Khoảng lặng ở mùa lễ không có hội

VHO- Những lễ hội dịp xuân Nhâm Dần tiếp tục đi qua trong lặng lẽ. Đây cũng không phải là năm đầu tiên người dân chứng kiến quang cảnh những di tích im lìm đóng cửa, những lễ hội vốn đông đúc nay trở nên quạnh vắng. Hàng chục lễ hội lớn nhỏ thông báo tạm dừng, chỉ thực hiện các nghi lễ tâm linh truyền thống.

Khoảng lặng ở mùa lễ không có hội - Anh 1

Do không tổ chức khai hội nên vào ngày 6 tháng Giêng, sân Thiên Trù (chùa Hương, Hà Nội) vắng bóng du khách thập phương Ảnh: VŨ HIỆP

Dường như, những mùa lễ không có hội như thế này đang tiếp tục tạo nên những khoảng lặng cần thiết cho sự tĩnh tâm trong mỗi con người. Và khoảng thời gian người người đổ về lễ hội cũng có thể thích ứng để hình thành nên những thói quen mới, những sự quan tâm mới.

Siết chặt quản lý lễ hội

Đã đến mùa xuân thứ ba, nhiều lễ hội lớn, di tích trọng điểm rơi vào tình cảnh vắng lặng. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tiếp tục được siết chặt. Nhiều tỉnh, thành phố đã hạn chế đến mức thấp nhất hoặc dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, đóng cửa các di tích, cơ sở thờ tự, tôn giáo, tránh tập trung đông người nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trên địa bàn Hà Nội, hàng loạt lễ hội lớn như lễ hội chùa Hương, hội Gò Đống Đa, hội Gióng đền Sóc… tạm dừng tổ chức.

Là một trong những lễ hội trọng điểm ở miền Bắc, sau nhiều lần “đóng - mở” ở mùa lễ hội trước, năm nay, huyện Mỹ Đức, BQL Di tích và Danh thắng Chùa Hương tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tạm dừng tổ chức lễ hội. Sáng mùng 6 tháng Giêng, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức cùng đại diện nhân dân địa phương thành kính dâng hương tại chùa Thiên Trù. Đây cũng là năm thứ hai, chùa Hương không mở hội theo truyền thống, chỉ thực hiện các hoạt động cầu cho quốc thái dân an vào ngày “chính hội”, bảo đảm nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng mà vẫn hạn chế thấp nhất những nguy cơ về dịch.

BQL di tích cho biết, ngay từ cổng vào và các khu vực quanh di tích đều có những chốt, lực lượng ứng trực, nhắc nhở, vận động người dân và du khách chấp hành nghiêm các quy định. Khu vực suối Yến không còn cảnh đò xếp hàng chờ đón khách; hàng quán khu vực đền Trình và chùa Thiên Trù, đường lên động Hương Tích quây bạt. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, địa phương và BQL Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn được yêu cầu tiếp tục tuyên truyền đến nhân dân và du khách việc tuân thủ các quy định. Thông báo dừng lễ hội được niêm yết công khai tại đường vào di tích.

Thông tin huyện Mỹ Đức tạm dừng lễ hội chùa Hương, không tổ chức đón khách được truyền thông rộng rãi từ trước Tết. Nhưng theo BQL di tích thì từ đầu năm, một số du khách vẫn tìm về chùa Hương với mong muốn được vào bên trong lễ bái. BQL đã tổ chức tuyên truyền về việc dừng lễ hội, không đón khách tham quan. Vì vậy, nhiều du khách đến chùa Hương phải quay về. Cũng trên địa bàn TP Hà Nội, lễ hội Gò Đống Đa, hội Gióng đền Sóc, đền Cổ Loa, đền Hai Bà Trưng... đều tạm dừng tổ chức. Những di tích này hằng năm đều tổ chức lễ hội lớn, thu hút đông người về chiêm bái, thực hành các nghi lễ tâm linh. Việc siết chặt quản lý lễ hội tiếp tục được tăng cường, thông qua việc duy trì tuyên truyền vận động cũng như lập tổ kiểm tra, giám sát, nhắc nhở.

Khoảng lặng ở mùa lễ không có hội - Anh 2

Khoảng lặng ở mùa lễ không có hội - Anh 3

Người dân khi tới lễ chùa tham quan phải đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn và được yêu cầu đeo khẩu trang

Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), thông tin từ các địa phương cho biết, mùa lễ hội năm nay nhiều địa phương đã sớm quyết định dừng tổ chức hoặc thu nhỏ quy mô hoạt động phần hội. Tại Khu di tích Yên Tử, lượng khách đến tham quan, hành hương và chiêm bái tăng nhiều so với hai năm qua, cho thấy tín hiệu phục hồi khả quan sau hai năm dịch Covid-19 căng thẳng. Tuy nhiên, thực hiện các Công điện, Chỉ thị từ Chính phủ, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Quảng Ninh, BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử không tổ chức khai hội Yên Tử vào mùng 10 tháng Giêng như thông lệ. Không mời đại biểu tới dự, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh thực hành nghi lễ tâm linh vào mùng 10 tháng Giêng. Các hoạt động phần hội như văn nghệ, trò chơi đều giảm bớt.

Tại Đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định), Trưởng BQL Khu Di tích Đền Trần - Chùa Tháp Nguyễn Đức Bình cho biết, đêm khai ấn tối 14, rạng sáng ngày Rằm tháng Giêng cũng sẽ tổ chức các nghi lễ tâm linh truyền thống, do các cụ Từ nhà đền thực hiện, không có khách mời. Các hoạt động phần hội thu hút đông người sẽ không tổ chức. BQL Khu Di tích và Nhà đền cũng đã chuẩn bị các phương án nhằm chuyển đến nhân dân có nhu cầu những cánh lộc ấn đầu năm bằng hình thức phù hợp.

Khoảng lặng và sự thích ứng

Nhu cầu đến với các lễ hội hay đi lễ tại các đền, chùa, phủ dịp đầu năm ở thời điểm đại dịch Covid-19 chưa ập đến ngày một tăng cao. Trụ trì một ngôi chùa nhỏ tại phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, từ hai, ba mùa lễ hội gần đây, sân chùa luôn vắng lặng. Chỉ một số ít Phật tử đến vái vọng trước cổng chùa, nguyện cầu bình an trong năm mới.

Đi lễ không chỉ là nét văn hóa lâu đời mà còn là nhu cầu tâm linh của rất nhiều người dân. Người dân thành tâm đến với đền, chùa là để thấy tâm an, để tìm thấy nhiều hơn niềm tin và năng lượng tích cực trong cuộc sống. Bởi thế, mặc dù các lễ hội, di tích phần lớn đều đóng cửa nhưng ở không ít di tích, đình, đền, chùa…, chúng ta vẫn có thể bắt gặp quang cảnh người người đứng vái vọng, mong cầu bình an cho năm mới. Những ngày đầu năm, đến với các di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, đền Ngọc Sơn, Phủ Tây Hồ, cụm di tích Đình - Chùa - Bia Bà La Khê… đều có thể dễ dàng quan sát thấy hàng trăm người đứng bên ngoài vái vọng. Bà Ngô Thị Oanh (phố Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) bộc bạch, năm nào cũng vậy, đến ngày mồng 5 Tết là cả gia đình đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Phủ Tây Hồ để chiêm bái, nguyện cầu mọi điều tốt đẹp, cùng nhau xin chữ đầu Xuân. Nhưng năm nay các di tích đều đóng cửa, bà đại diện gia đình đến hai di tích để vái vọng, nguyện cầu bình an, sức khỏe để vượt qua đại dịch.

Khoảng lặng ở mùa lễ không có hội - Anh 4

Hàng quán tại chùa Hương (Hà Nội) quây bạt, đóng cửa. Ảnh chụp ngày 6 tháng Giêng Ảnh: VŨ HIỆP

Theo ghi nhận, tại nhiều điểm di tích lớn có mở cửa dịp đầu năm mới Nhâm Dần 2022 như Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), chùa Mía (Đường Lâm, Sơn Tây) hay Yên Tử (Quảng Ninh)…, người dân khi tới lễ chùa, tham quan đều được BQL yêu cầu thực hiện nguyên tắc 5K, đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang để phòng dịch. Dẫu vậy, thực tế việc người dân khi không thể đi lễ hội, đến với các cơ sở thờ tự như nhiều năm trước đây chắc chắn đã ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của người dân. Theo nhiều chuyên gia văn hóa, việc đi lễ đầu năm giúp cho chúng ta có tâm an, hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ, giúp giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc. Thế nhưng, do tất cả đều là niềm tin tâm linh, tín ngưỡng, mang tính chủ quan và trải nghiệm cá nhân nên chúng ta có thể thay đổi những hình thức thực hành tín ngưỡng sao cho phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại.

Bên cạnh khía cạnh tích cực, trong nhiều năm qua, việc đi lễ đầu năm cũng đã gây nên một số phàn nàn khi nhiều người bỏ bê công việc, tốn kém tiền bạc, tụ tập say sưa, là điều kiện để phát sinh các hoạt động mê tín dị đoan. Một số ít cơ sở thờ tự thậm chí đã lợi dụng đức tin của người dân để trục lợi. Bởi thế, những mùa lễ không hội, ngoài mục tiêu phòng dịch thì còn là khoảng lặng cần thiết để tự thân mỗi người chấn chỉnh lại văn hoá đi lễ của mình. Trong bối cảnh cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn phòng, chống dịch Covid-19 thì hành vi đi lễ của người dân cũng cần thể hiện trách nhiệm đạo đức với xã hội. “Mặc dù gia đình tôi năm nào cũng có những chuyến hành hương về các miền đất Phật như chùa Hương, Yên Tử cùng nhiều di tích khác nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi đã tự điều chỉnh thói quen và nhu cầu để thích ứng. Khoảng thời gian dành cho việc đến các di tích, đình, chùa lễ bái đầu năm được chuyển sang nhiều hơn cho các hoạt động chung khác của cả gia đình”, anh Nguyễn Thành Trung (KĐT Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.

Giới chuyên gia văn hóa còn cho rằng, trong khoảng lặng cần thiết này, mỗi người cũng sẽ tự thức tỉnh trong chính mình những giá trị thiêng liêng khác. Sẽ có một mùa lễ hội khác trong tâm của mỗi con người, sẽ có những cách nguyện cầu bình an mà không nhất thiết phải đến từng di tích, đền, chùa. Trong khoảng lặng đó, con người sẽ quan tâm đến nhau nhiều hơn, lắng nghe nhau nhiều hơn, chia sẻ và quan tâm đến nhau nhiều hơn. 

 NGÂN ANH

 

Ý kiến bạn đọc