Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Tạo cú hích cho sự phát triển của thể thao học đường

Thứ Sáu 08/10/2021 | 10:58 GMT+7

VHO- Trong dự thảo Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sắp được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, thể thao quần chúng đặt ra nhiều chỉ tiêu, trong đó đáng chú ý là các chỉ tiêu và giải pháp để phát triển thể thao học đường.

 Trẻ em cần được rèn luyện thể thao đúng cách để tận dụng “giai đoạn vàng” trong quá trình phát triển Ảnh: QUÝ LƯỢNG

 Tuy nhiên, từ thực tiễn còn nhiều bất cập hiện nay, các chuyên gia chỉ ra rằng, cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ mới có thể phát triển được thể thao học đường - làm nền tảng cho thể thao thành tích cao, góp phần xây dựng nguồn nhân lực tốt cho tương lai.

Chưa tranh thủ được giai đoạn vàng

Theo bà Nguyễn Thị Chiên, Phó Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng, Tổng cục TDTT, lứa tuổi vàng cho sự phát triển về thể chất, thể hình cho các em chính là giai đoạn từ 8 đến trước 13 tuổi. Đây là giai đoạn các em đang ngồi trên ghế nhà trường. “Trong giai đoạn vàng này, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em cần phải tập thể dục thể thao đúng cách, với thời lượng tối thiểu là 1 giờ/ngày. Với các em ở lứa tuổi nhỏ, việc rèn luyện nên chia ra làm nhiều lần trong ngày. Còn các em lớn hơn, sẽ phải rèn luyện liên tục 1 tiếng/ngày cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất sẽ giúp các em phát triển chiều cao, tăng sức đề kháng, phát triển thể lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại các trường học, một tuần các em chỉ có 2 tiết thể dục, mỗi tiết chỉ có 45 phút. Thời lượng này chưa đủ để các em có thể phát huy hiệu quả của việc tập luyện thể thao. Bên cạnh đó do nhiều nguyên nhân mà các tiết học thể dục chưa được đổi mới về hình thức giảng dạy, dẫn đến sự nhàm chán, học sinh không hứng thú. Với các giờ học thể thao ngoại khoá, các em cũng không có nhiều lựa chọn theo đúng sở thích nên thể thao chưa phải môn học được các em yêu thích”, bà Chiên phân tích.

Còn theo PGS.TS Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, việc rèn luyện TDTT quan trọng với mọi lứa tuổi, nhất là với lứa tuổi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là “giai đoạn vàng” để phát triển mạnh về hệ vận động, chiều cao, tim mạch nên nếu chúng ta tập trung nâng cao thể chất từ các cấp học đầu đời sẽ rất có lợi cho sự phát triển thể lực, tầm vóc của trẻ. Theo nghiên cứu, các vận động nhẹ nhàng như đi lại... không đủ để các hệ cơ xương của trẻ phát triển đạt thông số cần thiết. Trẻ cần chơi thể thao hằng ngày hoặc ít nhất là hơn 3 lần một tuần mới hình thành thói quen và đạt hiệu quả tốt. “Trên thực tế, hiện nay chương trình giáo dục hầu hết là chú trọng các môn văn hoá, các em không còn thời gian luyện tập, vui chơi giải trí. Cũng vì thế mà tình trạng các em cận thị rất nhiều, tỷ lệ trẻ béo phì không ít. Đấy là hệ quả của việc làm thiếu khoa học, cần tính toán xem xét cân đối hài hoà giữa việc học và vui chơi giải trí, TDTT cho các em”, PGS.TS Trần Hiếu bày tỏ quan điểm.

Nêu lên trực trạng đáng báo động khi trong khu vực Đông Nam Á, chiều cao của chúng ta chỉ hơn Lào và Myanmar, thua Indonesia, Phillipines, Singapore, Thái Lan, TS Đàm Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Thông tin TDTT, Tổng cục TDTT phân tích: “Chiều cao người Việt thấp hơn chuẩn quốc tế và tăng rất ít so với yêu cầu đặt ra là hệ quả của việc mất cân bằng dinh dưỡng và ít rèn luyện TDTT ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng, Tổng cục TDTT đánh giá, thể thao học đường chính là một trong những nền tảng quan trọng cho sự phát triển của thể thao thành tích cao. “Không những thế một đất nước muốn khoẻ mạnh thì thế hệ tương lai phải khoẻ mạnh. Muốn có được nguồn nhân lực tốt phục vụ cho quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thì thể thao trường học phải được phát triển thực chất, tương xứng để giúp các em có được sự phát triển vững chắc cho tương lai”, ông Ngọc Anh nói.

Cũng theo ông Ngọc Anh, tại các nước phát triển như Mỹ, nhà nước sẽ xây dựng cơ sở vật chất tốt phục vụ cho việc phát triển thể thao học đường. Ngay từ nhỏ các em đã được phụ huynh cho chơi thể thao và thói quen đó được hình thành từ bé. Sau này khi lớn lên, các em sẽ được phát triển theo các môn thể thao yêu thích, phù hợp với bản thân và đó chính là lý do mà hầu hết các VĐV đỉnh cao của Mỹ đều trưởng thành từ phong trào thể thao học đường.

Tờ USA Today từng dẫn khảo sát của Công ty dịch vụ đầu tư TD Ameritrade cho thấy, gần 20% các gia đình ở Mỹ chi hơn 12.000 USD/năm (hơn 270 triệu) cho một em tham gia và luyện tập thể thao. Còn với mô hình của Trung Quốc, nhà nước tạo thêm một cú hích là đưa môn giáo dục thể chất là môn thi bắt buộc cho học sinh từ cấp 2 lên cấp 3 và dự kiến sắp tới, sẽ đưa môn thể dục là môn điều kiện để thi đại học. Việc đó sẽ buộc các em phải tích cực tập luyện thể thao và phụ huynh cũng phải thay đổi nhận thức để coi thể thao là một trong những môn quan trọng bên cạnh các môn chính.

Cũng theo phân tích của ông Ngọc Anh, muốn thể thao học đường ở Việt Nam phát triển thì chúng ta cần phải tạo ra cú hích như xác định lại vị trí, vai trò của môn thể dục, đưa ra các tiêu chí đánh giá chính xác, đưa thể dục là môn chính khóa, phải dạy thực chất, thi thực chất và có thể tiến tới thể dục là một trong những môn điều kiện khi thi chuyển cấp hoặc vào đại học… Từ đó xã hội sẽ thay đổi về nhận thức để cùng phát triển thể thao học đường, làm nền tảng vững chắc cho thể thao thành tích cao và đặc biệt là làm nền tảng cho việc xây dựng một xã hội khỏe mạnh.

PGS.TS Trần Hiếu phân tích thêm, chúng ta cần giáo dục cho các em trước hết về nhận thức, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rèn luyện thể thao hằng ngày để nâng cao ý thức tự tập luyện thường xuyên. Tiếp theo, cần phải định hướng và tạo ra môi trường lành mạnh, có các phương tiện và loại hình tập luyện đa dạng phù hợp đặc điểm lứa tuổi, giới tính thu hút học sinh tích cực tham gia.

 THU SÂM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top