Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuộc vận động tiến tới thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 qua các nguồn tài liệu lưu trữ

VHO- Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giành trọn cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuộc vận động tiến tới thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 qua các nguồn tài liệu lưu trữ - Anh 1

Hơn 80 năm luôn ở vị trí là những chiến sỹ cách mạng tiên phong đi đầu và được trao nắm giữ những vị trí rường cột,  Võ Nguyên Giáp đã có nhiều công lao và những cống hiến to lớn, ghi lại những dấu ấn lịch sử trọng đại, oanh liệt, trong đó có thời kỳ Võ Nguyễn Giáp cùng Trung ương Đảng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tổ chức lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Lịch sử cách mạng Việt Nam ghi nhận đây là thời kỳ Võ Nguyên Giáp tích cực tổ chức các hoạt động bám dân, bám địa bàn, xây dựng cơ sở, mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ, cơ sở, cán bộ quân sự cho các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, trực tiếp lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Giai đoạn này, trên các cương vị là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, thành viên Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, Võ Nguyên Giáp đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Theo  các tài liệu lưu trữ của Việt Nam và quốc tế cho thấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp sinh ngày 25.8.1911 trong một gia đình trí thức ở nông thôn tại làng An Xá, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cha là Võ Quang Nghiêm, Mẹ là Nguyễn Thị Kiên. Võ Giáp học  bậc  tiểu học tại Đồng Hới, Quảng Bình. Năm 1925, khi 14 tuổi, ông vào Huế ôn và thi đỗ ở thứ hạng cao nhập trường Quốc học - Ngôi trường nổi tiếng vì có nhiều thầy giỏi, trò giỏi.  Năm 1927, trò Giáp tham gia hoạt động bãi khóa và bị nhà trường đuổi học. Cũng năm đó, Võ Nguyên Giáo được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu công việc có thể kiếm sống tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư  của Đào Duy Anh và báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng ở Huế. Nguyễn Chí Diểu cùng các đàn anh đi trước như Nguyễn Khoa Văn, Đặng Thái Mai…,vận động và kết nạp Võ Nguyên Giáp vào Tân Việt Cách mạng Đảng,  tổ chức đã có nhiều bậc trí thức, thanh niên yêu nước tham gia, là tiền thân của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tháng 2.1930.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuộc vận động tiến tới thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 qua các nguồn tài liệu lưu trữ - Anh 2

Công điện Mật số 816 ngày 11.5.1932  của Chánh mật thám Trung Kỳ gửi Giám đốc phụ trách vấn đề chính trị an ninh Phủ Toàn quyền cho biết Võ Giáp đã được tạm tha và trở về Quảng Bình sau khi Tòa Khâm sứ không cho phép ở  Huế

Hồ sơ SPCE 377 lưu trữ cá nhân của Võ Nguyên Giáp tại CAOM ( Pháp), trong đó  có tài liệu số 2316 ngày 19.11.1930, cho biết: Võ Giáp chính là người đã giác ngộ, giới thiệu và trực tiếp huấn luyện một số thanh niên vào tham gia tổ chức Đảng Tân Việt. Từ cuối 1927, Võ Giáp là Ủy viên Hội Cứu tế của tổ chức này. Tháng 10.1930, chính quyền thực dân và phong kiến tay sai khủng bố và bắt giam hàng loạt các chiến sỹ yêu nước cách mạng đã ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Võ Nguyên Giáp bị bắt và kết án hai năm tù giam tại Nhà lao Thừa Phủ (Huế) và 2 năm quản thúc . Cùng bị bắt còn em trai là Võ Thuần Nho và Nguyễn Thị Quang Thái (1915-1944), người đồng chí và cũng là người vợ đầu tiên của Võ Nguyên Giáp. Khối tài liệu lưu trữ này còn cho biết: Võ Nguyên Giáp là người thông minh, ngay từ khi còn trẻ, ông đã luôn tập trung suy nghĩ về những luận điểm cách mạng của mình và đã tham gia các tổ chức bí mật và tiến hành hoạt động chính trị. Ông bị bắt ngày 25.11.1930, bị kết án 2 năm tù và bị giam ở Huế. Võ Giáp được thả ngày 18.11.1931, nhưng đến cuối năm 1934 mới chính thức được tự do hoàn toàn. Biết rõ tư tưởng và vai trò của Võ Nguyên Giáp, chính quyền thực dân Pháp tiếp tục theo dõi sau khi ông đã ra tù. Chánh mật thám Trung Kỳ Sogny (Sô nhi) trong công điện số 816 ngày 11.5.1932 báo cáo Tổng trưởng Cảnh sát và mật thám Đông Dương cho biết: Võ Giáp đã được trả tự do ngày 18.11.1931 và anh ta trở về quê ở Quảng Bình. Cuối tháng 11 vừa qua, trong thời gian được phép điều trị ở bệnh viện Huế, anh ta đã có đề nghị với Khâm sứ Trung kỳ được ở lại Huế. Nhưng đã không được Tòa khâm sứ chấp nhận. Để tránh sự theo dõi của chính quyền, Võ Nguyên Giáp vừa dạy học tư kiếm sống vừa hoạt động Nghệ An, Quảng Bình một thời gian ngắn rồi ra Hà Nội, ông ghi tên học lấy bằng tú tài tại trường Trường Trung học Albert Sarrau rồi tiếp tục ghi tên học và tốt nghiệp Khoa Luật tại trường Đại học Đông Dương năm 1937. Hà Nội thời kỳ này sôi sục phong trào đấu tranh công khai thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, Võ Nguyên Giáp học và tích cực hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Những năm 1936- 1939, Võ Nguyên Giáp tham gia sáng lập và viết bài cho các tờ báo cánh tả, trong đó có các tờ của Đảng xuất bản công khai bằng tiếng Việt, tiếng Pháp như: Hồn trẻ, Ngày mới, Tin tức và Le Travaill (Lao động); Rassemblement (Tập hợp), En Avant (Tiến lên), Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta) với nhiều bút danh như Hải Thanh, Hồng Thanh, Hoài Nam, Vân Đình…Để đoàn kết hỗ trợ nhau trong những người làm báo, Võ Nguyên Giáp đề nghị thành lập Hội Ái hữu báo giới Bắc Kỳ. Hồ sơ lưu trữ SPCE số 377 ghi lại Hội nghị lần thứ nhất của báo giới Bắc Kỳ họp ngày 24/4/1937 tại Hội quán CSA số 1, phố Charles Coulier (nay là Câu lạc bộ Khúc Hạo) đã cử Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch. Để kiếm sống, Võ Nguyên Giáp làm giáo viên dạy Lịch sử ở trường Thăng Long. Nhà giáo Võ Nguyên Giáp không chỉ nổi tiếng vì sự uyên bác trong kiến thức, hấp dẫn trong lối truyền thụ kiến thức, mà còn được học trò ghi nhớ bởi những bài giảng tràn đầy tinh thần yêu nước và tinh thần cách mạng bằng vốn ngôn ngữ tiếng Pháp chỉnh chu. Võ Nguyên Giáp là một trong những “yếu nhân” của Hội Truyền bá Quốc ngữ do Cụ Nguyễn Văn Tố làm Chủ tịch.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuộc vận động tiến tới thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 qua các nguồn tài liệu lưu trữ - Anh 3

Tài liệu số 1653 ngày 9.5.1932  Gửi ông Chef  Sở cảnh sát và An Ninh Trung kỳ  đề nghị cho biết ý kiến về Võ Giáp A 6331 I quê ở Quảng Bình người đã bị kết án 2 năm tù giam và 2 năm quản thúc theo Tuyên án  số 137 của  Tòa án hình sự Tỉnh Thừa Thiên .

Tháng 6.1940, tổ chức điều động Võ Nguyễn Giáp  với bí danh Dương Hoài Nam  và Phạm Văn Đồng bí danh là Lâm Bá Kiệt sang Trung Quốc hoạt động. Tại đây hai ông đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Người tin cậy giao nhiệm vụ về nước xây dựng căn cứ địa, mở các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng. Tháng 12.1940, khóa huấn luyện đầu tiên được tổ chức. Nhớ về hoạt động này, năm 1946, Võ Nguyên Giáp viết: “Tháng 11.1940, theo chỉ thị của Ông Cụ - tức là Hồ Chủ tịch ngày nay, một nhóm cán bộ Việt Minh dân tộc thiểu số được đào tạo lần đầu tiên…Bốn mươi thanh niên hăng hái tham gia một lớp huấn luyện đoản kỳ. Ăn bắp, nằm sương, mỗi buổi sáng cả giáo viên lẫn học sinh đi hái củi, làm công tác chính trị với dân làng. Sau 10 ngày huấn luyện, lễ tốt nghiệp cử hành ở giữa một khu rừng…Bốn mươi cán bộ, bốn mươi con chim chúng ta tung ra các hướng…Chẳng bao lâu, 40 con chim kia đã đem tin lành Việt Minh ra đời”ham gia làm báo Việt Nam Độc lập - Việt lập cơ quan Tổng bộ Việt Minh xuất bản bí mật ở Cao Bằng năm 1941, Võ Nguyên Giáp viết: Tờ báo Việt Nam Độc lập, một tờ báo bí mật, khuôn khổ bé hẹp mà cái đặc tính căn bản là dễ hiểu và thiết thực, hợp với trình độ dân chúng. Tờ báo “ Việt lập’ là một người tổ chức đại tài, là người chỉ đạo và người bạn của chúng ta”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuộc vận động tiến tới thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 qua các nguồn tài liệu lưu trữ - Anh 4

Mặt trận Việt Minh và căn cứ địa phát triển, yêu cầu của cách mạng Việt Nam lúc đó đòi hỏi “Việc liên lạc theo lời của Cụ Hồ là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng. Vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phối hợp lực lượng và do đó đảm bảo sự thắng lợi” Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ  phụ trách việc tổ chức ngay những “con đường liên lạc” là cơ sở của quần chúng từ Cao  Bằng xuống miền xuôi, nối với các tỉnh hướng tây, hướng bắc gọi là đường Nam tiến, Tây tiến, Đông tiến. Vượt qua bao khó khăn thử thách, các “con đường” hoàn thành. Việt Minh và lá cờ đỏ sao vàng đi đến đâu cũng được mọi tầng lớp quần chúng hoan nghênh. Phong trào cách mạng lan rộng, kẻ địch tiến hành các thủ đoạn thâm độc, dã man nhằm khủng bố phong trào, tàn sát cán bộ, tách cơ sở cách mạng ra khỏi quần chúng… nhưng các tầng lớp nhân dân vẫn một lòng tin tưởng vào cách mạng.  Đúng lúc ấy, Võ Nguyên Giáp nhận được chỉ thị của “Ông Cụ” thành lập Đội Tuyên truyền Việt Nam Giải phóng quân (VNG viết – BT). Đội quân ấy sẽ theo nguyên tắc chính trị trọng hơn quân sự. Nhớ về sự kiện thành lập Đội tuyên truyền Việt Nam Giải phóng quân, Võ Nguyên Giáp viết: Đã  là một đội Tuyên truyền thì trường hợp nào có lợi cho chính trị nó mới hành động, mới đánh. Song sống trong ngọn lửa chiến đấu nó sẽ rèn luyện nên những cốt cán của giải phóng quân sau này. Tác dụng lớn nhất của đội Tuyên truyền là nó đã chính thức nêu cao ngọn cờ vũ trang tranh đấu và sẽ dùng tiếng súng giết giặc mà kêu gọi toàn dân đứng dậy. Tháng 3.1945, sau ngày Nhật đảo chính Pháp tiếm quyền Đông Dương, phong trào cách mạng chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân đã chuyển sang sang giai đoạn quyết liệt. Không khí cách mạng sôi nổi đã được Võ Nguyên Giáp ghi lại: Trong khoảng tháng 3, chính quyền nhân dân đã được thành lập khắp các châu huyện trong các tỉnh Cao, Bắc, Thái, Tuyên và một phần Hà Giang, Lạng Sơn. Các Ủy ban nhân dân được thành lập tuyên bố ngay chính sách của Việt Minh. Chính quyền đế quốc tan vỡ. Dân chúng đã bắt đầu hiểu tự do và hạnh phúc của chính quyền nhân dân đem lại. Dân chúng kiên quyết giữ lấy những thắng lợi đó. Tháng 4.1945, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ đã được triệu tập. Dự hội nghị gồm các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bạch Thành Phong, Văn Tiến Dũng, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị và Chu Văn Tấn… đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Trung ương Đảng chủ trì. Hội nghị đã thông qua quyết định phát triển lực lượng vũ trang, thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, thành Việt Nam giải phóng quân, khẩn trương tiến hành chiêu tập cuộc Toàn quốc đại biểu đại hội để bầu ra ủy ban Dân tộc Giải phóng toàn quốc, là chính phủ Lâm thời trong cuộc Tổng khởi nghĩa. Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ, ngày 15.5, tại Chợ Chu, Thái Nguyên Võ Nguyên Giáp chủ trì buổi lễ hợp nhất Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân - lực lượng bộ đội chủ lực đầu tiên của cả nước. Việt Nam Giải phóng quân được đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh miền Bắc đứng đầu là Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Trần Đăng Ninh. Các tổ chức vũ trang cả nước thống nhất mang tên Việt Nam Giải phóng quân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuộc vận động tiến tới thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 qua các nguồn tài liệu lưu trữ - Anh 5

Ảnh trong Lưu trữ Pháp số ký hiệu SPCE 377 ,mặt sau có dấu của lưu trữ và chú thích của người Pháp

Ngày 21.5.1945, Võ Nguyên Giáp đón Hồ Chí Minh tại căn cứ Tân Trào khi Người vừa đi theo đường Nam Tiến từ Cao Bằng sang. Ngày 4.6.1945, Hồ Chí Minh chủ trì  Hội nghị cán bộ thông qua quyết định thành lập Khu giải phóng, Tân Trào được chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, và giao cho Võ Nguyên Giáp là Thường trực Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng, phụ trách quân sự. 

Ngày 13.8.1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào bàn kế hoạch phát động và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa. Hội nghị đã quyết định lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc thông qua bản Quân lệnh số 1 phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước do Võ Nguyên Giáp ký với tên gọi là Văn. Ngày 16.8.1945, Đại hội Quốc dân đã quyết nghị thông qua 10 chính sách của Việt Minh lập ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam tức Chính phủ lâm thời, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội quy định Quốc kỳ là nền đỏ, giữa có ngôi sao vàng năm cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca.. Hội nghị đã quyết định lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và thành lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam do Võ Nguyên Giáp đứng đầu.

Chiều 16.8, bên gốc đa Tân Trào nay đã thành chứng nhân lịch sử, thay mặt Ủy ban khởi nghĩa, Võ Nguyên Giáp trịnh trọng đọc bản Quân lệnh số 1, giao nhiệm vụ và cùng các chiến sỹ của mình trong chi đội Việt Nam Giải phóng quân tiến về giải phóng Thái Nguyên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuộc vận động tiến tới thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 qua các nguồn tài liệu lưu trữ - Anh 6

 Ký hiệu phông tài liệu cá nhân Võ Nguyên Giáp lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Pháp CAOM/SPCE 377

Nêu những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc xây dựng cơ sở tiền đề dẫn đến thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8.1945, Võ Nguyên Giáp đã rút ra một số bài học cần ghi nhớ nhân kỷ niệm năm đầu tiên của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (1945-1946) dưới đây:   

Một là: Cách mạng là một khoa học, phải có đường lối chính trị đúng, kế hoạch đúng phù hợp với hoàn cảnh, với dân chúng, với thực tế lực lượng địch và ta. Việt Minh là hình thức tổ chức đúng nên đã nhanh chóng phát triển và lôi cuốn được đại đa số nhân dân khi thời cơ đến.

Hai là: Một cuộc cách mạng muốn đi đến thành công phải có một tổ chức lãnh đạo. Tổ chức đó phải đại biểu cho quyền lợi của quốc gia, dân tộc, phải sáng suốt, kịp thời, bình  tĩnh vạch ra đường  lối chiến lược và sách lược đúng đắn, cụ thể. Việt Minh đã  lãnh đạo sáng suốt, có kinh nghiệm tập hợp tổ chức quần chúng yêu nước nhờ vậy đã lái được cuộc vận động giải phóng dân tộc đến chỗ thành công.

Ba là: Trong cuộc vận động, phong trào có lúc lên, lúc xuống. Vì vậy đòi hỏi tổ chức lãnh đạo phải biết củng cố lực lượng cả khi phong trào đang lên, phải giữ vững được lực lượng trung kiên của quần chúng cách mạng khi phong tràobị khủng bố. Không vì say mê sự thắng lợi mà quên đề phòng, chuẩn bị, càng không nên có tâm lý chán nản, mất tin tưởng khi thất bại. Người cán bộ cách mạng cần phải biết nhìn xa, cần phải châm chước, kiên định.

Bốn là: Lịch sử vận động cách mạng cho thấy một khi ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc đã đi sâu vào dân chúng thì sẽ có sức lôi cuốn toàn dân và không thể bị tiêu diệt. Dân chúng là lực lượng, đi đôi với dân chúng và gần dân chúng thì sẽ thành công. Đi trái lại dân chúng và xa dân chúng là thất bại. Một tổ chức cách mạng lúc đã gần gũi dân và nếu gần gũi dân luôn luôn thì không có sức gì chiến thắng nó được.

Năm là: Lịch sử vận động phong trào cách mạng tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Việt Minh đã để lại cho chúng ta bài học muốn giành thắng lợi là phải biết tin vào sức mạnh của quần chúng, vào tiền đồ tương lai của đất nước, dân tộc. Dù gặp bao nhiêu trở lực, trải bao nhiêu gian nguy, dân tộc ta cũng nhất định đi đến thắng lợi. Kinh nghiệm lịch sử cho phép chúng ta tin tưởng và nhất định chúng ta sẽ tin tưởng như vậy.      

NGUYỄN THỊ THU HÀ

Ý kiến bạn đọc