Phát triển tiếp nối di sản đô thị thích ứng với đổi mới sáng tạo

VHO- Quảng bá và giữ gìn di sản sao cho phù hợp với cuộc sống đương đại, đồng thời giữ vững các bản sắc văn hóa của thành phố nghìn năm tuổi, duy trì và phát triển tiếp nối di sản đô thị là chủ đề thu hút sự quan tâm của những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo và yêu Hà Nội.

Phát triển tiếp nối di sản đô thị thích ứng với đổi mới sáng tạo - Anh 1

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cùng các đại biểu tại cuộc tọa đàm Di sản đô thị - Duy trì và phát triển tiếp nối

Tại cuộc tọa đàm “Di sản đô thị - Duy trì và phát triển tiếp nối” mới diễn ra tại Hà Nội, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính khẳng định, duy trì và phát triển tiếp di sản đô thị là việc rất nên làm. Di sản đô thị là một cấu trúc không gian lịch sử của đô thị, là không gian sống động, tồn tại trong một đô thị sống động, phát triển hằng ngày, do đó cần có sự cải tạo, sáng tạo, duy trì và phát triển tiếp nối. “Đừng quên chủ nhân của di sản đô thị là người dân. Không thể bắt người dân vi phạm di tích là ngôi nhà người ta đang ở, không thể bắt người dân phải giữ nguyên bất động như di tích. Đơn cử như ở Đường Lâm, người dân muốn cải tiến nhà vệ sinh cũng không cho họ làm. Nếu không có sự phát triển, không có sự duy trì tiếp nối thì người dân ở những di sản này sẽ trở thành những nhân vật “bảo tàng”. Chính vì thế, ứng xử với di sản đô thị là ứng xử với cộng đồng chủ nhân, và phải có cách ứng xử mềm mại, điều đó là chìa khóa của vấn đề”, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh.

Theo GS Hoàng Đạo Kính, cần phân biệt thế nào là đô thị di sản và thành phố có di sản đô thị. Hà Nội có bề dày về niên đại lịch sử, nhưng những di sản kiến trúc hiện hữu phần lớn không quá 200 năm. Phải làm sao để các di sản của Hà Nội cộng sinh, phát triển cùng với sự phát triển hiện đại của Hà Nội, phải xác lập được cổ - cũ - nay và mai. Do đó, phải tạo cho Hà Nội một vùng lõi, gồm khu phố cổ, khu phố tây, Hoàng thành Thăng Long, khu vực Ba Đình, Hồ Tây, các làng cũ, làng cổ có diện mạo rất riêng, đầy chất lịch sử, nhân văn để tạo ra hạt nhân cho sự phát triển tiếp theo. Các di sản đô thị cần được duy trì lâu dài bởi sự kết hợp mềm mại giữa bảo tồn với cải tạo thích ứng và với hiện đại hóa. Các di sản đô thị không chỉ là đối tượng của bảo tồn di sản văn hóa. Các di sản đô thị đích thực là nguồn cội, là tài nguyên nhân văn, là tài sản lịch sử không thể chối bỏ trong sự mở mang và hiện đại hóa các thành phố cũ.

Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hà Nội đã cụ thể hóa bằng các nội dung, chương trình cụ thể của Thành ủy, các kế hoạch của UBND TP Hà Nội. Đó là Chương trình 06 CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình 07 CTr/TU về đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2045. Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trong việc bảo tồn và phát huy di sản đô thị có sự chung tay của các cấp chính quyền, các nhà khoa học và đặc biệt là cộng đồng dân cư - chủ nhân của di sản đô thị. Với những nỗ lực đó, hiện đã có những thành quả, trong đó, nhận thức của người dân ứng xử với di sản đô thị đã được nâng lên một bước, những ý tưởng sáng tạo đã được thể hiện thời gian qua tại không gian di sản thu hút sự quan tâm của cộng đồng, khách du lịch… 

Q.XƯƠNG

Ý kiến bạn đọc