Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Đào tạo về sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch: Cần một nền tảng bền vững

Thứ Tư 22/09/2021 | 10:30 GMT+7

VHO- “Nhiều đơn vị cứ hồn nhiên lấy những hoa văn, lấy công thức nhuộm vải, các bài thuốc trị liệu, tri thức dân gian của các cộng đồng để tạo thành sản phẩm rồi đem bán. Trong khi cộng đồng sáng tạo ra thì hoàn toàn không được hưởng lợi, họ thậm chí còn chẳng được nhắc tới và càng không có cách nào sở hữu tri thức của mình”…

 Một buổi chia sẻ kinh nghiệm về những khó khăn trong vấn đề SHTT trong bảo tàng tại Bảo tàng Áo dài (TP.HCM)

 Đó là những bức xúc của một chuyên gia nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tại phiên họp nghiệm thu dự án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về Đào tạo về sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức vừa qua.

Thực thi quyền SHTT trong ngành văn hóa và du lịch còn yếu kém

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), thời gian qua, sau khi Luật SHTT ban hành (2005) thì việc nhận thức liên quan đến SHTT của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã tăng đáng kể, trung bình khoảng 10% mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình quản lý, thực thi và tuân thủ quyền SHTT trong ngành văn hóa và du lịch còn nhiều yếu kém, bất cập. Mặc dù số lượng hồ sơ đăng ký xác lập quyền SHTT đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các chương trình biểu diễn, các phần mềm tên miền... liên tục tăng lên và tăng nhanh qua từng năm, nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu.

Trước thực tế này, trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, Cục SHTT đã ký hợp đồng với Trường ĐH Văn hóa TP.HCM vào tháng 1.2019 về việc thực hiện dự án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Đào tạo về sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch”. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, dự án đã hoàn thành các hạng mục công việc. Tại phiên họp nghiệm thu theo hình thức trực tuyến ngày 20.9 vừa qua, dự án đã được Hội đồng đánh giá cao, thông qua với 85,29 điểm. Cũng tại phiên họp, nhiều chuyên gia đã phân tích những khía cạnh liên quan đến SHTT trong hai lĩnh vực nói trên, cho thấy còn nhiều vấn đề rất trăn trở.

Dự án “Đào tạo về sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch” với 12 thành viên tham gia, trong đó PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Văn hóa TP.HCM làm Chủ nhiệm dự án. Theo PGS.TS Lâm Nhân, thời gian qua, dự án đã thực hiện công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu bối cảnh, địa bàn, trên cơ sở đó đánh giá thực trạng và nhu cầu đào tạo SHTT ngành văn hóa và du lịch tại 8 địa điểm của 3 khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên, Nam Bộ. Các địa điểm lựa chọn khảo sát, nghiên cứu và đánh giá dựa trên các tiêu chí: Là các đô thị phát triển, quá trình công nghiệp hóa được đẩy mạnh, có nhiều nguồn lực văn hóa và du lịch, có những điểm nhấn về văn hóa và du lịch, có tiềm năng phát triển các đối tượng SHTT. Dự án đã xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo SHTT ngành văn hoá và du lịch, biên soạn 5 bộ bài giảng cho từng nhóm chủ thể (3 nhóm đối tượng văn hóa và 2 du lịch); 2 cuốn cẩm nang về SHTT trong lĩnh vực văn hóa và SHTT trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là tổ chức triển khai thí điểm các khoá đào tạo tại khu vực phía Nam…

SHTT có phải là lĩnh vực đặc thù rất khó để chạm tới?

Nhận xét về dự án nói trên, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, dự án có ý nghĩa thực tiễn cao, rất cần được thực hiện và lẽ ra phải được thực hiện từ lâu rồi, tuy nhiên muộn còn hơn không. “Có lẽ chúng ta đã để một thời gian khá dài trong ngành văn hóa và du lịch ít quan tâm đến vấn đề SHTT và luôn coi đây là lĩnh vực đặc thù rất khó để chạm tới. Ngành du lịch chúng ta hiện dựa nhiều trên tài sản trí tuệ dân gian, nhưng đâu đó có một quan điểm còn coi thường tài sản trí tuệ. Thế nhưng, thực tế trong bối cảnh đương đại hiện nay, hằng ngày hằng giờ chúng ta luôn đối mặt với những vấn đề nhức nhối từ góc độ văn hóa cũng như là du lịch”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm bày tỏ.

Theo chuyên gia này, trong lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, dược phẩm… nhiều người cứ hồn nhiên thoải mái lấy những hoa văn, lấy công thức nhuộm vải, tạo nếp vải, lấy các bài thuốc trị liệu, các tri thức về làm đẹp của các cộng đồng tộc người để tạo thành các sản phẩm gắn với thương hiệu của doanh nghiệp mình, rồi bán thu được rất nhiều lợi nhuận. Trong khi cộng đồng sáng tạo ra tri thức đó thì họ chẳng được hưởng lợi gì cả, thậm chí họ còn chẳng được nhắc tới và càng không có cách nào sở hữu về tri thức đấy của mình. “Cho nên tôi thấy việc thực hiện dự án này, có thể chúng ta chưa nhìn ra ngay kết quả, nhưng ít nhất tạo ra một cảnh báo, nâng cao ý thức, dần khắc phục những vấn đề bức xúc trong ngành văn hóa và du lịch liên quan đến SHTT”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa chia sẻ.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) đánh giá dự án có giá trị thực tiễn cao. Theo ông Tuấn, dự án cần quan tâm việc bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến hoạt động đào tạo về SHTT ở Việt Nam tại các cơ sở đào tạo nói chung và cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật nói riêng. “Vấn đề SHTT trong hoạt động đào tạo cần được quan tâm hơn, cụ thể trong các tác phẩm tốt nghiệp của HSSV ngành mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu điện ảnh…, từ đó có định hướng, kiến nghị, đề xuất cho phù hợp, đảm bảo theo yêu cầu của Luật SHTT”, ông Tuấn góp ý.

Với tư cách là ủy viên hội đồng, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nhận xét dự án có khả năng áp dụng thực tiễn và nhân rộng các sản phẩm, kết quả. “Đối với ngành văn hóa và du lịch, việc trang bị kiến thức tài sản trí tuệ thực sự rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, SHTT chi phối rất nhiều trong việc giữ gìn bản sắc, phát huy tính sáng tạo của mỗi cá nhân, cộng đồng và quốc gia. Đặc biệt là khi chúng ta triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, thì vấn đề cốt lõi, hạt nhân của ngành công nghiệp văn hóa phải là tài sản trí tuệ…”, ông Sơn nhấn mạnh và kiến nghị Cục SHTT xem xét kinh phí để xuất bản các sản phẩm của dự án.

Các đại biểu cho rằng, việc nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo về SHTT trong các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường đại học khối văn hóa, nghệ thuật, du lịch và thể thao là thực sự cần thiết. 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top