Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Sách nói tăng trưởng mạnh mẽ: Xu hướng của tương lai

Thứ Tư 06/10/2021 | 10:30 GMT+7

VHO- Giãn cách xã hội đã làm cho việc đọc sách thay đổi về cơ bản, đặc biệt là khi khả năng lưu thông và vận chuyển sách giấy trở nên khó khăn. Trùng với thời điểm đó, nền xuất bản cũng bước vào giai đoạn chuyển đổi số. Trong xu hướng chung của thế giới, sách nói Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận và được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

 Sách nói tăng trưởng mạnh mẽ trong kỷ nguyên công nghệ số Ảnh: ITN

 Tăng trưởng cao trong đại dịch

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều độc giả có thời gian ở nhà đọc sách để tiếp nhận kiến thức, giải trí. Tuy nhiên, dịch bệnh hạn chế tiếp xúc và di chuyển đã khiến cho các nhà sách phải đóng cửa suốt thời gian dài, nhiều khu bị phong tỏa, cách ly, nên việc đi mua sách không thể thực hiện. Trong bối cảnh đó, sách nói là lựa chọn tối ưu và thu hút đông đảo giới trẻ vì tính tiện ích của nó: Có thể giúp người đọc chủ động nghe trong những khoảng thời gian làm việc nhà, di chuyển trên đường, nghe sách sau một ngày làm việc với màn hình...

Tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những nơi có văn hóa đọc phát triển, sách nói đạt tỷ lệ tăng trưởng cao. Tại Mỹ, có hơn 71.000 đầu sách nói được xuất bản trong năm 2020, tăng 39% so với năm 2019. Đây là mức tăng trưởng cao nhất được ghi nhận từ năm 2015. Theo Hiệp hội các nhà xuất bản sách nói Mỹ (Audio Publishers Association), doanh thu sách nói ở quốc gia này đạt 1,3 tỉ USD năm 2020. Còn theo công ty nghiên cứu thị trường viễn thông, công nghệ Omdia (có trụ sở ở Anh), doanh thu sách nói toàn cầu đạt 4 tỉ USD năm 2020, ước đạt 4,8 tỉ USD trong năm nay. Phân tích thị trường sách nói toàn cầu và nghiên cứu chi tiết ở 20 quốc gia, đơn vị này cũng dự báo đến năm 2026, doanh thu toàn cầu sẽ tăng lên 9,3 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 13,9% với hơn 337 triệu người dùng sách nói hằng tháng.

Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, sách nói Việt Nam cũng đang có những bứt phá đáng kể trong thời gian vừa qua. Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT&TT, cho tới tháng 7.2021, có 3 kênh sách nói được cấp phép chính thức: Voiz FM (thành lập năm 2019), Fonos (thành lập năm 2020) và Mydio (thành lập đầu năm nay). Tuy mới ra mắt trong khoảng hai năm trở lại đây, các nhà phát hành sách nói đều có tốc độ phát triển cao.

Ông Lê Hoàng Thạch - CEO Voiz FM cho biết, so với năm 2020, đơn vị này tăng trưởng gấp 50 lần. Trung bình mỗi tháng tăng 20-30% so với tháng trước; đợt đại dịch lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam vừa qua, doanh thu tăng gấp 6 lần so với những tháng đầu năm. Hiện tại, Voiz FM có 500.000 người dùng; mỗi ngày, khoảng 20.000 người dùng tích cực sử dụng app. Trước đó, 500.000 người sử dụng là con số mà đội ngũ thực hiện Voiz FM ước tính đến năm 2022 mới đạt được.

Ra mắt vào tháng 4.2020, cho đến nay Fonos cũng đã có sự tăng trưởng đáng kể. Theo Giám đốc đối ngoại Fonos Thái Minh Châu, hiện tại Công ty ghi nhận mức doanh thu mỗi tháng tăng gấp 6 lần so với hồi đầu năm, bất chấp bối cảnh giãn cách nghiêm ngặt. Fonos cũng chứng kiến sự tăng trưởng người dùng mạnh mẽ với gần 300.000 lượt tải ứng dụng tính đến hiện tại. Đến thời điểm này, Fonos đã hoàn tất vòng gọi vốn hạt giống (seed funding) vào quý II với số tiền 1,1 triệu USD từ các nhà đầu tư tại Mỹ và Singapore và các nhà đầu tư trong nước...

Sự xuất hiện song song của các format

Thực tế, không chỉ đến thời điểm hiện tại sách nói mới được các đơn vị chú ý phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong hơn chục năm qua, sách nói gặp phải rào cản lớn là việc vi phạm bản quyền diễn ra tràn lan, những ứng dụng và hình thức sách nói song song tồn tại do cá nhân tự phát đọc và đăng tải lên YouTube hoặc trên một số kênh khác rất phổ biến. Bởi vậy, ít công ty, đơn vị làm sách dám mạnh dạn đầu tư, phát triển sách nói. Bên cạnh đó, đặc thù của thị trường trong nước còn nhỏ và chưa quen với việc trả tiền khi sử dụng dịch vụ nên sách nói ở Việt Nam chậm tăng trưởng là điều dễ hiểu.

Những khó khăn trên hiện nay vẫn còn tồn tại. Tuy vậy, trong xu thế số hóa đang diễn ra trong ngành xuất bản, đặc biệt, khủng hoảng dịch bệnh đã là “cú hích” cho việc đọc sách thay đổi về cơ bản, giới trẻ ngày càng nhận ra đây là loại hình thuận tiện, không chỉ với giải trí mà còn cho việc tiếp nhận kiến thức. Mặt khác, thời gian giãn cách vừa qua, các nhà xuất bản, công ty sách gặp khó trong khâu phát hành sách giấy cũng đã tìm hướng đi mới. Một số đơn vị đã bắt tay với các đối tác để phát triển nguồn tài nguyên sẵn có là những cuốn sách của mình.

Bên cạnh đó, dù thị trường sách nói hiện nay còn nhỏ nhưng đang tăng trưởng tốt, bởi Việt Nam chúng ta là quốc gia đang phát triển, nhịp sống nhanh, mọi người đều muốn trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin mọi lúc, mọi nơi. Trong tương lai, sự phát triển của đơn vị phát triển công nghệ trong sản xuất và phát hành sách nói, các nhà xuất bản mạnh dạn hơn với nội dung số là những động lực thúc đẩy sách nói phát triển hơn nữa. Nhiều người lạc quan rằng, loại hình này thậm chí có thể trở thành “đứa con vàng” của ngành công nghiệp sách.

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books), xu hướng tất yếu của những cuốn sách hiện đại là sự xuất hiện song song của các format. Trong đó bản giấy sẽ chỉ dành cho những cuốn sách có giá trị, cần lưu giữ và làm quà tặng, còn sách điện tử và sách nói sẽ trở nên thông dụng hơn với con người trong tương lai. Ông cũng lạc quan về thị trường sách nói ở nước ta, thậm chí tin rằng nó sẽ có tương lai tốt hơn so với sách điện tử e-book, bởi sách điện tử vẫn có trở ngại là bắt mọi người phải đọc, trong khi nhịp sống hiện đại ngày càng hạn chế thời gian cho điều này. Còn sách nói với những tiện ích mà nó mang lại sẽ là giải pháp phù hợp với độc giả hôm nay. 

 MAI LIÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top