Học sinh trở lại trường sau Tết Nguyên đán: Mừng - lo xen lẫn

VHO- Có khoảng trên 75% số học sinh các cấp từ tiểu học đến THPT trên toàn quốc đã trở lại trường học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Học sinh trở lại trường sau Tết Nguyên đán: Mừng - lo xen lẫn - Anh 1

 Công tác vệ sinh, lau chùi, khử khuẩn được các trường tiến hành kỹ lưỡng từ trước khi nghỉ Tết

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 7.2, 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh mầm non và tiểu học đi học trực tiếp ngay trong tháng 2.2022. Trong đó, có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp rải rác từ ngày 7 - 14.2. 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS đi học trực tiếp trong tháng 2.2022. Trong đó có 57/63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh THCS đi học trực tiếp từ ngày 8.2. Tương tự, 63/63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh THPT đi học trực tiếp vào 7.2. 100% cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ ngày 14.2. Chỉ tính ngày 7.2, cả nước đã có trên 17 triệu học sinh và trẻ mầm non đến trường học trực tiếp.

Cần phụ huynh đồng thuận

Trước đợt nghỉ Tết Nguyên đán, tất cả các trường học đã thực hiện biện pháp phòng dịch như phun khử khuẩn, tổng vệ sinh, bổ sung trang thiết bị y tế. Nhiều trường học tại Hà Nội và một số thành phố lớn đã thực hiện diễn tập việc đón học sinh đảm bảo phân luồng, giãn cách và đo thân nhiệt cho các em trước giờ học.

Hà Nội là một trong vài địa phương cuối cùng có lịch cho học sinh trở lại trường theo hướng mở dần ở từng khối lớp, bắt đầu trước ở 18 huyện, thị xã khu vực ngoại thành, rồi tiếp đến 12 quận nội thành. Theo đó, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 18 huyện, thị xã trở lại trường từ ngày 10.2, tại 12 quận còn lại trở lại trường vào 21.2.

TP.HCM sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán trên 600.000 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 cũng đã trở lại trường từ ngày 7.2. TP cũng đang lên phương án để học sinh mầm non và tiểu học trở lại trường trên cơ sở có sự đồng thuận cao từ phía cha mẹ học sinh.

Tâm lý mừng, lo xen lẫn khá phổ biến đối với phụ huynh, học sinh và cả cán bộ quản lý, giáo viên. Trường học mở cửa, chất lượng dạy học mới được củng cố, học sinh được giao tiếp, được tham gia các hoạt động giáo dục cần thiết trong tình trạng bình thường, nhưng dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát được, nhất là Hà Nội, số ca lây nhiễm vẫn ở mức cao, học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin… Đó là nỗi lo lắng, trăn trở của nhiều phụ huynh.

“Nhà trường đã chuẩn bị kỹ tình huống có dịch phát sinh trong trường học khi học sinh trở lại, nhưng vẫn rất lo lắng, chỉ cố gắng ở mức tốt nhất theo khuyến cáo của Bộ Y tế, còn nếu tình huống có dịch, phải linh hoạt ứng phó chứ với dịch bệnh, không thể chắc chắn điều gì”, một vị hiệu trưởng trường THCS ở quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ.

Tìm kiếm sự đồng thuận cao nhất từ phía phụ huynh là yêu cầu của Bộ GD&ĐT trong tình huống hiện nay, nhất là phụ huynh của học sinh các lớp 1 - 6, đang là nhóm đối tượng “yếu thế” do chưa được tiêm vắc xin. “Để phụ huynh yên tâm, ủng hộ thì các trường phải có phương án đảm bảo an toàn cao nhất, thông báo rõ ràng và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh”, ông Ngọc Anh, một Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường THCS Thành Công (Hà Nội) cho biết.

Cùng với việc tìm sự đồng thuận của phụ huynh để cùng bảo vệ sức khoẻ học sinh, phòng chống dịch, Bộ GD&ĐT cũng đang yêu cầu các trường phải chú trọng đến việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý để “chống sốc” khi học sinh quay lại trường, đồng thời có kế hoạch bù đắp kiến thức, kỹ năng, rèn luyện thể chất cho học sinh ngay những tuần đầu tiên mới trở lại trường.

Mở cổng trường nhưng nhiều cái chưa mở

Mặc dù đặt mục tiêu sớm cho học sinh trở lại trường nhưng nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, chỉ cho phép các trường dạy học 1 buổi/ngày và chưa cho các trường tổ chức ăn bán trú, tổ chức căng tin bán đồ ăn uống trong trường học. Các hoạt động tập trung học sinh toàn trường bị hạn chế hoặc cấm thực hiện trong thời gian này. Một số trường THPT phải duy trì cả hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp để đảm bảo thời lượng, nhất là thời gian ôn tập cho học sinh lớp 12. Vì để đảm bảo giãn cách, thời khoá biểu học trực tiếp phải giảm số tiết, bổ sung các ca học trực tuyến.

“Các tiết học chính ca dạy trực tiếp, còn trái ca chúng tôi vẫn bố trí trực tuyến. Trường đã chuẩn bị điều kiện công nghệ thông tin để giáo viên có thể vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến tại trường”, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho biết.

Trong cuộc họp trao đổi về việc đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Cần yêu cầu các em học sinh đeo khẩu trang khi đến trường, khử khuẩn trước khi vào lớp học. Học sinh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở thì nên đưa các em vào phòng cách ly và tiến hành điều tra dịch tễ và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định”. Ông Phu cũng khuyến cáo nguy cơ lây nhiễm Covid-19 có thể gia tăng sau Tết do nhiều gia đình di chuyển các nơi trong dịp nghỉ Tết.

“Học sinh trở lại trường nhưng vẫn cần hạn chế giao tiếp. Vì thế, học sinh lớp nào chỉ giao tiếp, sinh hoạt trong lớp đó. Các trường cần tránh hoạt động tập trung, đảm bảo phân luồng trước và sau buổi học”, ông Phu khuyến cáo. Tuy vậy, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho rằng, ở thời điểm hiện tại, nếu có phát sinh F0 trong trường học thì chỉ nên cho học sinh lớp có học sinh, giáo viên là F0 tạm nghỉ để xét nghiệm, theo dõi, không nên đóng cửa toàn trường như trước.

Từ ngày 9.2, Bộ GD&ĐT cũng thành lập các đoàn kiểm tra đi một số địa phương ở cả ba miền để kiểm tra trực tiếp việc triển khai đón học sinh trở lại học trực tiếp của các nhà trường. Việc kiểm tra sẽ nhằm một số nội dung cụ thể: Điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch của các nhà trường, phương án đảm bảo an toàn và xử trí khi có F0 của các nhà trường, kế hoạch dạy học đảm bảo tận dụng cơ hội vàng để bù đắp kiến thức, kỹ năng đồng thời linh hoạt chuyển trạng thái của các nhà trường trong bối cảnh vừa thực hiện nhiệm vụ năm học, vừa chống dịch. 

 TRIỆU ANH

Ý kiến bạn đọc