Axie Infinity: Bệ phóng từ đam mê

VHO- Axie Infinity, trò chơi làm mưa làm gió trên thế giới xuất phát từ ý tưởng đưa công nghệ chuỗi khối vào xây dựng trò chơi của Nguyễn Thành Trung, người đã từng trốn học vì mê chơi game.

Một ngày cuối năm 2017, qua cặp kính dày gọng sừng, Nguyễn Thành Trung nhìn đăm đăm vào màn hình máy tính. Đồ họa bình thường, nhân vật trong trò chơi không quá đặc sắc, điều gì thu hút khiến chàng kỹ sư Kỹ thuật Phần mềm máy tính nhập tâm hoàn toàn vào trò chơi trực tuyến? Đó là trò chơi đầu tiên trên thế giới xây dựng dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). “Nhắc đến blockchain mọi người thường liên tưởng giá bitcoin hôm đó là bao nhiêu hay nói về ICO (Initial Coin Offering – một hình thức huy động vốn dựa trên nền tảng tiền mã hóa), thời điểm đó tôi không thích blockchain,” Trung lý giải.

Làm quen với máy tính từ năm tám tuổi, mày mò lập trình vào năm chín tuổi, ngày bé Trung không phải là mẫu “con ngoan, trò giỏi.” Năm cấp ba, cậu học sinh quê Hải Phòng từng mê chơi game đến mức cúp tiết khiến phụ huynh phải 7-8 lần đến gặp thầy cô. Sau này, làm việc trong lĩnh vực công nghệ Trung bắt buộc phải hiểu những công nghệ mới nhưng không mấy thiện cảm với blockchain vì sự khô khan, buồn tẻ và khó hiểu đối với đại đa số mọi người.

Chơi thử game mới, có cái nhìn khách quan hơn về công nghệ chuỗi khối, đầu óc Trung bừng sáng: Blockchain không xấu, chỉ là cách thức nó được ứng dụng ra sao! Công nghệ này hoàn toàn có thể tạo ra sự tươi mới giúp các trò chơi tương tác mượt mà cuốn hút hơn. Từ ý tưởng này, Trung và vài người bạn lập Sky Mavis, công ty sáng tạo ra Axie Infinity, trò chơi làm mưa làm gió trên thế giới trong năm 2021. Tại sao và bằng cách nào trò chơi từ Việt Nam trở thành một hiện tượng trong làng game toàn cầu?

Ba năm khi ra mắt người chơi, vào mùa hè 2021, Axie Infinity nhận được sự chú ý lớn từ cộng đồng truyền thông quốc tế với các thông tin xuất hiện trên ForbesBusiness Insider, Tech in Asia, KrAsia… Một số nhận xét nổi bật: “Sự nổi lên như vũ bão của Axie Infinity mang đến một cơ hội mới cho lĩnh vực trò chơi điện tử” (KrAsia); “Axie Infinity, một trò chơi chạy trên các mã thông báo không thay thế (NFT) đã đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại là một tỉ đô la Mỹ, thiết lập kỷ lục mới cho chính nó và trở thành dự án NFT có giá trị cao nhất trên thế giới” (Business Insider)…

Theo Global Game Market Report 2020, ngành game toàn cầu có tổng giá trị doanh thu đạt gần 180 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020 và dự kiến cán mốc 295 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Báo cáo nhận định game trên thiết bị di động đã là động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành với hơn 2,5 tỉ game thủ trên toàn cầu chơi qua thiết bị cầm tay. Báo cáo cho biết doanh thu từ các giao dịch trong trò chơi dự kiến sẽ chiếm gần 80% tổng doanh thu trò chơi (như việc mua vật phẩm của nhà phát hành để tăng sức mạnh vượt qua các bài chơi khó) nhưng hầu hết các game thủ không thể lấy các vật phẩm ra khỏi trò chơi và bán chúng trực tiếp cho những người chơi khác. Và blockchain được coi là chìa khóa giúp người chơi xác nhận quyền sở hữu và có thể giao dịch các vật phẩm một cách minh bạch.

Axie Infinity: Bệ phóng từ đam mê - Anh 1

Nguyễn Thành Trung, CEO và đồng sáng lập Axie Infinity

Axie Infinity từ vô danh trở nên được chú ý như thế nào? Lùi lại thời điểm khởi đầu, một tháng sau khi bật ra ý tưởng, Trung giới thiệu dự án với cộng đồng game thủ, cho phép người chơi khắp nơi trên thế giới có thể đặt trước (pre-order) các vật phẩm trong game sẽ phát hành sau đó. Số tiền mã hóa Etherum (ETH) “huy động” có giá trị khoảng 500 ngàn đô la Mỹ đủ giúp Trung và các đồng sáng lập khác là Aleksander Larsen (Na Uy), Jeffrey Zirlin (Mỹ), Tú Đoàn và Andy Hồ bắt tay vào phát triển dự án. Giữa năm 2018, sản phẩm chính thức được giới thiệu với cộng đồng người chơi toàn cầu.

“Các trò chơi Việt Nam thường ít có ý tưởng độc lập mà phát triển dựa trên những gì có sẵn từ đâu đó,” Trung nhận xét. Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, một hiện tượng làng game thế giới đầu năm 2014 được xem là phát triển ý tưởng từ trò chơi nổi tiếng Super Mario. Còn Axie Infinity dễ thấy lấy cảm hứng từ các tựa game Pokémon (Nhật Bản). Với lối chơi đánh theo lượt, trong trò chơi này người chơi sẽ thu thập và xây dựng một vương quốc cho thú cưng, tập hợp các thành viên vào nhóm chiến đấu với quái vật.

Khác với những trò chơi nổi tiếng như Angry Bird, Candy Crush… tương tác giữa người và máy, công nghệ blockchain giúp trò chơi mô phỏng thế giới thực, cho phép người chơi sở hữu vật nuôi, chiến đấu. Và phần hấp dẫn nhất người chơi có thể giao dịch, trao đổi vật phẩm thông qua NFT, một công nghệ thời thượng hiện nay.

Có thể chia cộng đồng người tham gia Axie Infinity hiện nay làm hai nhóm. Nhóm một là những người ban đầu quan tâm đến tính giải trí của trò chơi. Họ chăn nuôi, xây dựng một vương quốc cho vật nuôi và khi lớn mạnh có thể đem chúng đi chiến đấu hoặc trao đổi với người mới chơi khác. Nhóm hai là những người tham gia nhằm kiếm lời, họ mua bán qua lại các vật phẩm trong trò chơi, ít quan tâm đến tính giải trí. Tỉ lệ hai nhóm tham gia trong trò chơi hiện nay ước đoán khoảng 50:50. Thị trường người dùng chính của Axie Infinity đến từ Philippines, Venezuela, Mỹ, châu Âu và Việt Nam. “Thị trường Việt Nam hiện chiếm khoảng 3% người chơi và tôi chưa có ý định đẩy mạnh cộng đồng này. Ngôn ngữ của Axie Infinity cũng chưa hỗ trợ tiếng Việt,” Trung cho biết.

Để giao dịch các Axies (sinh vật) và các vật phẩm khác trong trò chơi, cộng đồng người tham gia trên toàn cầu có thể dùng loại tiền kỹ thuật số như ETH hoặc trong tương lai có thể với mã riêng Axie Infinity Shard (AXS) mà Sky Mavis phát triển. Đầu năm 2021, tổng giá trị giao dịch tháng trong Axie Infinity đạt gần một triệu đô la Mỹ. Đến tháng 7.2021, giá trị giao dịch tháng đạt 666 triệu đô la Mỹ. Vào tháng 9.2021 có 6,3 triệu Axies và vật phẩm trong game có thể đem giao dịch, trao đổi.

Vào tháng 8.2021, Axie Infinity đạt một triệu người dùng hoạt động hằng ngày tăng vọt, gấp khoảng 200% so với một tháng trước đó. Các loại “thú hiếm” có giá trị trao đổi ghi nhận cao nhất lên đến 120 ngàn đô la Mỹ. Theo Messari, một công ty nghiên cứu tiền điện tử tại Hoa Kỳ, mã thông báo AXS của Axie Infinity vào giữa năm 2021 trở thành một trong những tài sản kỹ thuật số hoạt động tốt nhất từ trước đến nay với mức tăng giá 7.000% vào tháng 8.2021 so với đầu năm. Từ hiệu ứng gây sốt của Axie Infinity, một làn sóng các game blockchain được phát hành như Itam Games (Itam), DungeonSwap (DND), CryptoZoon… xuất hiện trên toàn cầu.

Axie Infinity cuốn hút người chơi vì đâu? “Axie Infinity là một cộng đồng mạnh,” Trung khẳng định. Ngày đầu nhóm khởi nghiệp đã hướng tới xây dựng một cộng đồng người chơi lành mạnh, gắn kết nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nhờ đó có sự thấu hiểu, tin tưởng lẫn nhau. Định hướng này khiến Trung không đẩy mạnh phát triển trò chơi ở quê nhà, thị trường mà theo Trung có nhiều suy nghĩ và hành động ngắn hạn, rất khó xây dựng thành một nhóm gắn kết, bền vững.

Với một người mê game đến độ cúp tiết trốn học, ở vai lập trình Trung thấu hiểu các yếu tố “gây nghiện”, thu hút người chơi từ thiết kế, đồ họa đến tính cách nhân vật và cách chơi. “Mọi người đến với game nhập vai vì muốn sống như thế giới thực bên ngoài. Trong Axie Infinity sự nhập vai còn chân thực hơn nữa khi có một nền kinh tế vận hành đặt bên trong,” Trung giải thích.

Chính yếu tố chân thực này cộng với trò chơi có thể kiếm tiền trở thành thỏi nam châm thu hút những người tham gia. Ông Nguyễn An Nguyên, CEO Trusting Social, công ty công nghệ tài chính trong lĩnh vực chấm điểm tín dụng, sếp cũ của Trung nhận xét: “Còn trẻ nhưng Trung là một trong các kỹ sư lập trình và phát triển sản phẩm có ý tưởng phong phú và tốt nhất của Việt Nam hiện nay.”

Axie Infinity trở nên nổi tiếng có khiến những đồng sáng lập bất ngờ? Sky Mavis gồm hai mảng hoạt động game và công nghệ, giống một tảng băng mà phần nổi là game và phần chìm là công nghệ. “Tôi không ngạc nhiên về mức độ quan tâm, chỉ bất ngờ chút ít về kết quả. Bây giờ quá sớm để có thể gọi là thành công, mà giống đi một chặng đường nhìn lại đánh giá,” Trung nói.

Trước khi gây sốt, có thời điểm Sky Mavis thu hẹp nhân sự do cộng đồng người chơi kém sôi động vào đầu năm 2019, giai đoạn “mùa đông của tiền kỹ thuật số.” Vào mùa hè năm 2020, công ty đã huy động được 1,5 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư blockchain Hashed, Pangea Blockchain Fund và ConsenSys. Vào tháng 5.2021, Sky Mavis đã nhận được thêm khoản đầu tư 7,5 triệu đô la từ tỉ phú Mỹ Mark Cuban và một nhóm các nhà đầu tư khác. Trong giai đoạn kinh tế Việt Nam tê liệt vì COVID-19, nhân sự của Sky Mavis đã tăng từ 30 người lên gần 50 người.

Cuộc phỏng vẫn của Forbes Việt Nam với Nguyễn Thành Trung qua Google Meet diễn ra vào giữa tháng chín. Vẻ bề ngoài Trung dễ nhớ với mái tóc xoăn tự nhiên lòa xòa trước trán, nụ cười dễ mến, cặp môi dày. Trong suốt buổi nói chuyện Trung trả lời các câu hỏi rõ ràng và thường lặp lại câu hỏi khó trong vòng vài giây trước khi cân nhắc đưa ra câu trả lời phù hợp nhất.

Sinh năm 1992, Trung có suy nghĩ độc lập, chững chạc hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Trung kể năm chín tuổi đã mày mò lập trình những chương trình đơn giản như tính diện tích của một hình chữ nhật. Từ năm cấp 2, được tiếp xúc với máy tính nhiều hơn và Trung mê game đến độ có giai đoạn cúp tiết trốn học để chơi. “Khi tôi chơi game tôi thích cảm giác tự tay điều khiển đồ vật theo ý mình. Lập trình cũng cho tôi cảm giác tương tự. Tôi thích cảm giác viết ra các dòng lệnh, máy tính hoạt động theo sự ra lệnh của mình, thấy sự sáng tạo của mình trong đó giống như cảm giác khi chơi game.” Cấp 3, học chuyên tin đại học Quốc gia Hà Nội, Trung kể tuổi trẻ có “chút ngông cuồng” do xuất phát điểm sớm có thuận lợi nên “có lúc nghĩ mình vô đối”, có lúc “chơi game nhiều hơn học.”

Thích một môi trường học tập không quá vất vả, “có vốn sẵn mài ra để dùng,” Trung chọn đại học FPT còn vì một lý do khác là được tuyển thẳng, có học bổng toàn phần từ giải nhì học sinh giỏi tin học toàn quốc. Dù vậy, vào năm thứ hai Trung tuyên bố với gia đình nghỉ học vì tự tin đã đủ khả năng tự chủ về kinh tế với công việc lập trình. Sau ba năm lăn lộn khởi nghiệp với dự án Lozy – startup giao đồ ăn, Trung quyết định quay lại đại học FPT để hoàn thành chương trình học. “Khi ấy tôi không biết làm gì tiếp theo thì việc học tiếp là trách nhiệm cần hoàn thành với gia đình,” Trung thú nhận.

“Đại học FPT mở ra từ ý tưởng chúng tôi muốn xây dựng một đội quân mở rộng bờ cõi trí tuệ của đất nước, chúng ta có thể thành công không chỉ với hạt thóc gieo cấy trên cánh đồng mà có thể bằng chìa khóa công nghệ. Trung là một điểm sáng, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam,” ông Trương Gia Bình, chủ tịch tập đoàn FPT nhận xét.

Vậy kỹ sư công nghệ Gen Z của Việt Nam đang “chinh phục” thế giới ra sao? Xét riêng ngành game, một lĩnh vực kinh tế số mới lạ thậm chí chưa được quan tâm đúng mức, Việt Nam đang dần xác lập vị thế tầm khu vực. Chẳng hạn 5/10 game studio hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương do đội nhóm tại Việt Nam xây dựng, theo báo cáo của Newzoo, một công ty nghiên cứu ngành game. Ngoài những cái tên như Axie Infinity hay Flappy Bird nổi bật, đáng chú ý những năm qua có những cái tên khác như Amanotes chuyên thể loại game âm nhạc ở tốp đầu thế giới hay OneSoft với thể loại game bắn máy bay có thời điểm dẫn đầu lượt tải trên App Store và Google Play.

Trong buổi hội thảo trực tuyến mới đây về nhân lực trong ngành công nghệ, ông Phạm Hồng Quân, CEO Onesoft chi biết sự phát triển của ngành game Việt Nam trong 10 năm qua có thể chia thành bốn giai đoạn. Trước năm 2014, thị trường mới chỉ manh nha một vài game studio có sản phẩm phục vụ thị trường quốc tế. Sau đó, với hiện tượng Flappy Bird, giới lập trình game nhận được sự khích lệ tinh thần nhưng chất lượng sản phẩm vẫn còn bỏ ngỏ. Từ năm 2018 các game studio quy mô lớn tại Việt Nam được hình thành và bắt đầu đánh chiếm, công phá những bảng xếp hạng toàn cầu. Mới nhất, các game blockchain xuất hiện có thể vẽ lên tương lai mới của ngành game.

Trở lại với Axie Infinity, dù trở thành một hiện tượng nhưng giới phân tích vẫn chỉ ra nhiều vấn đề nhóm sáng lập phải vượt qua: Sự phổ biến ngày càng tăng của Axie Infinity đã gây áp lực lên mạng Ethereum, một mạng blockchain là xương sống của trò chơi buộc Sky Mavis phải nâng cấp các giải pháp mở rộng quy mô để cung cấp luồng giao dịch nhanh, rẻ và liền mạch. Khi người chơi có thể lấy các vật phẩm và bán chúng trên các sàn giao dịch theo giá thị trường, nhà phát hành phải từ bỏ quyền kiểm soát nền kinh tế trong trò chơi và điều này gây thách thức đến sự phát triển ổn định. Các trò chơi thường có tuổi thọ khá ngắn khi số lượng người tham gia Axie Infinity để kiếm lợi nhuận, các nhà phát triển cần tìm ra chìa khóa đảm bảo rằng trò chơi hấp dẫn lâu dài ngay cả khi thị trường tiền số bước vào mùa đông lạnh lẽo.

Axie Infinity gây sốt, Trung nghĩ gì và định làm gì tiếp theo? Trung cho biết có nhiều dự án khác để xây dựng cộng đồng Axie phát triển đa dạng và mở rộng biên giới hơn nữa đúng như tên gọi Infinity – vô cực. Từ chối tiết lộ tỉ lệ sở hữu tại Sky Mavis và nói không quá quan tâm đến tài sản gia tăng từ tiền số, Trung nói thông qua trò chơi muốn cộng đồng quan tâm, biết nhiều hơn nữa đến blockchain, công nghệ anh đã từng thiếu thiện cảm.

“Mọi trò chơi là mở đầu cho phát triển công nghệ,” Trung khẳng định và dẫn chứng đơn giản các trò chơi Minesweeper, Solitate cài sẵn trong máy tính giúp người chơi thành thục thói quen nhấp, nhả chuột trong hệ điều hành Windows hay sau này các trò chơi Angry Bird, Candy Crush giúp trẻ em dùng thuần thục thao tác kéo thả trên màn hình cảm ứng. Theo Trung, qua trò chơi những khái niệm mới mẻ như blockchain hay NFT sẽ trở nên dễ hiểu hơn với tất cả mọi người. “Công nghệ mới là thứ khá khó hiểu ban đầu khi tiếp cận với số đông nhưng nó sẽ dễ hiểu hơn nếu thông qua trò chơi,” Trung nói.

Forbes Việt Nam

Ý kiến bạn đọc