Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Chuyện làng đá ong ở Vạn Tường

Thứ Sáu 03/12/2021 | 10:29 GMT+7

VHO- Làng đá ong Vạn Tường (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mang trong mình vẻ đẹp đầy quyến rũ và lôi cuốn với những bức tường rào, giếng nước được xây từ vật liệu đá ong đơn sơ mà tinh xảo. Qua thời gian, đá ong ngả màu rêu phong đậm chất làng quê Việt, đây cũng chính là điểm nhấn đặc biệt tạo nên sức hút đối với vùng quê này.

 Ông Nguyễn Ngọc Thanh bên ngôi nhà đá ong cổ của mình

 

 Căn nhà ông Nguyễn Ngọc Thanh (65 tuổi) được xem là còn nguyên bản nhất ở Vạn Tường. Với diện tích 120m2, tất cả đều xây bằng đá ong và cũng là linh hồn của ngôi nhà cổ mà ông Thanh đã gìn giữ suốt bao năm qua. Ông Thanh cho hay, cả thôn này không có căn nhà cổ nào còn nguyên bản như nhà ông. Theo thời gian, hầu hết các gia đình đã tu sửa và thay mới ngôi nhà của mình bởi các chất liệu hiện đại. Bên ly trà nóng, ông Thanh tâm sự: “Ngôi nhà này do cha ông tôi để lại, tính ra cũng đã trên 100 năm tuổi, anh em tôi thống nhất với nhau giữ nguyên ngôi nhà để làm nơi thờ cúng ông bà tổ tiên. Trước kia cả thôn Vạn Tường đều làm nhà bằng đá ong. Khoảng từ năm 1995 trở lại đây, người dân trong thôn mới bắt đầu tô xi măng vách nhà, hoặc dỡ bỏ làm nhà mới”.

Các bậc cao niên ở xã Bình Hải cho hay, đá ong với đặc tính bền lại sẵn có nên nhiều gia đình ngày xưa đã dùng đá ong để xây dựng nhà cửa. Người ta có thể đào được đá ong ở rất nhiều nơi, như thôn Thanh Thủy, An Cường, Vạn Tường. “Tôi thấy sống trong căn nhà đá ong cổ sướng lắm, căn nhà luôn giữ được hơi ấm vào mùa đông, mát mẻ khi sang hè. Đặc biệt, khi có giông bão thì sức chịu đựng của nó tốt hơn nhiều so với nhà cấp 4 xây bằng gạch, vôi vữa thông thường” ông Thanh chia sẻ.

Hơn 20 năm miệt mài gắn bó với nghề khai thác đá ong, ông Bùi Văn Lực (67 tuổi, thôn Vạn Tường, xã Bình Hải) cho hay, xây nhà bằng đá ong đòi hỏi kỳ công hơn rất nhiều so với xây gạch hay đổ bê tông cốt thép. Để có được những viên đá vuông vức, không những người thợ phải bỏ ra nhiều công sức mà còn cần đến sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay, sự dẻo dai, bền bỉ từ đôi bàn chân. Ông Lực kể, từ xưa đến nay, người khai thác đá ong dùng 2 dụng cụ để hành nghề là cái rìu lưỡi dày và cái dố để gò đẽo thành hình viên đá. Để có được những viên gạch vuông thành sắc cạnh, người thợ đá phải làm rất nhiều công đoạn. Có nơi đá ong nhô hẳn trên mặt đất, có chỗ lại chìm sâu hàng mét dưới lớp đất màu. Thăm dò và tìm được nguồn đá rồi người thợ phải có sự khéo léo cũng như sự thuần thục nhất định với cái rìu, cái dố để chẻ, nếu không khéo viên đá sẽ bị hỏng ngay. “Mỗi viên đá ong dùng xây nhà có chiều dài 40 cm, độ dày từ 17-20 cm. Đá ong có 3 lớp. Lớp trên cùng gọi là đá bản, tiếp theo là đá thân và cuối cùng là lớp đá chân. Chỉ đến lớp chân mới lấy được những viên gạch có độ cứng và độ chịu lực tốt nhất”, ông Lực nói.

“Ngày xưa ông bà mình dùng đá vôi dưới biển đem về nung cho vỡ thành bột, rồi trộn với mật đường, chất nhựa từ dây tơ hồng, lưỡi long không có gai (xương rồng trơn) sau đó trộn với cát tạo thành nguyên liệu để trát vữa lên tường đá ong. Mọi công đoạn đều được làm hoàn toàn thủ công”, ông Lực cho hay. Thời gian càng lâu, chất đá ong càng lộ ra, đất bám ở mặt đá không còn, cho ta một cảm giác thích thú khi chạm tay vào từng viên đá. Đá ong để lát đường, xây bờ rào, xây tường nhà, chân móng, tường, bậc thềm đình, chùa… Rồi đá ong còn để sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Cho đến khi con người ta từ giã cõi đời, đá ong lại được dùng để xây mộ phần.

TS Nguyễn Đăng Vũ chia sẻ: “Đá ong trong tỉnh Quảng Ngãi nhiều nơi có, nhưng ở thôn Vạn Tường, xã Bình Hải thì đặc biệt hơn. Đá ong ở đây với đủ kích cỡ và lớn, sử dụng trong nhiều công trình như làm nhà, giếng, làm đường trong làng... Đá ong có độ bền, chất liệu không nặng, ngôi nhà làm bằng đá ong điều hòa không khí tốt do chất đá dày, ngăn chặn sự thoát nhiệt. Về lâu dài nên có kế hoạch để giữ gìn loại di sản kiến trúc gắn với đá ong ở địa phương này”. 

NHƯ ĐNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top