Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trình UNESCO: Cần nhận diện cho được “đại diện chủ thể văn hóa”

Thứ Hai 18/10/2021 | 10:09 GMT+7

VHO- Trong khuôn khổ dự án lập hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam để đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đại diện nhân loại, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM phối hợp cùng UBND TP Châu Đốc (An Giang) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Bảo tồn và phát huy Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc - An Giang”, vào cuối tuần qua.

 Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà tại Lễ hội Vía Bà năm 2021

PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết, trường đã phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích văn hóa, lịch sử và du lịch Núi Sam, tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trong 6 tháng đầu năm 2021. Hội thảo nhằm làm rõ hơn các giá trị của lễ hội, nhận diện mặt tích cực và hạn chế, bất cập trong tổ chức, quản lý và thực hành lễ hội để đưa ra những định hướng, giải pháp bảo tồn và phát triển lễ hội một cách hài hòa, phù hợp trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Công tác quản lý còn hạn chế

Bên cạnh đó, những thách thức và khuyến nghị trong quá trình lập hồ sơ di sản đệ trình UNESCO cũng mong muốn được các chuyên gia, nhà quản lý làm rõ. Chia sẻ về thực trạng công tác quản lý lễ hội, ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL An Giang cho biết, công tác quản lý Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, do cộng đồng làm chủ thể nên trong tổ chức thường phát sinh nhiều vấn đề mà công tác quản lý chưa đáp ứng kịp. Sự gia tăng đột biến lượng du khách đến lễ hội gây ra sựquátải vềkhông gian tổchức lễhội, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tình trạng đốt vàng mã, thắp hương còn nhiều gây ảnh hưởng đến độ bền vững của di tích và hiện vật. Nhiều du khách thiếu ý thức, xả rác bừa bãi nên ô nhiễm từ rác thải ở khu vực lễ hội và xung quanh di tích cũng là vấn đề đáng lo ngại. Ngoài ra, ý thức chấp hành nội quy, quy chế gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự của một số người tham gia lễ hội chưa cao. Các hiện tượng mê tín dị đoan, xem bói quanh khu vực núi Sam, tình trạng ăn xin vẫn còn diễn ra vào các mùa cao điểm… Có thể nói, những vấn đề trên đã làm ảnh hưởng đến giá trị chân thực vốn có của lễ hội.

Đại diện UBND tỉnh An Giang cũng cho biết, đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác quản lý tổ chức lễ hội nên chưa kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền để xử lý những vấn đề mới phát sinh. Thái độ phục vụ du khách của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ chưa được thân thiện; hiểu biết của người dân về lịch sử vùng đất, danh nhân chưa nhiều nên vẫn còn hạn chế trong việc giới thiệu cho du khách tìm hiểu thông tin.

Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc - An Giang. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ. Lễ hội diễn ra từ ngày 22-27.4 (âm lịch) hằng năm, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm. Năm 2014, Lễ hội đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia. Tại văn bản số 4591 của Văn phòng Chính phủ về việc dự kiến lập hồ sơ các DSVHPVT tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ DSVHPVT Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới.

Hiện UBND tỉnh An Giang và Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cùng cộng đồng tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đang chủ trì việc nghiên cứu lập hồ sơ trình UNESCO.

 Nghi thức rước Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam về nhập miếu Ảnh: SỞ VHTTDL AN GIANG

“Cư dân” và “Ban quản trị” - ai là cộng đồng cụ thể thực hành di sản?

Nêu ra những khuyến nghị khi lập hồ sơ trình UNESCO, TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, đối với hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, một trong những thách thức là làm thế nào để nhận diện, miêu tả chính xác chủ thể của di sản và thể hiện vai trò của cộng đồng trong toàn bộ hồ sơ. Đây cũng là vấn đề khó mà các hồ sơ của Việt Nam trước đây đã từng gặp phải, nhất là đối với loại hình lễ hội, một dạng thức di sản tích hợp nhiều loại hình, có rất nhiều người tham gia nên rất khó nhận diện ai là chủ thể của di sản hiểu theo phạm vi hẹp đúng với tinh thần của khái niệm DSVHPVT.

TS Lý phân tích: “Cư dân 6 ấp, khóm Vĩnh Tây I, Vĩnh Tây II, Vĩnh Đông I, Vĩnh Đông II, Vĩnh Phước và Vĩnh Xuyên (được tách, chia từ làng Vĩnh Tế, xã Vĩnh Tế trước đây) thuộc phường Núi Sam, TP Châu Đốc; Ban quản trị Lăng – Miếu núi Sam (đại diện chủ thể văn hóa)” là cộng đồng được mô tả theo lý lịch DSVHPVT Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, TP Châu Đốc” của UBND tỉnh An Giang gửi Bộ VHTTDL đề nghị đưa lễ hội vào danh mục DSVHPVT quốc gia năm 2014. Thông tin này đang gặp phải vấn đề mà UNESCO lưu ý: “Thiếu thông tin cơ sở để chọn ra một cộng đồng cụ thể”. “Cư dân” và “Ban quản trị” là một khái niệm chung chung luôn thay đổi theo hành chính, tổ chức. Tên gọi này không chỉ ra được người nắm giữ tri thức, thực hành và trao truyền di sản. Hồ sơ trình UNESCO yêu cầu rất rõ phải có tên người, tên cộng đồng cụ thể. Tên của cộng đồng sẽ thể hiện xuyên suốt hồ sơ đề cử, ở từng phần một để cơ quan thẩm định có được thông tin về khả năng tham gia nhiều nhất của cộng đồng ở tất cả các bước làm hồ sơ bao gồm: Nhận diện, kiểm kê, lập hồ sơ và đệ trình hồ sơ; phát huy sức sống của di sản; nhận thức về di sản; triển khai các biện pháp bảo vệ. Hồ sơ phải thể hiện được sự tham gia của cộng đồng bằng những chứng cứ cụ thể. Cộng đồng phải được đặt vào trung tâm của tất cả hoạt động bảo vệ cùng với trách nhiệm và quyền lợi của họ. Nếu như “Ban quản trị Lăng - Miếu núi Sam” được chọn làm “đại diện chủ thể văn hóa” thì cơ quan thẩm định cũng “rất cần tìm kiếm một sự giải thích và chứng minh tại sao và như thế nào mà một cộng đồng nhất định nào đó và di sản của họ lại được lựa chọn?”.

“Việc xây dựng hồ sơ đề cử Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam nên và phải có sự tham gia của các bên: Cộng đồng chủ thể nắm giữ, thực hành di sản; cộng đồng tham gia bảo vệ di sản; cơ quan quản lý, bảo vệ của địa phương; Nhà nước; cơ quan nghiên cứu hỗ trợ; các cơ quan có liên quan của địa phương; các tổ chức phi chính phủ… Vai trò, trách nhiệm, hoạt động của mỗi bên phải được phản ánh trong hồ sơ và việc thực hiện sẽ được đánh giá theo bộ khung, tiêu chí cụ thể của UNESCO trong từng lĩnh vực và hằng năm”, TS Lý nhấn mạnh và chia sẻ thêm, tương tự Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (DSVHPVT đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh 2010), Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam hiện diện, nổi tiếng bởi tính cộng đồng xuyên suốt, được duy trì bền bỉ, được thực hành nhuần nhuyễn, sáng tạo và thích ứng với cuộc sống đương đại. “Tôi tin chắc rằng di sản này xứng đáng được ghi danh, tỏa sáng trong bức tranh chung DSVHPVT của nhân loại”, TS Lý bày tỏ.

Theo PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, “Hội thảo đã gặt hái nhiều kết quả có giá trị cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Đa số các ý kiến đều thống nhất rằng những giá trị của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam phù hợp các tiêu chí của UNESCO để trở thành DSVHPVT đại diện nhân loại. Các đóng góp, trao đổi đã tái hiện bức tranh tương đối toàn diện, là lợi thế để chúng tôi xây dựng hồ sơ. Tuy nhiên, nội dung chưa được đề cập sâu là vấn đề nhận diện, so sánh tín ngưỡng thờ nữ thần ở Việt Nam với các nước trong khu vực và một số quốc gia trên thế giới, điều này cần được khai thác, nghiên cứu sâu trong thời gian tới”. 

 Cư dân và Ban quản trị là một khái niệm chung chung luôn thay đổi theo hành chính, tổ chức. Tên gọi này không chỉ ra được người nắm giữ tri thức, thực hành và trao truyền di sản. Hồ sơ trình UNESCO yêu cầu rất rõ phải có tên người, tên cộng đồng cụ thể. Tên của cộng đồng sẽ thể hiện xuyên suốt hồ sơ đề cử, ở từng phần một để cơ quan thẩm định có được thông tin về khả năng tham gia nhiều nhất của cộng đồng ở tất cả các bước làm hồ sơ…

(TS LÊ THỊ MINH LÝ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia)

 THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top