Tình yêu thơ ca không đứt đoạn

VHO- Nguyên tiêu Nhâm Dần 2022 là năm thứ 3 liên tiếp Ngày Thơ Việt Nam không thể tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhưng để dòng chảy của thơ ca không đứt gãy, nhiều nhà văn, nhà thơ đã lạc quan tự tạo ra Ngày Thơ theo cách của riêng mình...

Tình yêu thơ ca không đứt đoạn - Anh 1

 Buổi livestream giao lưu trong Ngày Thơ Việt Nam năm 2021 do nhà thơ Hữu Việt khởi xướng

Gần hai thập niên qua, Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng luôn là một hoạt động văn hóa lớn, là món quà tinh thần quý giá được công chúng yêu thơ trông đợi. Năm nay, do dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, BCH Hội Nhà văn Việt Nam đã có văn bản đề nghị Tỉnh ủy, UBND, Hội Văn học nghệ thuật của các tỉnh thành, dựa trên tình hình cụ thể ở địa phương mình để có phương án tổ chức Ngày Thơ Việt Nam năm 2022 với chủ đề Hãy sống và hy vọng phù hợp và an toàn nhất.

Có lẽ vì thế mà không khí sinh hoạt thơ ca những ngày đầu năm có phần trầm lắng hơn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, có rất nhiều ý kiến đề xuất tổ chức trực tuyến Ngày Thơ Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, BCH Hội sẽ tổ chức Ngày Thơ bằng các hình thức khác trên các phương tiện cho phép. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta không thể tổ chức được Ngày Thơ Việt Nam ở không gian Văn Miếu linh thiêng, nhưng tình thế khó khăn này đã cho chúng ta thấy được sức mạnh của thi ca ở không gian rộng lớn hơn, đó là sức lan tỏa trong mỗi con người yêu thơ và trải dài trên khắp cùng đất nước… Chúng ta hoàn toàn có thể livestream đọc thơ, đăng tải những bài thơ lên mạng xã hội vào đúng ngày Rằm tháng Giêng như một cách sẻ chia tình yêu với thơ ca, đảm bảo tinh thần lễ hội của thơ ca không đứt đoạn cũng như làm cho những người yêu thơ cảm thấy ấm lòng hơn. Và tôi cũng tin rằng, sẽ có nhiều hơn nữa những người yêu thơ có thể tiếp cận ngày một gần hơn với thơ ca dân tộc”.

Vào Ngày Thơ Việt Nam năm 2021, buổi livestream giao lưu với công chúng do nhà thơ Hữu Việt khởi xướng với sự góp mặt của các gương mặt thơ trẻ như: Nguyễn Quang Hưng, Lữ Mai, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Văn Học, Hoàng Đăng Khoa, Khúc Hồng Thiện, Nguyễn Kim Nhung, Khánh Vân, Võ Hà... và gương mặt thơ thiếu nhi Đoàn Lữ Thụy Phương đã mang lại nhiều cảm xúc và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành người yêu thơ. Nhớ về kỷ niệm đặc biệt này, nhà thơ Hữu Việt tâm sự: “Rất nhanh chóng sau khi được phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook, buổi trò chuyện đã thu hút hàng nghìn lượt xem và bày tỏ cảm xúc. Dù diễn ra qua màn ảnh nhỏ nhưng hoạt động đó đã cho thấy, ở hoàn cảnh khó khăn thế nào thì tinh thần thi ca và tình yêu đối với thi ca không bao giờ bị mai một”.

Nhà thơ trẻ Lữ Mai bộc bạch: “Ngày Thơ Việt Nam là một mảng đời sống tinh thần, không đơn thuần chỉ là những kỷ niệm, mỗi khi nghĩ về những năm tháng ấy (mà thực ra là mỗi năm chỉ có 90 phút thăng hoa trước sân Thái Miếu - Quốc Tử Giám), tôi lại như được lật giở cuốn album ảnh cá nhân lưu giữ những rung động đẹp và tràn đầy cung bậc cảm xúc”. Ở thời điểm hiện tại, tuy Ngày Thơ tại Hà Nội sẽ không tổ chức tại một không gian cụ thể nhưng với những tiện ích công nghệ, tất cả mọi người đều có thể chia sẻ những câu chuyện về thơ ca trên nền tảng các mạng xã hội. Và đây cũng là cách thức để khẳng định Ngày Thơ đã đi vào trong đời sống thường nhật, trong văn hóa thường ngày”. 

 VŨ MỪNG

Ý kiến bạn đọc