Khánh Hòa: Sinh hoạt tổ dân phố ở hè đường

VHO- Những ngày qua, Văn Hóa liên tục nhận được thông tin phản ánh của người dân tại các khu đô thị Phước Long, An Bình Tân, Vĩnh Điềm Trung (TP Nha Trang, Khánh Hòa) không có nhà văn hóa để người dân sinh hoạt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của tổ dân phố của bà con nơi đây.

Khánh Hòa: Sinh hoạt tổ dân phố ở hè đường - Anh 1

 Công viên được xây dựng sơ sài tại khu đô thị Phước Long

 Trong các khu đô thị này cũng rất ít công viên công cộng, hoặc có nhưng được xây dựng sơ sài nên người dân, nhất là giới trẻ không có nơi vui chơi, tập luyện thể dục thể thao...

Thiếu thiết chế văn hóa

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Thiều, một người dân sinh sống tại tổ dân phố Phước Trung 2, phường Phước Long cho biết, gia đình tôi chuyển về tổ dân phố Phước Trung 2 sinh sống đã hơn 5 năm, người dân nơi đây sống với nhau rất chan hòa, tình cảm. Điều đáng buồn là khu đô thị mới nhưng không hề có nhà văn hóa để bà con sinh hoạt, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cộng đồng. “Để thắt chặt tình cảm của cộng đồng dân cư, sự trao đổi các cấp chính quyền với nhân dân thì thiết nghĩ các cấp lãnh đạo TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cần dành quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa cho người dân. Chúng tôi cũng tha thiết mong muốn có nhà văn hóa để các cháu nhỏ trong khu đô thị có thể đến đây vui chơi những ngày cuối tuần”, anh Nguyễn Minh Thiều nói. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Phương, tổ dân phố Phước Trung 2 thông tin, do không có nhà văn hóa nên mỗi dịp họp Tổ dân phố lại phải đi mượn nhà để tổ chức rất bất tiện, nhiều khi phải tổ chức ở lòng đường, vỉa hè. Nhiều lúc nghĩ mà xấu hổ cho khu đô thị được xem là văn minh.

Theo ghi nhận của Văn Hóa, hiện nhiều khu đô thị ở TP Nha Trang không chỉ thiếu nhà văn hóa mà các công viên, sân vận động, điểm vui chơi cho người dân cũng rất ít. Trong các khu đô thị mặc dù diện tích rộng, số lượng dân cư rất đông nhưng các công viên, điểm sinh hoạt cộng đồng lại nhỏ, xây dựng sơ sài không được đầu tư đúng mức. Có khi công viên còn bị cho tư nhân thuê để kinh doanh sân bóng đá. Cụ thể, một phần đất tại công viên trên đường Thích Quảng Đức, khu đô thị Phước Long bị cho tư nhân thuê làm sân bóng đá nhân tạo để kinh doanh. Trong khi đó, một phần đất công viên tại đây dường như không được đầu tư, để hoang phí. Một số công viên tại các khu đô thị cũng chỉ được đầu tư đơn sơ, không tương xứng với công viên trong khu đô thị có hàng ngàn hộ dân sinh sống.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo phường Phước Long cho biết, khi quy hoạch khu đô thị thì phường không được tham gia ý kiến nên việc khu đô thị không có nhà văn hóa thì phải hỏi cơ quan cấp trên.

S t chc kim tra

Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa thừa nhận: “Hiện không chỉ các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống của người dân thiếu và yếu, mà hệ thống cơ sở vật chất của ngành Văn hóa tỉnh Khánh Hòa cũng đã và đang xuống cấp như Bảo tàng tỉnh, đơn vị đang ở trên diện tích đất 2.756m2, tại số 16 Trần Phú (TP Nha Trang), gồm tòa nhà 1 tầng trệt và 1 lầu với diện tích sử dụng 817m2. Đây là một công trình nhà ở, làm việc do Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX nên không đáp ứng được công năng cho bảo tàng; Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tại số 5 đường 2-4 (TP Nha Trang) có diện tích đất 597m2, với tòa nhà 3 tầng, tổng diện tích sàn 1.700m2. Vị trí này tuy ở trung tâm thành phố nhưng diện tích đất hẹp, thực trạng kiến trúc chưa phù hợp với hoạt động nghiệp vụ của một Trung tâm văn hóa...

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, để xây dựng và phát triển ngành Văn hóa, Sở đã đề nghị đưa vào quy hoạch của tỉnh một số dự án đầu tư phát triển có quy mô lớn như: Trung tâm Văn hóa tỉnh ở vị trí mới, có địa điểm thuận lợi và quy mô lớn; xây dựng mới Bảo tàng tỉnh ở địa điểm mới; xây dựng Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật tỉnh ở vị trí thuận lợi và quy mô lớn; cải tạo, nâng cấp Thư viện tỉnh… Ngoài ra, trong quy hoạch tỉnh cần quan tâm việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia Thành cổ Diên Khánh, Am Chúa…

Sở VHTT cũng đã nêu lên một số ý tưởng phù hợp với xu hướng phát triển trong thời gian tới. Cụ thể, tỉnh cần quy hoạch, đầu tư một quảng trường khác có thể đáp ứng tổ chức các sự kiện ngoài trời quy mô lớn và không ảnh hưởng đến giao thông; nếu được, vị trí quảng trường cần gắn với hệ thống thiết chế văn hóa tiêu biểu của tỉnh. Tỉnh cũng đang nghiên cứu quy hoạch tuyến đường Trần Phú trở thành phố đi bộ với các dịch vụ mua sắm, ẩm thực và không gian văn hóa - nghệ thuật phục vụ du lịch.

Cùng với hệ thống thiết chế văn hóa cấp tỉnh, cũng cần hoàn thiện thiết chế văn hóa từ cấp huyện đến cấp thôn. “Qua rà soát, đánh giá sơ bộ các thiết chế văn hóa từ cấp huyện đến thôn trên địa bàn tỉnh, không ít thiết chế chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện hay có nơi còn chưa có thiết chế. Do đó, để hoạt động văn hóa ở cơ sở phát triển, cần quan tâm đến công tác quy hoạch, đầu tư các thiết chế văn hóa, nhất là trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện có quy mô hiện đại”, ông Hà cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, các khu đô thị khi quy hoạch xây dựng đều lấy ý kiến của ngành Văn hóa và có bố trí các nhà văn hóa và khu vui chơi theo quy định. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện thì có thể điều chỉnh thay đổi nên xảy ra các bất cập như phản ánh. Sở sẽ tổ chức kiểm tra và có kiến nghị để bổ xung cho phù hợp. 

XUÂN HƯNG

Ý kiến bạn đọc