Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Khu di tích đồi Trung Sơn sẽ được bảo tồn theo nguyện vọng chính đáng của người dân

Thứ Sáu 08/10/2021 | 11:15 GMT+7

VHO- Sau nhiều năm bảo vệ bằng được khu di tích đồi Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) trước nguy cơ bị san gạt để triển khai dự án, mới đây, các cơ quan chức năng Đà Nẵng đã thống nhất đề nghị thành phố có biện pháp giữ nguyên các di tích lịch sử, văn hóa tâm linh tại khu vực đồi Trung Sơn.

 Các di tích lịch sử là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân thôn Trung Sơn

 Sở VHTT Đà Nẵng cũng cho biết hiện Bảo tàng Đà Nẵng đang gấp rút làm hồ sơ xếp hạng di tích đối với khu vực này.

Năm 2016, khu di tích lịch sử đồi Trung Sơn được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết theo quyết định số 8499/ QĐ-UBND với quy mô hơn 12 ha, trong đó có nhiệm vụ san gạt đồi ở cao trình 2,5 - 3m và sắp xếp lại các công trình thiết chế văn hóa như đình làng, nhà bia di tích, bố trí cây xanh, đất chia lô… với mục đích “giúp thành phố sớm triển khai quy hoạch, nâng cao giá trị cảnh quan, công trình phúc lợi xã hội tại khu vực. Qua đó gián tiếp tăng giá trị các dự án tại khu vực”. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, thấy dự án có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các di tích quan trọng trong vùng, người dân địa phương đã phản ứng và đề nghị thành phố phải giữ lại nguyên trạng các công trình di tích, không được khai thác cát trong khu vực.

Rừng Trung Sơn có vị trí quan trọng đối với nhân dân nơi đây. Khu rừng Trung Sơn đã được nhân dân bảo vệ và giữ gìn từ lúc lập làng năm 1670 cho đến nay. Hiện bên trong và ven bìa rừng có các di tích mang ý nghĩa lịch sử và tâm linh đối với dân làng, bao gồm mộ của gần 200 nghĩa sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống ngoại biên đã được người dân quy tụ một mối; đình làng đầu tiên được xây dựng năm 1724; giếng Chăm cổ; bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ của làng qua các thời kỳ. Bên cạnh đó còn có các di tích như miếu Âm linh, miếu Bà Ngũ Hành... vẫn được người dân giữ gìn, hương khói. Nhận thấy đây là một quần thể di tích quan trọng, đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử, năm 2019 ngành văn hóa Đà Nẵng cùng chính quyền địa phương đã tổ chức gặp mặt những người cao tuổi trong làng để xác lập lại giá trị di tích nhằm nghiên cứu, xếp hạng di tích cấp thành phố cho cụm di tích văn hóa - lịch sử đồi Trung Sơn. Vì thế UBND TP Đà Nẵng một lần nữa lấy ý kiến của các đơn vị liên quan như Sở VHTT, Sở Xây dựng, Sở TN&MT và cộng đồng người dân địa phương về nội dung quy hoạch rừng Trung Sơn. Qua đó cho thấy, các ý kiến liên quan đều đề xuất phải giữ lại nguyên trạng các di tích, miếu, bia tưởng niệm tại khu vực đồi Trung Sơn.

Trong văn bản trả lời về việc điều chỉnh quy hoạch khu di tích đồi Trung Sơn hồi tháng 7 vừa qua, Sở VHTT Đà Nẵng cho biết đơn vị vẫn bảo lưu ý kiến giữ nguyên hiện trạng, không san gạt đồi di tích, đồng thời có văn bản đề nghị UBND TP bổ sung giữ lại các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu là đình Trung Sơn, miếu Âm linh, miếu Bà Ngũ Hành, Nghĩa trủng Trung Sơn, nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng thôn Trung Sơn, giếng cổ, vào các danh mục bảo tồn, phát huy giá trị. Tháng 9 vừa qua, dựa trên khảo sát vùng quy hoạch, Sở Xây dựng cũng nhận định quy hoạch phải được điều chỉnh, vì “việc triển khai thực hiện dự án gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa được xác định thông qua việc rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch đô thị và ý kiến cộng đồng”. Sở Xây dựng đã có công văn gửi UBND TP đề xuất giữ lại giếng Chăm cổ và Bia tưởng niệm.

Sở KH&ĐT trình UBND TP Đà Nẵng đồng ý kiến giữ nguyên di tích, “không chỉnh trang, san gạt đồi Trung Sơn, không làm ảnh hưởng đến các hạng mục thiết chế văn hóa tại khu vực này, thực hiện theo đúng quy định về quy hoạch bảo quản, tu bổ di tích”; đồng thời yêu cầu đơn vị đầu tư dự án bổ sung hạ tầng thu gom và xử lý nước thải để bảo vệ làm sạch môi trường sống đối với người dân trong vùng di tích sau khi triển khai dự án. Về phía địa phương, trên tinh thần bảo vệ giữ lại các quần thể di tích, UBND xã Hòa Liên phối hợp với các ngành lấy ý kiến về cộng đồng dân cư, tất cả đều đồng lòng đề nghị thành phố không san gạt khu rừng Trung Sơn, và giữ nguyên toàn bộ hiện trạng đất đồi. Ông Nguyễn Hà Nam, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: “Để giữ nguyên vẹn khu di tích đồi Trung Sơn theo nguyện vọng của nhân dân thôn Trung Sơn, UBND huyện đã yêu cầu chủ đầu tư dự án triển khai trên tinh thần tôn tạo di tích, cải tạo cảnh quan, không làm biến đổi hiện trạng, giữ lại các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử quan trọng”.

Theo quy hoạch trước đây, vị trí giếng Chăm cổ, Bia tưởng niệm là 2 thiết chế nằm trong diện giải tỏa để thi công dự án Khu tái định cư phía Tây Nam, Khu đô thị Dragon City Park, huyện đã đề nghị thành phố giữ lại nguyên vẹn 2 di tích này. Ngoài ra đề nghị thành phố đưa khu Nghĩa trủng, miếu Âm linh và trên dưới 50 khu mộ đất ra khỏi phạm vi dự án quy hoạch tuyến đường 10,5m phía Tây Nam; yêu cầu chủ đầu tư thực hiện tôn tạo lại các hầm bí mật, bố trí tuyến đường nội bộ kết nối các di tích trong khuôn viên của đồi trên cơ sở vẫn giữ nguyên và men theo đường mòn như hiện tại. 

 NGỌC HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top