Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước

Thứ Năm 10/02/2022 | 19:39 GMT+7

VHO-Phát biểu tại Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường, do Bộ GD&ĐT tổ chức vào chiều 10.2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần chú trọng phát triển giáo dục thể chất, thể thao trong trường học; có hướng dẫn về dinh dưỡng khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi, vùng miền; ưu tiên phân bổ kinh phí hàng năm để thực hiện Chương trình trên tinh thần đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho sự phát triển, cho tương lai của đất nước.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cùng đại diện các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương cùng lãnh đạo các địa phương tại 63 điểm cầu trên cả nước; đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giai đoạn 2022-2026

Cần quyết tâm hành động mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa

Trước đó, ngày 2.10.2021, Chính phủ đã ban hành quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh thông qua việc duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt.

Tại Lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe trẻ em, học sinh, thế hệ tương lai của đất nước bước đầu đã đi vào nề nếp và ngày càng có chất lượng. Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT thực hiện tốt vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cá nhân, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu của Chương trình. Đặc biệt chú trọng việc nâng cao năng lực chuyên môn; thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về vấn đề chăm sóc Sức khỏe học đường. Cùng với đó, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ VHTTDL, UBND các tỉnh, thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng Chương trình Sức khỏe học đường nói riêng và các chương trình, dự án bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, HSSV nói chung trên tinh thần huy động sức mạnh của cộng đồng để dành những gì tốt nhất cho trẻ em.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố

Nhắc lại sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thế hệ tương lai của đất nước, Thủ tướng cho rằng một năm khởi đầu từ mùa xuân mà mùa xuân là khởi đầu của tuổi trẻ, “trẻ em như búp trên cành”, trong những năm qua Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung và sức khỏe học đường nói riêng. Thủ tướng cũng vui mừng vì trong những năm qua thể lực, tầm vóc của người Việt Nam không ngừng được cải thiện nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp, các cá nhân, từng gia đình, nhà trường. Năm 2020 chiều cao của người Việt Nam cải thiện đáng kể, chiều cao của nam trung bình là 1,681cm tăng 3,7cm; nữ đạt 1,562m, tăng 2,6cm so với 10 năm trước đây. Nếu so với thời điểm 20 năm trước, chiều cao của nam tăng 4,4cm và nữ là 3,6cm… Thủ tướng ghi nhận đó là sự nỗ lực lớn, là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc chung tay vì sức khỏe của người Việt. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng trăn trở về những khó khăn thách thức trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, nhất là do tác động của đại dịch Covid-19. Lấy dẫn chứng sinh động khi có nơi trẻ em còn chưa được an toàn không chỉ bên ngoài xã hội mà còn ngay trong chính gia đình, tình trạng bạo lực học đường tiếp diễn, nhiều vụ việc đau lòng xảy ra, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, trò chơi trực tuyến làm giảm sự quan tâm và kỹ năng sống của trẻ em, nhiều học sinh còn gặp những vấn đề về sức khỏe tâm thần, tăng cân, béo phì, thiếu dinh dưỡng, còi cọc, công tác giáo dục thể chất trong trường học còn chưa được như mong muốn, trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn chịu nhiều thiệt thòi... Thủ tướng mong muốn, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng các Bộ nghiên cứu để làm sao có thể dùng lịch sử, văn học nghệ thuật, các hoạt động ngoại khóa nhằm chuyển tải kiến thức một cách sinh động. 

“Làm sao để có những bài hát, bản nhạc, điệu múa phù hợp với lứa tuổi, dễ nhớ, dễ nghe, dễ làm theo để các em có thể học tập, làm cho đời sống tinh thần phong phú”, Thủ tướng nói và yêu cầu các Bộ, ngành nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, tìm ra giải pháp, đẩy mạnh truyền thông để chăm sóc toàn diện cho các em, cả về thể chất lẫn tinh thần. Thủ tướng cũng khẳng định trách nhiệm chăm sóc sức khỏe học đường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nên chúng ta phải hành động quyết tâm hơn, mạnh mẽ, hiệu quả hơn để mỗi ngày đến trường với các em là một ngày vui, các em được bảo vệ, chăm sóc toàn diện, tránh khỏi những tác động của đại dịch Covid-19. Thủ tướng cũng mong muốn toàn xã hội nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các em, xác định việc rèn luyện thể chất là sức khỏe hằng ngày, có chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý...

Tạo ra sức mạnh tổng hợp từ các chương trình phối hợp

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong thời gian qua dưới sự điều hành của Chính phủ, theo chức năng được giao, Bộ GD&ĐT, Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa giáo dục, tập trung vào lứa tuổi thanh, thiếu niên, các em HSSV, những “mầm xanh” “chủ nhân tương lai” của đất nước. 

“Vì vậy chúng tôi ý thức đầy đủ rằng, việc ký kết Chương trình phối hợp để tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và cho biết Bộ cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để triển khai nghiêm túc, có chất lượng Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2025, cụ thể hóa nhiệm vụ từng năm theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và sơ kết, đánh giá để thực hiện kết quả năm sau cao hơn năm trước với mục tiêu kết quả thực hiện năm sau phải tốt hơn năm trước. 

Đồng thời Bộ trưởng đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, phối hợp, đồng hành cùng chủ đề năm công tác của Bộ VHTTDL  là năm văn hóa cơ sở để xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường để trường học trở thành trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng phẩm chất, nhân cách, lối sống, giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ, bồi dưỡng về lòng tự hào dân tộc tôn vinh lịch sử văn hóa dân tộc, giáo dục nghệ thuật, nâng cao nâng lực thẩm mỹ, nâng cao thể lực tầm vóc cho các em.

  

Đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, phối hợp, đồng hành cùng chủ đề năm công tác của Bộ VHTTDL  là năm văn hóa cơ sở để xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường để trường học trở thành trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng phẩm chất, nhân cách, lối sống, giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ, bồi dưỡng về lòng tự hào dân tộc tôn vinh lịch sử văn hóa dân tộc, giáo dục nghệ thuật, nâng cao nâng lực thẩm mỹ, nâng cao thể lực tầm vóc cho các em”. 

(Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng) 

Báo cáo về Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực trạng tình hình sức khỏe, bệnh tật của trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục tại Việt Nam; những khó khăn, hạn chế trong việc phối hợp triển khai lồng ghép các Chương trình, Đề án về cải thiện sức khỏe, thể lực và tầm vóc cho trẻ em, học sinh, Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ VHTTDL và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể về Sức khỏe học đường, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có chương trình bữa ăn học đường thay thế chương trình sữa học đường do Bộ Y tế thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2021. 

“Mục tiêu Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 hướng đến là duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh. Chương trình đề ra 5 nhóm nội dung quan trọng, tương ứng với đó là các chỉ tiêu cụ thể và 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp tích cực”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói. Với Chương trình này 22 triệu học sinh (tương đương 25% dân số Việt Nam) sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học, giảm bớt gánh nặng của bệnh tật cho gia đình và toàn xã hội, cải thiện tầm vóc, chất lượng giống nòi.

THU SÂM; ảnh: TRẦN THANH HẢI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top