Đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành Du lịch như thế nào?

VHO- Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực to lớn đối với ngành Du lịch toàn cầu cũng như đối với Du lịch Việt Nam. Không chỉ chứng kiến sự “đóng băng”, trì trệ kéo dài ở nhiều quốc gia trong vòng 2 năm qua, những hệ luỵ mà đại dịch để lại ngay cả khi nó qua đi cũng sẽ là sự thiệt hại vô cùng to lớn cho nhân loại.

Đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành Du lịch như thế nào? - Anh 1

Các điểm đến nổi tiếng ở Việt Nam vắng khách vì đại dịch Covid-19

Du lịch thế giới rơi vào khủng hoảng chưa từng có

Năm 2019, du lịch toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, lượng khách du lịch trên toàn cầu đạt gần 1,5 tỉ lượt. Ngành Du lịch toàn cầu đã trực tiếp đóng góp hơn 2,8 nghìn tỉ USD vào tổng GDP toàn cầu và có tác động kinh tế lan tỏa lên tới 9,1 nghìn tỉ USD (theo Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới- WTTC) . Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã đẩy ngành Du lịch rơi vào giai đoạn khủng hoảng chưa từng có tiền lệ.

Năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm 73,9% so với năm 2019, lùi lại thời điểm cách đây 30 năm, gây thiệt hại hơn 1,1 nghìn tỉ USD doanh thu từ du lịch. Sự sụt giảm của du lịch quốc tế kéo theo thiệt hại về kinh tế cho GDP toàn cầu lên đến 2 nghìn tỉ đô la, khoảng 2% GDP của thế giới năm 2019 . Khoảng 100 triệu lao động du lịch trực tiếp mất việc làm (theo Tổ chức Du lịch Thế giới- UNWTO). 

Hội nghị Liên hợp quốc tế về thương mại và phát triển- UNCTAC và UNWTO đánh giá, trong năm 2021, GDP toàn cầu có thể thiệt hại khoảng từ 1,8-2,4 nghìn tỉ đô la, tùy thuộc vào kịch bản nào sẽ diễn ra. Sự sụt giảm của ngành Du lịch kéo theo sự sụt giảm từ các nguồn thu khác lên đến 4,5 nghìn tỉ đô la. Số lao động du lịch mất việc lên tới 120 triệu người.

Các chuyên gia cho rằng, du lịch quốc tế chỉ có thể trở lại mức trước khi có dịch sớm nhất vào cuối năm 2023. Vấn đề phân phối vắc xin không đồng đều là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc hạn chế đi lại và sự xuất hiện của các chủng virus mới. Các khu vực ít bị ảnh hưởng nhất là Bắc Mỹ, Tây Âu và Caribbean, trong khi đó, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Đại Dương, Bắc Phi và Nam Á. Riêng khu vực Đông Nam Á chứng kiến việc sụt giảm GDP từ 6 – 9,3% do sự đóng băng của ngành Du lịch.

Đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành Du lịch như thế nào? - Anh 2

Thế giới chưa bao giờ vắng bóng khách và buồn như 2 năm vừa qua

Ngành Du lịch tại nhiều quốc gia trong năm 2021 cũng đã có những bước đi đầu tiên để dần phục hồi, chẳng hạn một số các quốc gia Âu Mỹ với mức độ bao phủ vắc xin  đạt tỉ lệ cao trên thế giới. Thái Lan khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế tại đảo Phuket và một số điểm du lịch khác. Trung Quốc cũng đã cấp và chấp nhận xác nhận y tế như là điều kiện cho các hoạt động tự do trong nước và giao thương quốc tế. Singapore áp dụng mô hình “Bong bóng du lịch” và thoả thuận “Làn xanh đối ứng”. Malaysia lựa chọn thiên đường nghỉ dưỡng Langkawi làm nơi thí điểm mô hình "bong bóng du lịch" cho du khách nội địa đã tiêm chủng đầy đủ. Indonesia đón du khách đến đảo Bali từ 6 quốc gia gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và New Zealand. Campuchia xây dựng lộ trình 3 giai đoạn phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19; Israel thử nghiệm đón khách theo nhóm nhỏ từ các quốc gia đã kiểm soát dịch bệnh…

Tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng quốc gia lớn nhất cả nước đã và đang được triển khai, đạt được sự bao phủ tương đối rộng. Ngành Du lịch cũng đang bắt đầu tái khởi động với việc thí điểm chương trình “Hộ chiếu vắc xin” giai đoạn 1 tại đảo Phú Quốc - Kiên Giang, Quảng Nam, Khánh Hòa và tiến tới nhân rộng sang các địa phương trong cả nước.

“Chính vì thế, hơn lúc nào hết, những vấn đề liên quan đến phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới và trong tương lai là vô cùng cấp thiết để du lịch Việt Nam nhanh chóng hòa mình vào xu thế chung của thế giới, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trong bối cảnh hoàn toàn mới”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết.

Đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành Du lịch như thế nào? - Anh 3

Khách du lịch quốc tế vui mừng được đến Việt Nam kể từ sau khi xuất hiện đại dịch Covid-19

Du lịch Việt Nam mở cửa, bắt nhịp với xu thế chung

Ở Việt Nam trong gần 2 năm qua đã trải qua 4 đợt bùng phát của dịch Covid-19, Chính phủ chủ trương đóng cửa với khách du lịch quốc tế, chỉ còn một số ít khách chuyên gia, khách công vụ. Hoạt động du lịch nội địa cũng suy giảm mạnh. Năm 2020, theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019, khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1% so với cùng kì năm 2019; tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỉ đồng, giảm 57,8% so với năm 2019.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, với đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh trong cả nước đa khiến hoạt động du lịch càng bị đình trệ và khó khăn hơn; lượng khách du lịch tiếp tục giảm mạnh và chỉ đạt 31,5 triệu lượt, giảm 16% so với cùng kì năm 2020, trong đó khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 137.000 tỉ đồng, giảm 42% so với cùng kì năm 2020. Các quy định giãn cách phòng chống dịch, đóng cửa các điểm tham quan du lịch và dừng hầu hết các dịch vụ cung ứng du lịch làm chuỗi dịch vụ đứt gãy nghiêm trọng.

Trong năm 2020, theo Tổng cục Du lịch, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa, nhiều công ty lữ hành quốc tế đã chuyển sang kinh doanh nội địa. Lĩnh vực lưu trú chiếm 46% trong cơ cấu tổng thu của ngành Du lịch Việt Nam cũng phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách, trừ các cơ sở đón khách cách ly. Công suất buồng trung bình của cả nước khoảng 10-15%, những trung tâm du lịch lớn chỉ đạt đến 20-25%. Kéo theo đó là gần 60% lao động mất việc làm hoặc bị cắt giảm.

Đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành Du lịch như thế nào? - Anh 4

Các khu du lịch, vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú của Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón khách quốc tế và nội địa trở lại

Hiện nay, cùng với triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 rộng rãi cho toàn dân, Việt Nam đang từng bước khởi động để dần quay trở lại cuộc sống bình thường mới, chuyển hướng chiến lược từ trạng thái “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’’ theo chỉ đạo, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với lĩnh vực Du lịch, từ cuối tháng 9.2021, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL về việc triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành với 6 nội dung chính cần chú trọng gồm: Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

Hướng dẫn 3862 của Bộ VHTTDL về hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã đưa ra những quy định khi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch cho từng đối tượng, cùng quy định cụ thể đối với từng cấp độ dịch, thể hiện quyết tâm khởi động du lịch của Việt Nam. Đồng thời cho thấy rõ định hướng đúng đắn về xây dựng điểm đến an toàn trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa thật sự được kiểm soát. Nhất là thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia có độ bao phủ vắc xin rộng khắp như Mỹ, Anh, Singapore, Israel... vẫn tiếp tục chứng kiến nguy cơ bùng phát các đợt dịch tiếp theo do xuất hiện các biến thể kháng vắc xin. Trong khi đó, các quy định về hạn chế đi lại, giãn cách đã bị dỡ bỏ cùng việc sẵn sàng mở cửa và tái khởi động các hoạt động du lịch đang dần được kích hoạt ngày càng nhiều.

Đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành Du lịch như thế nào? - Anh 5

Khách du lịch có xu hướng tìm đến những nơi gần gũi thiên nhiên, vắng vẻ, an toàn

Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản số 4122/HD-BVHTTDL về Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Việc mở cửa được triển khai theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 11.2021 thí điểm đón khách theo các chương trình du lịch trọn gói đến các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại 5 điểm đến gồm có thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Bắt đầu từ tháng 11.2021, các đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đã tới Phú Quốc, Quảng Nam và Khánh Hòa. Giai đoạn 2 từ tháng 1.2022 sẽ mở rộng phạm vi đón khách. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đến sau chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày và có thể bổ sung thêm một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế. Giai đoạn 3 sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế, thời gian cụ thể căn cứ trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.

Du lịch nội địa hồi sinh

Trong hai tháng cuối năm 2021, cùng với việc triển khai thực hiện chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ, hoạt động du lịch nội địa đang từng bước được tái khởi động. Nhiều địa phương trong cả nước đã chủ động xây dựng những kịch bản mới để thúc đẩy thu hút khách du lịch nội địa trên cơ sở bảo đảm an toàn cho khách và người dân tại điểm đến và thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành Du lịch như thế nào? - Anh 6

Du lịch nội tỉnh, nội vùng, nội địa được mở lại ở một số địa phương nhằm thích ứng với tình hình mới

TP.HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 nhưng ngay sau khi kiểm soát dịch ổn định, độ phủ vắc xin cao đã nhanh chóng tái khởi động du lịch nội tỉnh với tour tham quan Cần Giờ để tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong tháng 11, du lịch Thành phố cũng mở cửa đón khách liên tỉnh; UBND thành phố cũng đã chính thức ban hành "Kế hoạch phục hồi ngành Du lịch trên địa bàn trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19 đến năm 2022”.

Hà Nội cũng lên kế hoạch đón khách du lịch từ các tỉnh, thành kiểm soát tốt dịch bệnh và tiến tới mở cửa đón khách theo trạng thái bình thường mới. Mới đây nhất, Hà Nội đã cùng 11 địa phương thiết lập hành lang du lịch an toàn để cùng phục hồi du lịch nội địa.

Thành phố Đà Nẵng cũng dự kiến lộ trình mở cửa du lịch từ tháng 12.2021 trong điều kiện hoàn thành tiêm phòng vắc xin cho 80% người dân trên 18 tuổi và đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch. Đến tháng 1.2022, Thành phố sẽ bắt đầu mở cửa phục vụ khách nội địa, bao gồm tất cả dịch vụ khách đi lẻ tại các điểm vui chơi và sẽ có một số chương trình tour hay combo dành cho khách đi theo nhóm nhỏ.

Tỉnh Quảng Ninh trong 2 tháng 11 và 12.2021 sẽ kết hợp kích cầu du lịch nội tỉnh với thu hút khách du lịch ngoại tỉnh, trong đó, tập trung ở các địa phương phía Bắc. Tỉnh cũng ưu tiên áp dụng các mô hình du lịch hạn chế rủi ro dịch bệnh, các sản phẩm du lịch giá trị tăng cao, khuyến khích các tour lưu trú dài ngày, khép kín.

Đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành Du lịch như thế nào? - Anh 7

Các hành lang du lịch an toàn, bong bóng du lịch được thiết lập để kết nối các điểm đến, từng bước phục hồi du lịch nội địa

Tỉnh Bình Thuận có kế hoạch đón khách du lịch trở lại theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu thí điểm vào cuối tháng 10 với các khách sạn có quyết định công nhận hạng từ 3-5 sao hoặc tương đương, các dịch vụ lữ hành, điểm tham quan đạt tiêu chí an toàn được UBND tỉnh công nhận, chủ yếu ở thành phố Phan Thiết. Giai đoạn 2 sẽ triển khai sau khi đánh giá kết quả giai đoạn 1.

Các tỉnh, thành khác như Bắc Giang, Hà Giang, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Lạt, Thừa Thiên Huế... cũng lên kế hoạch cho phép hoạt động du lịch nội tỉnh và mở rộng đón khách ngoại tỉnh từ tháng 11.2021.

Ngày 16.12, Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản số 4698/BVHTTDL-TCDL về Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” nhằm phục hồi hoạt động du lịch theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến nội địa, gắn với việc thực hiện Nghị quyết 128 và triển khai Hướng dẫn tạm thời số 3862.

Trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát tương đối tốt, đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành Du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong những giai đoạn tới.

NGUYỄN ANH, ảnh MINH THUẦN, QUYỀN ANH TUẤN

Ý kiến bạn đọc