Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Phát triển du lịch mạo hiểm: Mỗi địa phương cần một sản phẩm đặc trưng

Thứ Tư 13/10/2021 | 10:20 GMT+7

VHO- Để sản phẩm du lịch mạo hiểm phát triển có tính đột phá, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của vùng Đông Bắc, các địa phương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đồng thời mỗi địa phương cần xây dựng một sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp, đơn điệu.

Du lch mo him là mt trong nhng sn phm du lch đc đáo ca Hà Giang nh: VIT S

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, xu hướng của khách du lịch hiện nay rất quan tâm đến hoạt động khám phá cảnh quan thiên nhiên sinh thái, văn hóa bản địa, du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch này chưa được khai thác tương xứng với thế mạnh.

Hướng đến thị trường có sức chi tiêu cao

Đông Bắc được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mạo hiểm với tài nguyên địa hình đồi núi cao, độ dốc nhiều, chia cắt đa dạng tạo nên đặc điểm địa hình độc đáo đặc sắc (Cao nguyên đá Đồng Văn, đỉnh Tây Côn Lĩnh, công viên địa chất Non nước Cao Bằng…); sông, suối, hồ, thác nước với việc khai thác dòng chảy (Sông Nho Quế ở Hà Giang, thác Bản Giốc ở Cao Bằng, hồ Ba Bể ở Bắc Kạn…); hang động khai thác độ sâu, sự phức tạp (Động Ngườm Ngao ở Cao Bằng, hang Tiên ở Hà Giang, động Nàng Tiên ở Cao Bằng…) và các giá trị cảnh quan, hệ sinh thái (Vườn quốc gia Ba Bể ở Bắc Kạn, Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén ở Cao Bằng...); các bản, làng các dân tộc thiểu số bảo tồn được những giá trị độc đáo về phong tục tập quán, văn hóa, trang phục, kiến trúc, làng nghề truyền thống… Sản phẩm du lịch mạo hiểm ở khu vực Đông Bắc chủ yếu được chia làm 3 nhóm: Nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm trên không; nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm trên bộ; nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm dưới nước.

Để khai thác tốt hơn du lịch mạo hiểm, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đã đưa ra một số giải pháp, trong đó về thị trường khách nội địa, hướng tới thu hút đối tượng khách thanh niên và trung niên, kết hợp loại hình du lịch mạo hiểm với các loại hình du lịch khác. Với thị trường khách quốc tế, tập trung thu hút khách từ khu vực Đông Bắc Á, ưu tiên khai thác thị trường khách châu Âu, châu Úc, Bắc Mỹ có sức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, từng bước mở rộng thị trường khách Đông Nam Á, châu Á và các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Nga, Brazil…

Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, tăng cường liên kết giữa Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch với Sở Du lịch, Sở VHTTDL của các địa phương trong công tác xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch quảng bá xúc tiến du lịch mạo hiểm. Đồng thời các địa phương liên kết, tham gia các hoạt động xúc tiến do Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch tổ chức hoặc chủ động tổ chức tại các thị trường trọng điểm, các thị trường mới, tiềm năng về du lịch mạo hiểm. Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp cùng doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch thực hiện công tác quảng bá xúc tiến, gắn với việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh với quảng bá thương hiệu, sản phẩm du lịch mạo hiểm của doanh nghiệp. Tăng cường liên kết giữa các địa phương nội vùng Đông Bắc, mở rộng với khu vực Tây Bắc, giữa trung du miền núi phía Bắc với các vùng du lịch khác để xây dựng những sản phẩm độc đáo.

Từ thực tế ở địa phương, ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc công ty Mr Linh’s Adventures (Bắc Kạn) cho biết: “Ba Bể có nhiều danh lam thắng cảnh, địa hình thuận lợi để phát triển du lịch mạo hiểm, nhưng hầu hết đều đang khai thác một cách đơn giản, sản phẩm nghèo nàn, lãng phí tài nguyên. Trong khi đó, phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm mới không chỉ mang tới nguồn thu cho địa phương, cho người dân mà còn nâng cao sức cạnh tranh của du lịch tỉnh”. Ông Linh đề xuất các cấp chính quyền có cơ chế thu hút đầu tư, tạo hành lang pháp lý thông thoáng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phát triển sản phẩm du lịch, trong đó ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm tại Bắc Kạn và các địa phương khác.

Xây dựng mô hình điểm để thu hút khách quốc tế

Đại diện các địa phương như: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… đều cho biết, du lịch mạo hiểm là một sản phẩm đặc trưng mà các địa phương rất quan tâm. Địa hình, địa chất, khí hậu, thiên nhiên ở vùng Đông Bắc rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm vẫn gặp những khó khăn về công tác tổ chức, quy mô, kinh phí, cơ sở hạ tầng, sự gắn kết giữa địa phương và doanh nghiệp du lịch, nguồn nhân lực, công tác xúc tiến, quảng bá…

Vì vậy để sản phẩm du lịch mạo hiểm phát triển tương xứng với tiềm năng, ngoài việc có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, mỗi địa phương cần xây dựng một sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp, đơn điệu. Ngoài ra, cần tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong công tác quản lý khai thác tài nguyên du lịch, quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm đảm bảo theo các tiêu chuẩn, quy định hiện hành của các ngành có liên quan…

Đại diện Sở VHTTDL Cao Bằng cho biết, định hướng sản phẩm du lịch mạo hiểm giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh là: “Xây dựng các chương trình khám phá hang động hấp dẫn, nhất là trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Bên cạnh đó, xây dựng các tour liên kết du lịch mạo hiểm với các tỉnh trong vùng phát triển sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm”. Còn đại diện Sở VHTTDL Hà Giang chia sẻ: “Cần làm tốt công tác rà soát, đánh giá tính khả thi và định hướng đúng đối với loại hình du lịch mạo hiểm có tiềm năng phát triển, phù hợp với đặc điểm hiện trạng tài nguyên du lịch, tránh sự trùng lắp các hạng mục dự án du lịch khác”, đồng thời đề nghị Tổng cục Du lịch lựa chọn một số địa phương có điều kiện tổ chức sự kiện khai thác sản phẩm du lịch mạo hiểm có quy mô quốc gia, quốc tế để phát triển thành sản phẩm có thương hiệu nhằm thu hút khách du lịch quốc tế. 

 NGUYỄN ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top