Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện: Hội đồng không lập ra để yêu, ghét cảm tính

Thứ Sáu 08/10/2021 | 11:05 GMT+7

VHO- Trước ý kiến cho rằng Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện đang hoạt động với chế độ kiểm duyệt cũ kỹ, chuyên quyền, ảnh hưởng đến sức sáng tạo của một bộ phận trong giới làm phim, GS.TS Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng lên tiếng: “Chúng tôi làm việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Hiện có một vài người do thiếu thông tin hoặc đang cố tình nhìn nhận sai lệch, xuyên tạc bản chất, hoạt động của Hội đồng...”.

 GS Trần Thanh Hiệp cũng đã có buổi trao đổi cởi mở với Văn Hóa về vấn đề này để rộng đường dư luận.

P.V: Với tư cách Chủ tịch Hội đồng, ông có ý kiến gì trước những ý kiến trái chiều về hoạt động của Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện trong những ngày qua?

- GS.TS Trần Thanh Hiệp: Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện không phải là Hội đồng nghệ thuật và hoạt động trên cơ sở quy định của pháp luật. Mọi quyết định đều phải căn cứ vào các điều khoản của Luật và phải trả lời được câu hỏi quyết định đưa ra căn cứ vào điều nào khoản nào.

Một nguyên tắc bất di bất dịch trong hoạt động của Hội đồng là chỉ có Chủ tịch mới được quyền phát ngôn. Những phát ngôn đó cũng phải theo nguyên tắc chứ không theo cảm hứng. Tôi nói điều này bởi có liên quan đến phim Vị, vì có ý kiến cho rằng các thành viên Hội đồng thiếu đồng nhất quan điểm khi ra quyết định cấm phổ biến đối với phim này. Thông tin đó không chính xác. Tôi khẳng định lại với tư cách Chủ tịch Hội đồng, việc ra quyết định cấm phổ biến Vị được gần như tất cả các thành viên bỏ phiếu, chỉ duy nhất một thành viên không đồng thuận. Theo Luật Điện ảnh, Vị không thể xếp vào loại phim được chiếu rộng rãi, tức là không thể áp vào một tiêu chuẩn nào để có thể được phổ biến. Ngay thành viên không đồng thuận cũng không thể xếp Vị vào loại nào căn cứ quy định của pháp luật.

Chúng ta đang trong quá trình sửa đổi Luật Điện ảnh, nếu thấy điều bất cập thì có thể kiến nghị để Ban soạn thảo và những cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, bàn bạc, sửa đổi. Tuy nhiên, khi Luật mới chưa ra đời thì Luật hiện hành vẫn là hành lang pháp lý cần nghiêm túc tuân thủ. Mọi ý kiến “vượt rào” đều thể hiện sự không tôn trọng pháp luật. Việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động của Hội đồng không phải là sự lạm quyền hay chuyên quyền.

Như ông vừa nói, theo nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thì chỉ Chủ tịch mới có quyền phát ngôn, nhưng dường như với “Vị” thì còn có phát ngôn khác, thậm chí hoàn toàn đi ngược với quan điểm của Hội đồng?

- Tôi đã có ý kiến về những sự vi phạm trong phát ngôn của Hội đồng. Tâm thế ngồi Hội đồng là phải nghiêm túc, hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi thành viên trong thực hiện quy định chứ không phải bằng cách này hay cách khác để đạt đến mục đích nào đó. Theo Quy chế là chỉ Chủ tịch mới có quyền phát ngôn, Hội đồng phải tuân thủ nguyên tắc đó. Thế nhưng ở trường hợp phim Vị, tôi thấy nguyên tắc này đã bị vi phạm khi có thành viên phát ngôn trái ngược với quan điểm, quyết định của Hội đồng. Một vài người đã lợi dụng điều đó để chỉ trích, tạo dư luận tiêu cực.

Tôi nghĩ rằng sau này, đối với tất cả những bộ phim có vấn đề, Hội đồng thẩm định, Cục Điện ảnh nên có những thông cáo báo chí chính thức để tránh tình trạng phát biểu với mục đích trái với kết luận của Hội đồng. Khi đã chấp nhận ngồi ghế Hội đồng là phải thực hiện nghiêm túc các quy định trong Quy chế làm việc. Để không còn tiếp tục xảy ra những chuyện tương tự như với Vị, các cơ quan quản lý, các cơ quan chức năng nên có nghiên cứu và đưa ra những kết luận cần thiết.

 Một cảnh trong phim “Cha cõng con"

Một số diễn đàn, thông tin gần đây cũng lên án cách làm việc của Hội đồng thẩm định phim là khắt khe, độc đoán, thậm chí còn bị cho là lạm quyền, ảnh hưởng đến sức sáng tạo của một bộ phận trong giới làm phim. Ông nói gì về những điều này?

- Mọi phát ngôn, thông tin đưa ra đều cần có cơ sở chứ không thể cảm tính, tùy tiện. Hội đồng không yêu, ghét tác giả hay bất kỳ bộ phim nào, tất cả đều căn cứ vào Luật để xem xét. Luật là để bảo vệ quyền lợi của số đông chứ không phải chạy theo ý chí, lợi ích của một vài người.

Hội đồng luôn tỉnh táo với quan điểm đó, cho nên không thể có cách làm độc đoán, chuyên quyền. Quay trở lại Vị, quyết định của Hội đồng không phổ biến phim thể hiện sự lạm quyền, độc đoán ở cái gì? Vì sao làm đúng Luật lại bị cho là khắt khe, độc đoán? Sau khi Hội đồng xem phim Vị dù kết luận không thể cho phép phổ biến, tôi với tư cách Chủ tịch đã hết sức thận trọng đề nghị Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành mời thêm đại diện các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, cơ quan truyền thông xem phim Vị trước khi Cục trưởng ký quyết định. Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Phụ nữ Việt Nam, Viện Văn hoá Nghệ thuật và đại diện một số cơ quan báo chí… sau khi xem đều đồng ý không thể phổ biến phim này.

Một luồng ý kiến đang cho rằng nhiều phim độc lập của một số nhà làm phim Việt khi đến với các LHP nước ngoài thì được tung hô, nhưng ngược lại thì bị đánh giá thấp trong nước, thậm chí còn đón nhận những lệnh cấm? Ông nghĩ sao?

- Hãy nhìn nhận sòng phẳng thế này, mỗi nền văn hóa, mỗi nền điện ảnh, thậm chí mỗi Liên hoan phim đều có quan điểm, cách tiếp cận khác nhau. Chúng ta trên nền tảng văn hóa Việt Nam, trên quyền lợi dân tộc, trên cơ sở quy định của pháp luật Việt Nam để xem xét, đánh giá chứ không thể đơn giản mượn quan điểm của các LHP nước ngoài để đánh giá. Đó là hai câu chuyện khác nhau.

Một số diễn đàn điện ảnh gần đây đề nghị có “luồng xanh” cho phim tham dự LHP nước ngoài với việc thành lập Hội đồng chuyên biệt, hoạt động độc lập với Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện. Ông có suy nghĩ gì?

- Tôi e rằng đề xuất đó khó khả thi. Tiêu chí của Hội đồng thẩm định là hoạt động trên cơ sở Luật Điện ảnh. Vậy, chúng ta có hai Luật Điện ảnh không? Tại sao phim mang ra nước ngoài chiếu thì phải như thế này, trong nước thì lại thế kia?

Đối với những phim không đi ngược lại với những giá trị cốt lõi của Việt Nam và có vẻ chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam, nên chăng trong Luật Điện ảnh sửa đổi chúng ta có thể khoanh vùng chiếu hạn chế, chiếu phục vụ nghiên cứu, nhưng để mang đi nước ngoài dự LHP thì cũng cần cân nhắc thấu đáo từng trường hợp cụ thể.

Hiện đang có tình trạng một số phim bị cấm thì trên mạng xã hội người ta sẽ tìm cách thổi phồng, thậm chí còn rao tìm những “đôi mắt xanh” để tăng giá trị phim đó lên. Nói ngược lại thì đồng nghĩa là áp đặt, không cấp tiến, cổ hủ. Tôi nghĩ rằng, đối với những phim có vấn đề thì không chỉ có Hội đồng xem mà phải mời cả báo chí, những cơ quan nghiên cứu cùng xem để tạo cách nhìn, dư luận khách quan. Các nhà báo, các cơ quan nghiên cứu xem cùng không phải để họ làm thay Hội đồng mà để toàn xã hội có cái nhìn công tâm, khách quan, công bằng. 

Một số diễn đàn, thông tin gần đây lên án cách làm việc của Hội đồng thẩm định phim là khắt khe, độc đoán, thậm chí còn bị cho là lạm quyền, ảnh hưởng đến sức sáng tạo của một bộ phận trong giới làm phim. Ông nói gì về những ý kiến này?

- Mọi phát ngôn, thông tin đưa ra đều cần có cơ sở chứ không thể cảm tính, tùy tiện. Hội đồng không yêu, ghét tác giả hay bất kỳ bộ phim nào, tất cả đều căn cứ vào Luật để xem xét. Luật là để bảo vệ quyền lợi của số đông chứ không phải chạy theo ý chí, lợi ích của một vài người… Vì sao làm đúng Luật lại bị cho là khắt khe, độc đoán?

BẢO ANH (thực hiện)

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top