Chuyện nghệ sĩ “Dân khùng”

vho- Những thứ cũ kỹ, gỉ sét như gỗ, nhựa, nhôm, sắt... bị vứt bỏ thành đồ phế liệu được anh lượm hết, gần như không bỏ sót thứ gì. Đã thế lại ăn mặc khác lạ, suốt ngày dầm mưa, dãi nắng, kể cả lũ lụt..., bởi vậy mọi người gọi anh là “Dân khùng”.

Chuyện nghệ sĩ “Dân khùng” - Anh 1

“Dân khùng” với những tác phẩm nghệ thuật được tái sinh từ phế liệu

“Dân khùng” tên thật Nguyễn Quốc Dân, người gốc xã (Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), sinh ra và lớn lên tại Hội An. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, với tài năng đặc biệt của mình,  anh được không ít nghệ sĩ tên tuổi nước ngoài, trong đó có cả Lãnh sự quán nước ngoài bảo lãnh mời sang nước họ làm việc, nhưng anh một mực từ chối, quyết định trở về quê hương.

Mang theo bao ước mơ ấp ủ từ ngày còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, trở về quê, “Dân khùng” tìm thuê một mảnh đất hơn 1.000m2 tại Hội An khởi công làm xưởng sáng tác nghệ thuật. Chuyện làm xưởng khác người của anh làm cho nhiều người xung quanh ngỡ ngàng và cho rằng, chắc “tên” này khùng mất rồi. Chẳng là người ta thấy anh suốt ngày lặn lội đi lượm phế thải, rồi lân la hết điểm này đến điểm khác tìm mua phế liệu mang về xưởng để sáng tác nghệ thuật. “Nghệ sĩ gì mà lạ quá trời”, có người bĩu môi.

“Mặc kệ, tôi vẫn giữ quan điểm của mình. Và nay, chịu qua bao trận cuồng phong, bão tố của thiên nhiên và cả của miệng lưỡi thế gian, xưởng sáng tác nghệ thuật của tôi cũng dần dà hình thành. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng, nếu biết sử dụng thì từ phế liệu vẫn có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật bền đẹp”, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân nói.

Quả thực, thoạt qua nhìn vào xưởng của Quốc Dân, ai cũng nghĩ chắc đây là vựa thu mua ve chai, phế liệu. Nói là xưởng nghệ thuật cho “oai” chứ thực ra là ngôi nhà cũ kỹ, cũng được làm từ những tấm tôn phế liệu, rộng hơn 200m2 nằm trên mảnh đất 1.000m2 chứa đầy phế liệu giăng kín lối đi. Trong xưởng luôn vang lên tiếng máy cắt, đập bởi anh đang miệt mài tái sinh phế liệu thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Từ miếng tôn cũ, nồi niêu xoong chảo đến dép đứt, gỗ mục, thau chậu, chai, lọ... qua tay anh bỗng trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực thụ.

Chuyện nghệ sĩ “Dân khùng” - Anh 2

 Tác phẩm “Bàn tay khối óc” được sáng tác từ phế liệu ma nơ canh

“Không chỉ nghệ thuật, tôi mong muốn làm điều gì đó để truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường thật mạnh mẽ. Có nhiều phương án, nhưng cuối cùng tôi quyết định chọn phế liệu, thứ người ta vứt bỏ để làm thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Và tôi tin rằng, chính những tác phẩm nghệ thuật này sẽ truyền được thông điệp bảo vệ môi trường mạnh mẽ nhất”, nghệ sĩ Quốc Dân bày tỏ. Tiếng lành đồn xa, mặc dù khu xưởng sáng tác của anh chưa hoàn thiện nhưng đã được nhiều trường quốc tế, công ty du lịch đưa học sinh và du khách đến để trải nghiệm vấn đề tái sinh và bảo vệ môi trường.

Nhiều tác phẩm nghệ thuật được “Dân khùng” sáng tác từ phế liệu được nhiều người năn nỉ mua với giá cao, trong đó có không ít tay “săn” tác phẩm nghệ thuật từ trời Âu, nhưng anh nhất quyết không bán. Ngay cả nhà xưởng cũ kỹ được làm từ phế liệu của anh cũng được nhiều chủ đầu tư resort tìm đến thuê, rồi mời anh thiết kế, xây dựng lại nhưng “Dân khùng” cũng từ chối.

Vốn mang bản tính phóng khoáng, cởi mở của người nghệ sĩ nên mặc dù thu nhập cũng không phải là ít, nhưng đến nay “Dân khùng” vẫn chưa “tậu” được cho mình một ngôi nhà, cả gia đình vẫn ở thuê. Trong hai năm dịch bệnh Covid kéo dài, trước cảnh rất nhiều gia đình nghèo gặp khó khăn, thiếu thốn, “Dân khùng” bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua lương thực, thực phẩm rồi thuê, chở đến tận nhà giúp đỡ. Nhà nào có người già yếu, bệnh tật..., “Dân khùng” còn biếu thêm tiền. “Tôi từ nhỏ sống trong trại trẻ mồ côi, khuyết tật, được nhiều người giúp đỡ để được học hành, bây giờ giúp lại những cảnh đời khó khăn cũng là chuyện thường, nhà cửa tính sau”, Quốc Dân nói.

HẢI PHẠM

Ý kiến bạn đọc