Kiều bào ở Ukraine lo lắng điều gì sau cuộc xung đột?

VHO- “Hy vọng cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine sớm chấm dứt, hai nước sẽ ngồi vào đàm phán. Tuy nhiên, cho dù kết quả có khả quan đi chăng nữa thì hậu quả để lại giữa hai nước từng gắn kết một thời rất nặng nề, nhất là Ukraine”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Loan (ảnh), 67 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tại Ukraine trong cuộc phỏng vấn với Văn Hoá chiều tối qua 27.2.

Kiều bào ở Ukraine lo lắng điều gì sau cuộc xung đột? - Anh 1

Ông Nguyễn Văn Loan

 P.V: Tình hình Ukraine hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Loan: Nơi tôi sống là thành phố Cherkasy, cách Thủ đô Kyiv 190 km về phía Đông Nam hoàn toàn bình thường. Tôi vừa ra siêu thị, hàng hoá nhìn chung dồi dào, chỉ có một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khan hiếm hơn so với ngày thường.

Tuy nhiên, bạn bè tôi ở những điểm nóng như các thành phố Kharkiv, Kyiv… không có được cảm giác yên bình như tôi. Ngược lại, có cảm giác như Thủ đô Hà Nội năm 1972. Bom rơi, đạn nổ, còi báo động liên hồi, tất nhiên quy mô ác liệt không bằng. Cuộc chiến hiện tại đã bước sang ngày thứ tư và tình hình ngày càng xấu hơn. Lực lượng Nga vẫn đang tiếp tục tăng cường các cuộc tấn công và tiến sâu hơn vào trung tâm Ukraine. Đến trưa ngày 27.2, Nga đã tiến vào trung tâm thành phố Kharkiv, đây là thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Hai thành phố khác là Kherson và Berdyansk ở miền Nam Ukraine đang bị phong toả, trong khi TP Henichesk nằm phía Nam Ukraine và sân bay Chornobayivka (Chernobayevka) gần TP Kherson dường như cũng đã thuộc quyền kiểm soát của quân đội Nga. Hai vụ nổ lớn được cho là xảy ra ở xung quanh Vasylkiv, cách Thủ đô Kyiv khoảng 30 km về phía nam, nơi có sân bay quân sự lớn và nhiều khu dự trữ nhiên liệu.

Kiều bào ở Ukraine lo lắng điều gì sau cuộc xung đột? - Anh 2

Một gia đình người Việt ở TP Khakiv ở trong hầm trú ẩn Ảnh: NVCC

Tình hình càng nóng hơn khi sáng nay (tức sáng qua 27.2 theo giờ Kyiv -P.V), chính quyền Kyiv thông báo Tổng thống Zelensky đã từ chối lời đề nghị đàm phán của Nga và ngay sau đó, Nga tuyên bố sẽ nối lại chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, theo tôi được biết, Kyiv không từ chối lời đề nghị đàm phán của Nga mà chỉ từ chối đàm phán tại Belarus, song vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán ở các địa điểm khác.

Có một thực tế cũng phải khẳng định rằng, chiến sự chủ yếu xảy ra tại các căn cứ quân sự. Điều này cũng phù hợp với tuyên bố trước đó của Nga. Tuy nhiên, trong chiến tranh, cảnh bom rơi, đạn lạc khiến người dân thương vong là điều không thể tránh khỏi. Như mấy hôm trước, ở Kyiv có máy bay bị bắn rơi, cháy và rơi xuống nhà dân, hay phần đuôi quả tên lửa rơi xuống thành phố, nhưng những trường hợp như vậy cũng rất ít.

Kiều bào ở Ukraine lo lắng điều gì sau cuộc xung đột? - Anh 3

 Quả đạn lép không nổ rơi xuống một con phố ở Kharkiv

Tình hình bà con Việt kiều và công tác bảo hộ công dân như thế nào, thưa ông?

Mấy chục năm dân bên này sống trong hòa bình, giờ nghe thấy tiếng bom nổ, nói thực, ai cũng hoang mang, hoảng sợ. Với cộng đồng người Việt, từ Đại sứ quán, chúng tôi thông tin đến người dân

 những phương án tốt nhất. Cho đến hôm nay vẫn có một số đồng bào của ta ở Kyiv và một số thành phố khác đang tìm cách di tản sang Ba Lan, Romania, Hungary… Trên thực tế, một số bà con mình đã sang được Ba Lan. Nhưng đó chỉ là con số ít, để sang được rất khó dù biên giới vẫn mở cửa. Chúng tôi cũng đã khuyên bà con, trong tình hình hiện nay, di tản không phải là phương án hay. Hiện tất cả các sân bay quân sự bị tấn công, sân bay dân sự thì không ai dám bay, nên chỉ di tản bằng đường bộ. Từ ba ngày nay, các tuyến đường sang các nước nói trên đều bị tắc nghẽn khủng khiếp do di tản quá nhiều. Đó là chưa nói hiện rất khó khăn để mua xăng. Như hôm qua, nơi thành phố tôi sống vẫn yên bình và ít dân, thế mà tôi phải xếp hàng dài chờ đến 2 tiếng đồng hồ mới mua được xăng. Như vậy, phương án di tản bằng ô tô cũng có vẻ bất khả thi. Phương án tốt nhất hiện nay là ở yên một chỗ. Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cũng đã kêu gọi bà con bình tĩnh, nên ở yên trong nhà, tránh bom rơi, đạn lạc. Thời điểm này bà con cũng nên cẩn thận, tránh kẻ xấu lợi dụng bất ổn để trấn lột.

Được biết, khi chiến tranh xảy ra, được sự hướng dẫn của Đại sứ quán, Hội người Việt Nam tại thành phố Kyiv hằng ngày đều có những thông tin trên trang chính thức của Hội để thông báo cho bà con biết tình hình như thế nào, hướng dẫn cho bà con những cách xử lý. Khi có chiến tranh xảy ra, Hội cũng đã cập nhật thông tin về bản đồ, phân bố các địa điểm phòng trú ẩn, nơi tránh bom cho bà con được biết. Cung cấp thông tin về trang thiết bị cần thiết mỗi gia đình, mỗi người cần phải chuẩn bị mang theo khi đến đó, bởi vì, không loại trừ khả năng một địa điểm nhà dân sau đó bị cháy, hay hỏa hoạn gì đó, thì giấy tờ tài sản quan trọng mọi người cần mang theo. Đó cũng chính là lời khuyên của chính quyền thành phố ở Kyiv. Khi có nguy cơ xảy ra trên không phận hay các hướng khác, chính quyền thành phố bật còi báo động lên mọi người trong khu vực đều có thể nghe. Ngoài ra trên điện thoại di động mỗi người đều có tin nhắn của chính quyền địa phương báo tới rằng mọi người có thể đi đến các địa điểm an toàn gần nhất khi có nguy cơ xảy ra tiếng súng.

Kiều bào ở Ukraine lo lắng điều gì sau cuộc xung đột? - Anh 4

 Cảnh người dân ở Kyiv xuống tầng ngầm tránh đạn. Ảnh do ông Nguyễn Văn Loan cung cấp

Cuộc chiến nào rồi cũng sẽ kết thúc. Ông nhận định tình hình Ukraine như thế nào thời hậu chiến, nhất là ảnh hưởng đến bà con Việt kiều?

Tôi ở Ukraine và Nga 37 năm, từ năm 1985, trong đó 15 năm tôi ở Nga. Chính phủ Ukraine khi thân Nga, khi thân phương Tây nhưng chưa bao giờ có hiện tượng một người Việt Nam nào do khó khăn phải quay về nước. Ngoại trừ một số người thấy cơ hội đầu tư trong nước lớn quay về như anh Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam… Tuy nhiên, gần đây, nhiều người đã phải về nước do nguồn lực cạn kiệt, kinh tế khó khăn. Phải nói rằng trong thời điểm hiện nay và dự báo, kinh tế Ukraine đang và sẽ cực khó khăn. Bảy năm qua khủng hoảng chiến sự, kinh tế vốn đã khó khăn. Hai năm qua dịch Covid-19, đời sống bà con cực kỳ khó khăn. Rất nhiều nhà máy, xí nghiệm đã đóng cửa. Kinh tế Ukraine khá thì bà con khá. Người dân Ukraine khổ thì bà con mình cũng khổ. Đó là điều mà bà con kiều bào ở bên này lo lắng.

Lo lắng thứ hai là tình hình sẽ bất ổn. Những ngày tới có thể đi đến một thoả thuận nào đó nhưng chiến sự tôi e sẽ diễn ra lâu dài vì Ukraine gần như chia hai miền riêng biệt. Người dân phía Đông (dân Nga, đất Nga cũ) ủng hộ cho Nga. Ngược lại, người dân các tỉnh phía Tây là đất Ba Lan, Romania, Hungary cũ thì có xu hướng ủng hộ phương Tây. Mâu thuẫn này có thể sẽ được đẩy lên sau cuộc chiến. Bởi vậy, bất kể một chính phủ nào lên cầm quyền thì cũng phải đối diện một thực tế không mấy dễ chịu này. Đã bất ổn thì không thể nói chuyện làm ăn, sinh sống. 

 TÙNG QUANG (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc