Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Nghệ sĩ viết tự truyện: Con dao hai lưỡi

Thứ Hai 13/12/2021 | 08:09 GMT+7

VHO- Những năm trở lại đây, nhiều sao Việt chọn viết sách như một cách lưu lại cảm xúc và trải lòng với công chúng. Không ít nghệ sĩ tiên phong trong xu hướng này đã tạo nên những “luồng gió” mới, nhưng ngược lại, cũng đem đến không ít thị phi.

 NSƯT Thành Lộc và diễn viên Minh Dự là trong số ít các nghệ sĩ mang lại tín hiệu tích cực cho dòng văn học tự truyện

 Hiệu ứng dây chuyền

Sau Lê Vân, nhiều nghệ sĩ trong giới showbiz Việt như NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc, ca sĩ Long Nhật, nghệ sĩ Thương Tín… cũng quyết định chia sẻ đời tư của mình lên những trang sách. Thế nhưng, phải đến gần đây thì sức “nóng” của dòng sách này mới thật sự được khơi dậy. Như một hiệu ứng dây chuyền, nhiều tự truyện của nghệ sĩ trẻ ra đời ngay sau đó: Chạm tới giấc mơ của Sơn Tùng MTP; Tôi vẽ chân dung tôi của Hương Giang Idol; Phượng hoàng lửa của Hoàng Thùy Linh; Cỏ hạnh phúc của Hari Won; Đổi thay của Hồ Quang Hiếu… Tuổi nghề trẻ dường như không còn là yếu tố bất lợi cho thể loại sách đòi hỏi vốn sống dày dặn này.

Cách đây ít ngày, diễn viên hài Minh Dự gây chú ý khi ra mắt tập thơ - tản văn Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng. Nếu như những cuốn tự truyện thường khai thác nhiều về những câu chuyện hậu trường ít ai biết thì Minh Dự đi theo một “ngã rẽ” mới. Xuất thân là sinh viên ngành Văn học, cùng niềm yêu thích đọc sách và vốn sống phong phú, Minh Dự không chỉ nổi tiếng với vai trò diễn viên, anh còn được biết đến như một cây viết trẻ đầy tiềm năng. Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng được chấp bút từ tháng 3.2020, là những trải lòng của Minh Dự về cuộc đời, tình yêu, cách chúng ta đối diện với người và với bản thân mình, là tâm trạng của một kẻ cô đơn ngồi xuống giữa cuộc sống tấp nập, cẩn trọng ghép nối từng mảnh vỡ để tự chữa lành, để rồi độc giả dễ dàng đồng cảm. Anh đã nhanh chóng bán được 10.000 bản trong 24 giờ đầu tiên. Đây thực sự là con số đáng ngưỡng mộ, một kỷ lục trong làng “sao” viết sách.

Nằm trong số những cuốn tự truyện nổi tiếng nhất và có lẽ cũng chất lượng nhất đó là cuốn Tâm thành Lộc đời của NSƯT Thành Lộc. Cuốn sách kể về những năm tháng nhọc nhằn lăn lộn với đời, với nghề của Thành Lộc dưới ngòi bút nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. 600 vai diễn là 600 lần Thành Lộc hóa thân trọn vẹn cho nghệ thuật; là 600 lần dày vò, trăn trở để đem đến cho khán giả những giây phút thăng hoa nhất. Tự truyện của NSƯT Thành Lộc cũng có đủ những thăng trầm như chính cuộc đời ông, cũng có những góc khuất, những chuyện mà nếu đứng ngoài ta sẽ chẳng thể nào biết được. Nhưng lạ thay, độc giả sẽ không thấy những chiêu trò gây sự chú ý hay những màn “bóc phốt” lẫn nhau như cách mà nhiều nghệ sĩ đã làm với tự truyện của mình. Tâm thành Lộc đời là cuốn sách mang màu sắc tự truyện điển hình và mẫu mực, đủ sức nặng và độ chín trong cả cuộc đời của một người nghệ sĩ cho đến giá trị về mặt văn học.

Trải lòng hay “bán” đời tư?

Có người muốn kể lại những câu chuyện về đời mình, những đóng góp của mình với nghệ thuật nói chung; có người viết chỉ để thỏa mãn những ẩn ức riêng mà mình gặp phải trong đời sống; nhưng cũng có người viết mục đích là để làm “nóng” tên tuổi của mình, thậm chí là giật gân câu khách, gợi sự tò mò của độc giả. Thế nhưng dường như nhiều người vẫn đang lầm lẫn giữa tự truyện với hồi ký hay nhật ký. Nhật ký là cho riêng mình, còn tự truyện hoặc hồi ký là cho người khác đọc, trong đó tính nghệ thuật, tính xã hội là yếu tố rất cần thiết.

Lướt lại những cuốn tự truyện ở Việt Nam, độc giả liên tục “lắc đầu ngao ngán” vì những câu chuyện lạm dụng đời tư một cách trắng trợn, thậm chí làm ảnh hưởng đến người khác. Có cả những chi tiết dung tục, trần trụi được phô bày bằng cách kể lể dài dòng, văn nói nhiều hơn văn viết. Phải công nhận rằng, việc viết tự truyện phần nào giúp nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng, khi hiểu hơn về tính cách, những góc khuất, sóng gió… mà người nghệ sĩ đã trải qua, nhưng ranh giới giữa được và mất cũng thật sự quá mong manh. Nếu không đủ bản lĩnh, không đủ tài năng, kinh nghiệm, người viết sẽ tự biến mình thành một trò cười.

Từng ra mắt tự truyện gây sốc nhất phải kể đến nam diễn viên Nguyễn Thương Tín với cuốn hồi ký Thương Tín - Một cuộc đời giông bão vào cuối năm 2015. Nhiều độc giả đã lên tiếng chỉ trích bởi những chi tiết anh kể trong tự truyện khá nhạy cảm. Thậm chí, Thương Tín còn nêu đích danh tên các nhân vật khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn và gây tổn thương không ít cho người trong cuộc. Hay tự truyện Bí quyết nghề ca, scandal và sự thật của nữ ca sĩ Thanh Thảo ngay sau khi ra mắt cũng vấp phải những phản ứng không hay từ công chúng vì cô tiết lộ mình là “người thứ ba”. Năm 2017, ca sĩ chuyển giới Lâm Khánh Chi với tự truyện Lột xác một lần nữa xới lại chuyện quá khứ với một số nam ca sĩ, người mẫu và cầu thủ đã làm không ít người bất bình vì có nguy cơ phá vỡ hạnh phúc của những người liên quan.

Ở Việt Nam, để tìm một cuốn tự truyện hay, thực sự mang tính giáo dục cao là rất hiếm. Dường như người nghệ sĩ chỉ chú tâm vào “kể câu chuyện đời mình” chứ không chú tâm vào nghệ thuật viết. Trong khi đó, trên thế giới, các tác giả được mời chắp bút thường rất bản lĩnh trong nghệ thuật viết tự truyện - hồi ký nên dù câu chuyện trần trụi đến mấy thì vẫn được thể hiện giàu tính văn chương. Đã không ít cuốn tự truyện gây sốt cả về nội dung lẫn hình thức. Chưa đủ độ chín trong nhận thức, chưa có chiêm nghiệm về cuộc đời để thẩm định những gì mình nói… đã vội vàng ra tự truyện sẽ tạo ra những mặt trái khó lường trước, đó là điều mà các nghệ sĩ cần phải cân nhắc.

Không thể phủ nhận, viết tự truyện đang là một trào lưu trong giới nghệ sĩ. Những người nổi tiếng luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả cả về đời tư lẫn hoạt động nghệ thuật, thế nhưng, để khán giả đón nhận một cách tích cực thì không phải ai cũng làm được. 

 BÁ TRƯỜNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top