Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc trên nền tảng số: Nhạc sĩ bất ngờ bị “cướp” sở hữu bản quyền

Thứ Tư 20/10/2021 | 10:16 GMT+7

VHO-  Âm nhạc là loại hình nghệ thuật thường xuyên bị xâm phạm bản quyền, đặc biệt là gần đây, lợi dụng nền tảng số, nhiều hoạt động “ăn cướp” chất xám trắng trợn đã xuất hiện, có không ít các tác giả bị “tố ngược” vi phạm bản quyền với tác phẩm do chính mình sáng tác.

 Nhạc sĩ Giáng Son bất ngờ khi ca khúc “Giấc mơ trưa” của mình bị báo cáo vi phạm bản quyền

Mới đây, nhạc sĩ Giáng Son, tác giả ca khúc Giấc mơ trưa đã bức xúc lên tiếng trước việc chị đăng tải “đứa con tinh thần” của mình trên kênh YouTube riêng và bất ngờ khi bị báo cáo vi phạm bản quyền.

Nhiều ca khúc bị “nhận vơ” trên nền tảng số

Trong đơn kiến nghị gửi Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), đơn vị mà nhạc sĩ Giáng Son đã ủy quyền, chị bày tỏ: “Tôi mới thành lập một kênh YouTube cho riêng mình mang tên “Giáng Sol Official” để chia sẻ những bài hát, album cũ mới của mình đến khán giả yêu nhạc vào ngày 25.9.2021. Tôi đã rất cẩn thận về vấn đề bản quyền và chỉ đưa bản Giấc mơ trưa được phối khí riêng với giọng ca Khánh Linh trong album đầu tiên Giáng Son được sản xuất và phát hành năm 2007. Tức là mọi bản quyền về tác giả, phối khí, thu âm là thuộc về tôi”. Tuy nhiên, sau khi đưa ca khúc này lên YouTube được vài ngày, nhạc sĩ đã nhận được thông báo khiếu nại của BHMedia. Đơn vị này cho biết, thay mặt Hồ Gươm Audio Video là chủ sở hữu bản quyền để khiếu nại về việc này.

Trước sự việc “tréo ngoe”, Giáng Son bức xúc: “Tôi chưa từng bao giờ ký bản quyền với Hồ Gươm Audio Video và BHMedia”, đồng thời khẳng định mọi sở hữu bản quyền đối với bài hát này phải thuộc về mình. Chia sẻ thêm về vụ việc, nhạc sĩ Giáng Son cho biết, nghệ sĩ Dương Thùy Anh (đàn nhị) đã từng xin bản phối Giấc mơ trưa để đi diễn và làm CD, do bên Hồ Gươm Audio Video phát hành. CD này sau đó đã được BHMedia mua lại. Dù vậy, đây là 2 bản phối khác nhau và BHMedia không hề có quyền gì với bản phối của Giáng Son...

Sau khi Giáng Son thể hiện thái độ bất bình trên trang cá nhân, phía BHMedia liên hệ giải quyết vụ việc nhưng nhạc sĩ đã từ chối trao đổi. Nữ nhạc sĩ cho biết, đã ủy quyền để VCPMC đứng ra thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Câu chuyện tưởng như nghịch lý này không phải là trường hợp hy hữu. Trước đó, nhiều nhạc sĩ rơi vào tình cảnh bị tố vi phạm bản quyền với chính tác phẩm của mình. Nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng có 37 ca khúc bị cho là vi phạm bản quyền: “Những video đó đa phần là do tôi sáng tạo ra, đầu tư tiền phối khí, thuê ca sĩ, thu thanh, thậm chí thuê người thu hình làm video, đã đăng ký ủy nhiệm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cho VCPMC. Vậy mà các video này bị BHMedia và một vài trang khác nhận xằng là của họ để kiếm tiền trên công sức của những người lao động sáng tạo”.

Nhạc sĩ Minh Châu cũng cho biết, từng rất bất ngờ và “cảm thấy bị xúc phạm khi tác phẩm của mình lại bị người ta nhận vơ và bảo mình ăn cắp”. Hàng chục video ca khúc nhạc sĩ sáng tác đăng tải trên nền tảng số bị cảnh báo là vi phạm bản quyền.

Cần có cơ chế, biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm

“Ngay sau khi tôi phản ứng, đại diện BHMedia đã gặp gỡ, xin lỗi và sau đó đã gỡ cảnh báo trên YouTube của tôi, nhưng tôi nghĩ, đây là sự lạm dụng kẽ hở luật pháp, nên ai cũng có thể nhận vơ được”, nhạc sĩ Minh Châu nói. Sự việc là hồi chuông cảnh báo về hiện trạng chung của các nhà khai thác nội dung trên nền tảng internet. Nhiều công ty, mua hoặc được ủy quyền khai thác (ví dụ 1.000 bản ghi âm), nhưng sau đó công bố có quyền của tất cả các bản ghi và lại đăng ký với YouTube tác phẩm đó thuộc độc quyền của họ. Trong khi chính YouTube cũng không biết được ai mới là chủ sở hữu thực sự của tác phẩm cũng như không có quyền phán xử nếu xảy ra tranh chấp. Do vậy, một số đơn vị/kênh YouTube đã đăng ký quyền sở hữu trước (dù có thể không phải chủ sở hữu hay được quyền khai thác tác phẩm). Sau này, các tác giả mới đăng tải sản phẩm nghệ thuật của mình thì bị đánh bản quyền.

Trường hợp nhạc sĩ Minh Châu phản ứng mạnh buộc BHMedia phải ngay lập tức gỡ cảnh báo đối với các tác phẩm của mình, tuy nhiên, nhạc sĩ vẫn băn khoăn: “Còn tới 60-70 tác phẩm của tôi bị các công ty khác nhận vơ là của họ thì sao? Vì vậy, tôi cũng như Giáng Son đều mong mỏi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cùng với những chính sách về bản quyền âm nhạc, về sở hữu trí tuệ của Việt Nam sẽ hoạt động hiệu quả để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả”.

Nhạc sĩ Lã Văn Cường cũng gặp chung tình trạng khi hơn 30 tác phẩm của ông bị xâm phạm trên YouTube: “Khi tôi khiếu nại thì BHMedia (đơn vị đại diện của Làng Văn tại Việt Nam) trả lời tôi rằng, Làng Văn có toàn quyền sở hữu tác phẩm của tôi, trong khi tôi đâu có ký với Làng Văn. Tôi đã yêu cầu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tiến hành các thủ tục theo trình tự pháp luật để lấy lại sự công bằng. Tác phẩm là tài sản trí tuệ, đâu thể để bị xâm phạm trắng trợn như vậy được”.

Có thể thấy, việc phát hiện, đẩy lùi những hành vi này cần sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, người làm nghề, nhằm tạo môi trường lành mạnh cho âm nhạc phát triển. Đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, hiện tại đang hỗ trợ các thành viên ngăn chặn tình trạng một số tổ chức, cá nhân lạm dụng công cụ xác nhận quyền trên mạng xã hội để cố ý chiếm đoạt bản quyền, nội dung âm nhạc nhằm trục lợi... Bên cạnh đó, các nhạc sĩ cũng kỳ vọng có những cơ chế, biện pháp hữu hiệu để đẩy lùi vấn nạn vi phạm quyền tác giả âm nhạc, quyền liên quan, nhất là trên không gian mạng, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sáng tạo, thụ hưởng âm nhạc. 

 HOÀNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top