Tiêm vắc xin covid-19 cho trẻ: Đừng lo thái quá

VHO- Việt Nam đang trong lộ trình triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi trong quý I và quý II năm 2022. Các bậc phụ huynh đang rất quan tâm khi tiêm vắc xin cho lứa tuổi này, và kết quả khảo sát trực tuyến mới đây cho thấy có tới 60,6% phụ huynh đồng ý tiêm.

Tiêm vắc xin covid-19 cho trẻ: Đừng lo thái quá - Anh 1

Trẻ 5-11 tuổi sẽ được tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại các điểm tiêm chủng tương tự như chiến dịch tiêm cho các trẻ từ 12-17 tuổi

 Loại vắc xin mà Bộ Y tế cấp phép tiêm cho trẻ em 5-11 tuổi là của hãng Pfizer. Theo hướng dẫn của hãng, trẻ từ 5-11 tuổi sử dụng vắc xin với liều 10 mcg, bằng một phần ba so với người lớn và thanh thiếu niên. Liều thứ hai tiêm ít nhất 8 tuần sau liều đầu tiên. Trẻ em 5-11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone, do đó ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm.

Gần như không có phản ứng phụ bất lợi

TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, tiêm cho trẻ em liều như trên gần như không có các phản ứng phụ bất lợi nên được đánh giá là mũi tiêm an toàn. Bởi vì về nguyên tắc, khi thử nghiệm lâm sàng thuốc và vắc xin, các nhà nghiên cứu sẽ dò liều nào thấp nhất nhưng vẫn sinh miễn dịch tối ưu, tức là miễn dịch phải đủ tốt để bảo vệ. “Đặc biệt, với liều tiêm 10 mcg ở trẻ nhỏ, gần như không thấy trường hợp nào gặp phải vấn đề với cơ tim”, bác sĩ Thái nhận định.

Hiện trên thế giới có 44 quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin này, tuy nhiên chỉ có 17 quốc gia báo cáo với tổng số khoảng 12 triệu liều được tiêm. Báo cáo của các quốc gia cho thấy, ngoài sốt, sưng đau tại chỗ, mệt mỏi 1-2 hôm sau đó hết, các nước đã tiêm vắc xin cho đối tượng trẻ độ tuổi này không gặp biến cố bất lợi nào ghê gớm hay viêm cơ tim. Đó là lý do vì sao vắc xin được tiêm giảm liều một cách an toàn nhưng vẫn có hiệu lực bảo vệ. Có nhiều gia đình hiện đang do dự trước việc nên hay không nên tiêm cho con em mình ở độ tuổi nhỏ. Thậm chí, nhiều người cho rằng, khi trẻ em nhiễm Covid-19 như cúm thoáng qua, không có triệu chứng gì đặc biệt nên từ chối tiêm cho con. Tuy nhiên, theo TS Phạm Quang Thái, hiện nay những đánh giá về hội chứng hậu Covid-19 không chỉ xảy ra ở người lớn mà ngay cả trẻ em cũng gặp. Trẻ em khi nhiễm Covid-19 ít biến chứng nặng dẫn tới tử vong, nhưng những di chứng kéo dài liên quan Covid-19 khá phổ biến trên thế giới, ảnh hưởng tới sức học của trẻ em. Cạnh đó, trẻ em khi nhiễm Covid-19 có thể tiếp tục là nguồn lây nhiễm và lây cho người lớn, cho người không được tiêm. Đó là sự nguy hiểm của việc duy trì chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Riêng với trẻ béo phì, có bệnh nền, đây là đối tượng càng cần phải tiêm sớm, tiêm trước trong bệnh viện vì trẻ có nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc Covid-19. “Đó là lý do vì sao trẻ em nên được tiêm chủng vì những giá trị kéo dài tốt đẹp của tiêm vắc xin Covid-19, để chủ động bảo vệ sức khỏe trẻ và sớm trở lại cuộc sống bình thường”, bác sĩ Thái nói.

Người lớn đang lo ngại quá đáng

Trong khi đó, một số phụ huynh có con gần 12 tuổi băn khoăn rằng, nếu tiêm liều bằng 1/3 người lớn có đủ hiệu lực bảo vệ hay không, hay để con qua mốc 12 tuổi để tiêm liều người lớn? Trả lời vấn đề này, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc giải thích: Việc quy định tuổi chỉ mang ý nghĩa nhất định vì có những trẻ 10-11 tuổi đã phát triển tương đương trẻ 13-14 tuổi. Thực tế là liều 10 mcg đã có thể tạo ra miễn dịch ngay cả với trẻ lớn, ngoài ra, khi trẻ qua mốc 12 tuổi có thể được tiêm mũi tăng cường với liều như của người lớn.

Phần lớn tâm lý người lớn đang lo ngại quá đáng với liều vắc xin, trong khi nhiễm virus thật còn nguy hiểm hơn nhiều lần. Do đó, các bậc phụ huynh không nên do dự trước việc tiêm vắc xin Covid-19 cho con mình kể cả ở nhóm tuổi nhỏ. Cũng theo bác sĩ Thái, giai đoạn đầu tiêm cho trẻ 12-17 tuổi cũng “nhiễu” thông tin, có nhiều thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng tới tâm lý của phụ huynh và trẻ nhỏ khi tiêm. Sau đó, Bộ Y tế tiếp tục có những tập huấn để nhân viên y tế phân biệt rõ hơn giữa phản ứng do sợ hãi với phản vệ, làm giảm đi các trường hợp tưởng là sốc phản vệ nhưng thực tế chỉ là cảm giác sợ hãi, tâm lý khi tiêm.

Hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, quy trình xử lý sự cố trong quá trình tiêm chủng và theo dõi sau tiêm. Bộ Y tế đang tiếp tục tập huấn y tế các tuyến để bảo đảm an toàn cho trẻ trong tiêm chủng, tức là bất kỳ trẻ em nào cũng được theo dõi sức khỏe một cách cẩn trọng nhất. Trẻ 5-11 tuổi sẽ được tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại các điểm tiêm chủng tương tự như chiến dịch tiêm cho các trẻ từ 12-17 tuổi vừa qua. Cụ thể, những trẻ đi học được tiêm tại trường, trẻ không đi học được tiêm chủng tại trạm y tế. Đối với những trẻ có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính sẽ tiêm tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Các chuyên gia đã khuyến cáo về khả năng trẻ lây nhiễm từ trường học về gia đình, trong đó có thể lây cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin Covid-19 như người cao tuổi, trẻ nhỏ tuổi, phụ nữ mang thai... những đối tượng nguy cơ khác. Tại cuộc họp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cuộc chiến chống dịch Covid-19 đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân lên hàng đầu, đặc biệt trong đó là bảo vệ sức khỏe của trẻ em, nhất là khi trẻ em thuộc nhóm thể chất chưa phát triển toàn diện, trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh chưa được tiêm vắc xin. Nhóm đối tượng này chưa biết diễn đạt về triệu chứng bệnh, đòi hỏi kỹ năng chăm sóc khó hơn. 

 Trẻ em không như người lớn, sau tiêm có thể đau khóc hoặc mải chơi, dẫn tới khả năng thông báo cho người lớn về sức khỏe sẽ kém hơn. Do đó, khi tiêm cho trẻ, các nhân viên y tế cần cẩn trọng hơn, dặn dò gia đình theo dõi dấu hiệu triệu chứng sau tiêm.

(TS.BS PHẠM QUANG THÁI)

 NGUYỄN THẾ

Ý kiến bạn đọc