ trợ người dân (Bài 2):  Nắm sả yêu thương

VHO- Để quyên góp được 200 tấn hàng nông sản gửi vào, nhà báo, trung tá Lê Văn Chương đã nêu cao tinh thần của người đảng viên, đó là “miệng nói, tay làm, nêu gương, làm gương”. Anh đã xuống ruộng, xắn quần cùng các tình nguyện viên đi nhổ sả dưới trời mưa tầm tã, có hôm trời nắng như đổ lửa. Trong phòng, chống dịch, sả được xem là mặt hàng rất thiết yếu.

Người đảng viên với nhóm từ thiện xả thân hỗ trợ người dân (Bài 2):  Nắm sả yêu thương - Anh 1

 Người dân tự mang sả tới đặt trước điểm quyên góp

Dân kêu, không đành lòng

“Em cần một nắm sả anh ơi. Cái cần nhất bây giờ là chanh, sả để xông vì vừa mới bị nó (virus) quật thêm một trận sốt nữa…” – Hân, một thanh niên từ TP.HCM nhắn gửi cho anh Chương vào sáng 27.7. Và có hàng chục tin nhắn tương tự cầu cứu “em cần sả…”. Sả là mặt hàng nông sản không thiếu trên tất cả chuyến xe gửi vào tâm dịch cho bà con TP.HCM. Nhà báo Lê Văn Chương nhận tin nhắn và chia sẻ với các tình nguyện viên, kết nối tới các tổ chức tôn giáo.

Theo anh, đến ngày hôm nay, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã báo cáo và trở thành điểm sáng về điều trị Covid-19 và địa phương này nhấn mạnh đã áp dụng phương pháp Đông – Tây y kết hợp, trong đó có cho mọi người tăng cường cho bệnh nhân uống nước chanh, sả, gừng; kết hợp là việc vận động đi lại chứ không nằm một chỗ, có loa mở nhạc để tạo ra không gian cuộc sống thường ngày.

“Cần ngay 2 tấn sả trên chuyến xe ngày mai để vào giúp bà con Sài Gòn, Bình Dương”, thông tin được anh đăng tải trên trang cá nhân là facebook Lê Văn Chương và đã được nhiều bà con ủng hộ. Có bà cụ 60 tuổi vác một nắm sả đến bảo “gửi ngay vô cho bà con mình trong đó”. Có cụ ông tuổi gần 70 cũng chạy tới với một bó sả nhỏ và nhắn nhủ xin gửi vào miền Nam.

Cô Phan Thị Thanh Tâm, giáo viên Trường THCS Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi là một trong những người đầu tiên huy động bà con nhổ sả mang tới cho nhóm Nối vòng tay Việt gửi vào cho bà con ở TP.HCM theo lời kêu gọi. Ban đầu, cô Tâm cũng thoáng chút ái ngại vì món quà để vượt ngàn km vào miền Nam là những gốc sả mộc mạc. Nhưng rồi nhà báo Chương động viên với cô bằng nụ cười khích lệ, lời cảm ơn chân thành. Chị Thanh ở TP.HCM sau khi xem clip “cô giáo mang sả đi tặng bà con Sài Gòn” đã nhắn tin chia sẻ “Sài Gòn đang đau thương, một nắm sả bây giờ quý như vàng vậy các anh ơi, bà con mong nhận được sự ủng hộ”.

Ngoài những tin nhắn xin gạo, rau, củ thì cũng có những cuộc điện thoại từ TP.HCM gọi trực tiếp về Quảng Ngãi để xin sả. Anh Quang và hai người bạn “cố thủ” trong căn gác của một khu chung cư ở quận 7, TP.HCM điện về cho biết “cảm thấy lạnh lẽo và lo âu tới mức không thể ăn nổi, nhưng nghe nói sả, tỏi, mật ong uống vào rất tốt và có một số F0 đã chia sẻ trực tuyến trên facebook kinh nghiệm vượt qua dịch bệnh, nơi căn gác lạnh này, anh em giờ lại ước mơ có nắm sả từ Quảng Ngãi gửi vào”. Việc vận động quyên góp hàng nông sản, nhưng cũng là dịp để con người Việt Nam biết sống san sẻ với nhau, nương tựa vào nhau.

Người đảng viên với nhóm từ thiện xả thân hỗ trợ người dân (Bài 2):  Nắm sả yêu thương - Anh 2

Cô giáo Bùi Thị Thảo Nguyên, một đảng viên trẻ tham gia hỗ trợ chuyến xe chở hàng vào miền Nam

Nêu gương, làm gương

Chị Thu Huyền, tình nguyện viên Hội phụ nữ ở phường 27, quận Bình Thạnh, là cán bộ đảng viên nên chị phải nêu gương, làm gương, trở thành người ngược xuôi trong suốt những ngày bão dịch Covid-19 để tiếp sức cho người dân trong địa bàn. Hằng ngày, chị Huyền và các thành viên tiếp nhận các chuyến xe cứu trợ, sau đó mang phân phát đến từng hộ dân. Có nhà dân là F0, chị vẫn phải vào ở cự ly tương đối gần và đặt sả ngay trước cửa. Sau hàng tháng trời gánh vác việc xã hội, chị đã trở thành F0 và nhắn lại rằng “em đã đuối lắm rồi”.

Chuyến xe hàng gửi vào TP.HCM ngày 30.8.2021 và được Báo Công an TP Hồ Chí Minh tiếp nhận; phóng viên Nguyễn Duy Trung đã nhờ xe công an chở sả để qua chốt thuận lợi, tiếp cận khu cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh để hỗ trợ sả cho chị Huyền và nhiều F0 đang điều trị tại nhà. Đây là chuyến xe hàng nông sản và có gởi nhiều sả nhất (3 tấn) cho bà con. Chị Huyền tâm sự trực tuyến và được kết nối qua facebook Lê Văn Chương: “Em cần nguyên cả cây sả, gốc làm sạch để giã ra uống với mật ong, lá thì để xông, quý lắm các anh ơi!”.

Lời tâm sự đó đã được bà con hưởng ứng, nên để nguyên cả cây sả, có cả rễ mang tới tặng cho nhóm Nối vòng tay Việt. Sả vào tới TP.HCM và được chia cho Trung tâm Y tế quận 12, một số hộ dân đang bị F0 ở khu chung cư nằm ở quận Gò Vấp và bà con ở Cư xá Thanh Đa. Phóng viên Nguyễn Duy Trung từ TP.HCM điện về cho biết: “Để nguyên cây thì khiêng cực lắm, em phải nhờ anh em Công an phường chặt mất nửa ngày mới xong phần gốc, lá, rễ”.

Cụm từ “sả nguyên cây” tiếp tục được hưởng ứng, anh Lê Văn Thức cùng nhóm bạn ở Công ty TNHH Truyền thông Tổng Lực ở thành phố Quảng Ngãi đã lập tức về miền quê ven sông Trà Khúc huy động nhổ 1,5 tấn sả để chở lên, giữa lúc bầu trời sụt sùi sắp đổ mưa. Sả được giữ nguyên gốc, lá, rễ thì không thể để được lâu, nên đã lập tức được gửi theo chuyến xe của Công ty Vận tải Ba Thanh (ủng hộ chuyến xe 0 đồng) chở ngay vào TP.HCM cùng với 7 tấn dưa hấu, bí đỏ, bí đao, củ sắn…

Người đảng viên với nhóm từ thiện xả thân hỗ trợ người dân (Bài 2):  Nắm sả yêu thương - Anh 3

Bà con huy động cả làng nhổ sả để mang tới cho nhóm thiện nguyện Nối vòng tay Việt

Quảng Ngãi bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 9.2021, vì số ca dương tính mới phát hiện đã nhích lên 19 người/ngày. Hoạt động quyên góp bắt đầu bị chia cắt bởi các chốt gác đường. Từ thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, cô giáo Đinh Thị Thu Hà nhờ chiếc xe bán tải để vội vã đi 50 km xuống thành phố Quảng Ngãi rồi lại quay về. Là một cán bộ đảng viên, cô tâm sự: “Em nghe nói TP.HCM cần thứ này lắm, em ghé mấy anh rồi phải lên thị trấn miền núi ngay, vì đi quá 3 giờ thì phải test mới cho qua chốt”.

Chị Nguyễn Thị Hương, công tác ở UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng là người liên tục về quê huy động bà con nhổ hết vườn sả mang tới cho nhóm Nối vòng tay Việt. Tấm lòng của một người cán bộ đảng viên nên chị chia sẻ rằng, không thể nào ngồi yên khi thấy đồng bào quá khó khăn.

Bên cạnh mặt hàng sả gửi vào Sài Gòn, tỏi Lý Sơn cũng là loại hàng nông sản được rất nhiều người nhắn tin hỏi xin. Cô Mai Đào, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng là thành viên huy động được nhiều tỏi nhất của nhóm thiện nguyện. Cô Đào còn huy động nhiều đảng viên trẻ đến cùng tham gia, tất cả chung tay vì đồng bào miền Nam. 

 

Bữa cơm trưa thường ăn vào lúc 14 giờ. Tôi ngồi chết lặng trên ghế, mặc cho nắng soi vào lưng, tâm trí dồn vào việc nhắn tin để xe đi vào TP.HCM an toàn, sau khi xong việc thì anh em trở về ra sao…? Rồi việc quyên góp nếu triển khai chậm thì làm sao kịp chuyến xe trong 3-4 ngày tới…?

(Trung tá, nhà báo LÊ VĂN CHƯƠNG )

 SÔNG THAI – HÀ ANH

Ý kiến bạn đọc