Sách Tiếng Việt 1 không dạy  “P” chỉ dạy “PH”: Người trong cuộc nói gì?

VHO- Bức xúc khi sách Tiếng Việt 1 không dạy chữ cái “P”, Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội đã viết thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Sách Tiếng Việt 1 không dạy  “P” chỉ dạy “PH”: Người trong cuộc nói gì? - Anh 1

 Trong mục lục của sách Tiếng Việt 1 - Bộ Kết nối tri thức và cuộc sống, ở phần dạy chữ cái Tiếng Việt cho học sinh không có chữ “P”

“Sáng tạo” ngoài bảng chữ cái

Nhà giáo Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội) cho biết, ông rất ngạc nhiên khi sách Tiếng Việt 1 thuộc Bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục Việt Nam) không dạy chữ “P” độc lập mà chỉ dạy chữ “Ph” (chữ P ghép với H, đọc là phờ). Trong mục lục của sách ở phần dạy chữ cái tiếng Việt cho học sinh cũng không có chữ “P”.

Chia sẻ về việc này, ông Vịnh cho rằng 29 chữ cái tiếng Việt đã được Hiến pháp quy định. Trong quyết định số 31/2002/QĐ-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2002 do Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai ký, quy định bảng chữ cái chuẩn cho tiếng Việt gồm 29 chữ cái, đồng thời quy định mẫu chữ viết trong trường tiểu học gồm 29 chữ cái, trong đó có chữ “P”. Cho tới thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa hề có quyết định nào thay thế, vậy “sáng tạo” trên của tác giả sách không biết căn cứ vào đâu? Điều đáng ngạc nhiên là dù không dạy chữ “P” nhưng ở trang 105 của sách này lại đưa một ngữ liệu là bài đọc “Sa Pa” để dạy học sinh.

Khi ông Vịnh chia sẻ băn khoăn này trên Facebook cá nhân thì nhiều người, trong đó có các nhà giáo, cũng bức xúc về sự tuỳ tiện. “Không dạy chữ “P” mà có những bài đọc có chữ “P” thì giáo viên là thánh cũng không dạy được”, một nhà giáo lên tiếng.

Sau khi mạng xã hội râm ran “tiếng bấc tiếng chì” về việc này, thì một vị chủ biên của bộ sách giải thích: Sách Tiếng Việt 1 - Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không bỏ chữ “P” nhưng dạy chữ “P” khi nó kết hợp với “H” thành chữ “Ph” (phờ). Sở dĩ tác giả không đưa chữ “P” độc lập vào sách, vì rất ít từ tiếng Việt có chữ “P” đứng trước các nguyên âm, nếu có thì là ngoại lai.

Nhà giáo Đào Quốc Vịnh bày tỏ quan điểm: Sai thì cần tiếp thu để sửa chứ không thể giải thích vô trách nhiệm như thế. Vì tuy không phổ biến với người Kinh nhưng những từ có “P” đứng đầu lại phổ biến ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu nói đó là “ngoại lai” thì e rằng không chỉ sai mà còn rất nhạy cảm chính trị. Hơn nữa, không phải không có lý do khi “P” từ lâu đã là 1 trong 29 chữ cái được pháp luật quy định. Sách biên soạn khác đi là vi phạm pháp luật.

Ông Vịnh đưa ra một loạt ví dụ các từ đang được sử dụng chỉ địa danh, tên người có chữ “P”. Trên Facebook cá nhân của nhà giáo này, đã có nhiều người đồng băn khoăn khi đưa ra ví dụ: “Nếu học sinh đi tham quan hang Pác Bó, phải giải thích cho các em thế nào về tên gọi của di tích lịch sử này khi các cháu không biết có chữ “P”?

Thư ngỏ chưa có hồi âm

Trong thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, nhà giáo Đào Quốc Vịnh cho rằng, “SGK cho học sinh phổ thông, nhất là ở cấp Tiểu học, phải có tính phổ quát tới 54 dân tộc anh em, chứ không phải chỉ dạy riêng cho học sinh người Kinh. Sai sót này là không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động làm ảnh hưởng tới sự đoàn kết của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam”.

Ông Vịnh đề nghị các cơ quan hữu trách cần vào cuộc yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam, cụ thể là những người biên soạn bộ sách Kết nối tri thức phải bổ sung ngay chữ “P”, đưa nó trở lại mục lục của cuốn sách, ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy định.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa có phản hồi cũng như chưa trả lời báo chí. NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị chịu trách nhiệm về cuốn sách trên cũng đang giữ im lặng. Theo một nguồn tin thì đơn vị này đã báo cáo Bộ GD&ĐT và đang chờ ý kiến để giải quyết.

Có thể nói, đây không phải lần đầu phát sinh lùm xùm liên quan tới sách Tiếng Việt 1. Vào năm học 2020-2021, khi các sách Tiếng Việt 1 của nhiều đơn vị xuất bản được phê duyệt đã nổi lên nhiều ý kiến phản ánh về những sai sót dở khóc dở cười ở sách Tiếng Việt. Trong đó, sách của nhóm Cánh Diều bị phê phán gay gắt nhất với nhiều ngữ liệu không phù hợp, gây phản cảm, khó dạy. Phản ứng của dư luận đã dẫn tới việc Bộ GD&ĐT phải yêu cầu các NXB và nhóm tác giả biên soạn ban hành một tài liệu bổ sung để giáo viên có thể sử dụng thay thế, vì thời điểm đó sách đã và đang được sử dụng để dạy và học ở các nhà trường, nếu thu hồi để chỉnh sửa sẽ gây xáo trộn lớn. Đồng thời, sách tái bản sẽ phải chỉnh sửa ngay những nội dung không hợp lý được nêu.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới) sẽ áp dụng một chương trình thống nhất, nhưng có nhiều SGK khác nhau do các đơn vị, nhóm tác giả biên soạn. SGK sẽ phải qua các vòng thẩm định bởi Hội đồng thẩm định do Bộ GD&ĐT thành lập, gồm các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, giáo viên phổ thông… Khi sách được Hội đồng thẩm định phê duyệt đạt yêu cầu, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, so sánh, đối chiếu với các quy định pháp lý có liên quan để tránh việc sai sót, vi phạm quy định. Từ khâu cuối cùng này, sách được chuyển cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Các địa phương sẽ tổ chức chọn sách trong nhiều bộ sách để quyết định đưa sách nào vào sử dụng trong các nhà trường trên địa bàn, nhưng sẽ chỉ được chọn trong những sách đã được Bộ trưởng phê duyệt. Trên thực tế, dù qua nhiều khâu thẩm định, kiểm duyệt nhưng vẫn có những vấn đề bất cập xảy ra. Trong đó cả những việc khó hiểu như thiếu chữ “P”. Đây là câu chuyện đang được dư luận quan tâm và chờ đợi xem Bộ GD&ĐT chỉ đạo xử lý ra sao! 

 Trao đổi về ý kiến của nhà giáo Đào Quốc Vịnh, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống khẳng định: Không có chuyện sách bỏ chữ “P”. “Bảng chữ cái trong SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ GD&ĐT (trang 12, tập 1). Đây là quy định “cứng”, không có bất kỳ bộ SGK nào dám thay đổi và không có lý do gì để thay đổi. Ở nhiều bài học trong bộ sách này, HS được học và luyện viết chữ “P” qua ngữ liệu là những từ như đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen… (trang 78, 118, 120, 124… tập 1). Ở tập 2, trong các văn bản đọc thì số các từ có chữ P không thể tính hết. Vì vậy, ý kiến cho rằng sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối không dạy chữ P là hoàn toàn không có cơ sở”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Bùi Mạnh Hùng, trong tiếng Việt, âm P xuất hiện chủ yếu là cuối âm tiết; trong một số trường hợp, xuất hiện đầu âm tiết. Qua loạt bài dạy vần ở tập 1 sách Tiếng Việt - bộ Kết nối như ap, ăp, âp (trang 118); op, ôp, ơp (trang 120); ep, êp, ip, up (trang 124),… và những từ như đã nêu ở trên (cặp da, cá mập, lốp xe…) thì có thể thấy rõ, sách này có dạy âm P cuối và thậm chí dạy nhiều.

Về việc dạy âm đầu P (pờ), tất cả các bộ sách Tiếng Việt 1 đều phải đạt được mục tiêu: Học xong lớp 1, HS có khả năng đọc được các từ như đèn pin, Sa Pa, Nậm Pì,… Tuy nhiên, mỗi bộ sách có thể có những cách dạy khác nhau.

Cách thứ nhất: Dạy âm đầu P (âm pờ) trong bài dạy âm PH (âm phờ). Trước khi học âm PH, các em được luyện đọc âm P, chứ không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P.

Cách thứ hai: Dạy âm P riêng và đưa những “từ ứng dụng” như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô để HS tập đọc và phát triển vốn từ.

SGK Tiếng Việt 1 của Bộ GD&ĐT (theo chương trình Tiếng Việt năm 2000) đã áp dụng cách thứ nhất. SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối, kế thừa cách dạy này.

Ông Bùi Mạnh Hùng cũng cho rằng, trong khi âm cuối P được mặc nhiên thừa nhận dựa trên hàng loạt cứ liệu thực tế thì nhiều nhà ngữ âm học hàng đầu lại không coi tiếng Việt có âm đầu P. Như vậy, nếu có coi tiếng Việt có âm đầu P thì đó không phải là việc hiển nhiên và âm đầu P không phải có vị trí “bình đẳng” như các âm đầu khác trong tiếng Việt. Trong miêu tả ngữ âm học, tất cả các hiện tượng ngữ âm thuộc từ vay mượn mà chưa Việt hóa, tên riêng cùng với từ tượng thanh, từ cổ… đều thuộc hiện tượng ngữ âm “ngoại biên”, không được lấy làm ngữ liệu để miêu tả hệ thống âm vị của một ngôn ngữ. P.V

 

 KỲ THANH

Ý kiến bạn đọc