Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Làm điểm, nhân rộng những mô hình tiêu biểu

Thứ Sáu 11/02/2022 | 10:47 GMT+7

VHO- Năm nay ngành VHTTDL tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và tổ chức cán bộ, khẳng định tầm quan trọng của hai nội dung nền tảng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn ngành.

Trong năm 2022, một trong những nhiệm vụ được toàn ngành tập trung thực hiện là xây dựng hệ sinh thái văn hóa, tạo môi trường văn hóa từ cơ sở, làm điểm rồi nhân rộng. Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa cần được coi là một trong những yêu cầu có tính chất sống còn để thực hiện công cuộc chấn hưng văn hóa.

 

 Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh thiết thực; ảnh minh họa

Nhiều mô hình thiết thực

Tuy nhiên, môi trường văn hóa rất rộng, nên cần tiếp cận theo hướng làm điểm để nhân rộng. Vì vậy, năm 2022, chọn môi trường văn hóa cơ sở, lấy khu phố, làng bản là nơi tác nghiệp của toàn ngành. Trong đó, cần chú trọng tính đặc thù của văn hóa từng vùng, miền.

Theo Cục Văn hóa cơ sở, năm 2021, trong bối cảnh chung bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, công tác văn hóa cơ sở ở Trung ương và địa phương đã nỗ lực vượt qua thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Từ góc nhìn xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở tạo động lực chấn hưng phát triển nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương chia sẻ, môi trường văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc phải bắt đầu từ cơ sở với hạt nhân là gia đình, làng, bản, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp… Môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, tạo nên thế và lực của quốc gia trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, trong đó con người được xác định là chủ thể.

Đối với quá trình xây dựng và phát triển con người, môi trường văn hóa có vai trò rất quan trọng. Đó là nơi con người hoàn thiện, vun đắp, hình thành nhân cách với những đức tính, phẩm chất tốt đẹp. Đối với nền văn hóa quốc gia dân tộc, môi trường văn hóa chính là nơi các hệ giá trị - yếu tố cốt lõi của bản sắc dân tộc - được hình thành, gìn giữ, kế thừa và phát huy. “Môi trường văn hóa không chỉ là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc mà còn là nơi để khơi nguồn cảm hứng, sáng tạo những giá trị mới; đồng thời, là nơi để tiếp nhận những giá trị ngoại sinh, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…”, bà Hương nhấn mạnh. Đối với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, môi trường văn hóa thể hiện chiều sâu văn hóa của dân tộc, góp phần định hướng, điều chỉnh các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại theo hướng nhân văn, vì hạnh phúc của con người, vì sự cường thịnh, phồn vinh của đất nước.

Bà Hương cũng cho biết, trong những năm qua, ngành văn hóa đã tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, Chương trình, đề án nhằm xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa. Các phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa được triển khai rộng khắp, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã có những cách làm hay, thiết thực, hiệu quả trong xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa như: Phong trào “5 không, 3 sạch”; “Tiếng Kẻng an ninh”; Mô hình đám cưới tập thể; Tổ hòa giải ở cơ sở; Mô hình giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…

Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, các hội thi hội diễn văn nghệ, thể thao quần chúng được các cơ quan, đơn vị tổ chức, tạo sân chơi bổ ích cho người dân, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội đã đi vào nề nếp, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã được các cấp, các ngành quán triệt thực hiện toàn diện, không chỉ làm thay đổi diện mạo, cảnh quan, môi trường mà chất lượng đời sống của người dân cũng được cải thiện, nâng cao với những cơ hội, điều kiện về giáo dục, y tế, vui chơi, giải trí ngày càng được đáp ứng đầy đủ.

Khắc phục những bất cập

Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng môi trường văn hóa còn bộc lộ những bất cập, hạn chế. Bà Hương cho biết, nhận thức về mục đích, ý nghĩa xây dựng môi trường văn hóa của cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa sâu sắc, toàn diện, nhất là gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cá biệt, ở một số địa bàn cơ sở còn có hiện tượng cho rằng việc xây dựng môi trường văn hóa là của ngành Văn hóa, dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, cảnh quan môi trường bị ô nhiễm, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn...

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa tại cơ sở chưa diễn ra thường xuyên; chưa phát huy được ý thức tự nguyện, tự giác của nhân dân nhằm tạo tiền đề và sức mạnh tổng hợp xây dựng môi trường văn hóa phát triển bền vững. Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn; đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; các nguồn lực đầu tư cho văn hóa trong những năm qua chưa tương xứng với vị thế của văn hóa…

Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương cho biết, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc về xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở tạo động lực chấn hưng phát triển nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Đó là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 76/KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

Cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc để đưa vào Kế hoạch hàng năm, giai đoạn; quán triệt tổ chức thực hiện hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng môi trường văn hóa thành hệ thống luật pháp, chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi những thông tin xấu độc, nhất là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc trên Internet và mạng xã hội.

Bà Hương nhấn mạnh, xây dựng môi trường văn hóa cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đó, phải có sự thống nhất giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cũng như sự phân công trách nhiệm trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương tiêu biểu, những cách làm hay, sáng tạo, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng môi trường văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp.

Mặt khác, cần có chính sách khuyến khích sự tham gia của người dân trong xây dựng môi trường văn hóa, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt, để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. 

 HÀ PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top