Hương vị bánh đa Kế

VHO- Nói đến món bánh đa nướng thơm ngon có tiếng thì bánh đa Kế Bắc Giang chính là cái tên nổi tiếng nhất. Những chiếc bánh đa Kế tròn trĩnh giòn tan với hương vị bùi lạ từ lâu đã trở nên thân thuộc với nhiều người, đặc biệt là với người dân phía Bắc.

Hương vị bánh đa Kế - Anh 1
             

Khi khám phá ẩm thực ở Bắc Giang, bánh đa Kế chính là một trong những món ăn được người dân bản địa khuyên du khách nên nếm thử nhất.
Với những ai đã có dịp đến với Bắc Giang và đi ngang qua khu vực quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Dĩnh Kế hẳn sẽ rất bất ngờ với hình ảnh những hàng dài bánh tráng được phơi nắng hai bên đường. Đây là món ăn đặc sản rất nổi tiếng và là niềm tự hào bao đời nay của người dân nơi đây.
Xã Dĩnh Kế của thành phố Bắc Giang có tổng cộng là 11 thôn nhưng có đến hơn nửa làm bánh đa, trong đó bánh đa của ngôi làng cổ có tên gọi làng Kế và nổi tiếng hơn cả bởi hương vị độc đáo và thơm ngon không giống với bất cứ nơi đâu.
Người ta cũng quen miệng gọi bánh đa của nơi đây là bánh đa Kế Bắc Giang. Người dân ở Dĩnh Kế làm bánh đa quanh năm và đặc biệt thời điểm nhộn nhịp nhất là những lúc nông nhàn, khi vụ mùa qua đi hoặc cận tết.
Ban đầu nghề làm bánh đa chỉ là một nghề phụ, dần dần làm bánh đa đã trở thành nghề chính của người dân. Nhiều hộ gia đình khấm khá lên nhờ bánh đa, từ đó họ gắn bó và say mê với mòn quà quê rất đỗi quen thuộc này.

Hương vị bánh đa Kế - Anh 2
         
Bánh đa Kế có từ lâu đời, là một sản phẩm truyền thống chứa đựng sự công phu, khéo  léo và tinh tế của người dân. Làm bánh theo kiểu của người Kế thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng thực ra lại đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Nguyên liệu chính để làm bánh đa Kế là gạo, phải chọn loại gạo ngon, để lâu ngày, khi ấy nhựa gạo chuyển hoá thành một dạng thức khác, nó cô đọng và hoà tan vào những hạt gạo trắng trong.
Công đoạn tráng bánh cũng lắm công phu. Nhìn thì có vẻ như việc tráng bánh đa Kế không khác tráng bánh cuốn là mấy, có điều tráng bánh đa phải dầy hơn, độ chín của bánh đa cũng cần phải kỹ càng hơn. Điều đặc  biệt là ở bánh đa Kế, người ta tráng bánh hai lần. Lần đầu khi bánh chín rồi nhưng còn ướt, họ vẫn để bánh trên mặt miếng vải ấy, rồi lại tiếp tục đổ thêm một lượt bột lên trên đợi đến khi chín mới đưa ra. Bánh được tráng hai lần sẽ bảo đảm độ dầy dặn.
Khi phơi bánh đa, người làng Kế đặt lên trên những tấm phên đan bằng nứa, phên phải phẳng phiu, kích thước không  được nhỏ hơn bánh đa khi mang từ khuôn ra. Khi bánh se mặt và vẫn còn dẻo, phải kịp thời gỡ bánh cho khỏi dính vào phên tránh bị vỡ, hoặc thủng, rồi mới lật bánh sang mặt bên kia và phơi tiếp cho đến khô. Khi khô bánh được bảo quản  rất cẩn thận. Ngày xưa người ta để bánh vào nơi thoáng mát, cao ráo để tránh ẩm, nay thường xếp bánh vào túi ni lông buộc chặt.
Trước khi bánh đa Kế đến với người dùng còn phải thông qua khâu nướng bánh. Đây là công đoạn cuối cùng, phức tạp và cũng đòi hỏi sự tinh tế, kinh nghiệm.
Thưởng thức bánh đa Kế Bắc Giang không chỉ đơn thuần là ăn một món đặc sản thông thường mà đó là thưởng thức một thứ ẩm thực truyền thống tinh hoa, một món ăn gợi nhớ đến truyền thống ẩm thực Bắc Bộ, gợi nhớ về hình ảnh những phiên chợ quê của vùng trung du và gợi nhớ về cả một thời tuổi thơ nghèo khó nhưng tràn đầy niềm vui với món ăn dân dã này. Những chiếc bánh đa có vị bùi, ngọt, giòn và thơm lừng. Từng miếng bánh đa giòn tan trong miệng khiến ta có cảm giác như hương vị quê hương đang dạt dào theo tiết tấu âm thanh quen thuộc mà đáng quý biết nhường nào. Hương vị của miếng bánh đa Kế là hương vị của quê hương xứ sở, là công sức cha ông đã hun đúc và sẽ còn mãi với thời gian.

 LÊ THUÝ HẰNG

Ý kiến bạn đọc