Paralympic Tokyo sẽ khai mạc dưới “cái bóng” của đại dịch Covid-19

VHO- Thế vận hội thể thao dành cho người khuyết tật Paralympic sẽ khai mạc vào ngày mai 24.8 sau 1 năm bị trì hoãn bởi dịch Covid-19. Thế nhưng, mọi thứ lại đang không như BTC mong đợi khi Nhật Bản đang “dưới bóng đen” vì phải chiến đấu với số ca mắc mới kỷ lục.

Paralympic Tokyo sẽ khai mạc dưới “cái bóng” của đại dịch Covid-19 - Anh 1

Những người đeo khẩu trang bảo vệ trong bối cảnh bùng phát Covid-19 ở Tokyo (Ảnh: Reuters)

Khủng hoảng về y tế

Như tại Olympic Tokyo 2020, sự kiện sẽ được tổ chức dưới sự nghiêm ngặt của các quy định về chống dịch. Khán giả bị cấm đến sân thi đấu theo dõi trực tiếp các trận tranh tài. Tuy nhiên, học sinh lại có thể vào xem theo một chương trình giáo dục đặc biệt. Sự cho phép này đã khiến Hội đồng Giáo dục Thủ đô Tokyo phải lên tiếng phản đối. Bản thân các VĐV cùng những người liên quan cũng sẽ phải tuân thủ các hạn chế nghiêm ngặt khi tham gia so tài.

Sau nhiều tháng thăm dò cho thấy kết quả tiêu cực, cuối cùng, người dân Nhật Bản đã phần nào cởi mở hơn với việc tổ chức các sự kiện của Thế vận hội. Dù vậy, cả giới chức lẫn người dân vẫn còn một số lo ngại sâu sắc về tính an toàn khi nước này đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 5. Ngày 19.8 vừa qua, Nhật Bản chứng kiến “ngày đen tối” khi ghi nhận hơn 25.000 trường hợp mắc mới. Số ca trong tình trạng nghiêm trọng đã tăng gấp 4 lần. Các bác sĩ trên toàn đất nước đã phải lên tiếng cảnh báo tình trạng quá tải ở các bệnh viện khi liên tục phải đón nhận bệnh nhân nhập viện điều trị. Nhiều chuyên gia còn gọi đây là “trường hợp khẩn cấp ở mức thảm họa, không thể kiểm soát”.

Bất chấp dịch bệnh đang khó kiểm soát, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) Andrew Parsons vẫn trả lời báo chí tầm ảnh hưởng của sự kiện là đáng kinh ngạc. Ông cũng không quên kêu gọi những người tham gia Paralympic phải cẩn trọng với dịch bệnh.

“Việc không có khán giả theo dõi tại các địa điểm thi đấu là một thách thức đối với chúng tôi. Lạc quan mà nói, chúng tôi vẫn có thể tiếp cận với 4 tỷ người xem trên thế giới thông qua sóng truyền hình”, ông Andrew Parsons nói.

Để siết chặt các quy định chống dịch, BTC đã yêu cầu các VĐV chỉ có thể gia nhập Làng Paralympic ngay trước nội dung thi đấu của họ và phải rời đi trong vòng 48 giờ sau khi kết thúc tranh tài. VĐV cùng các thành viên trong đoàn sẽ được kiểm tra y tế hằng ngày và phải hạn chế di chuyển giữa địa điểm tập luyện, địa điểm thi đấu và Làng.

Dù nỗ lực ngăn chặn sự lây lan nhưng những người tổ chức vẫn phải thừa nhận tình trạng đang diễn ra ngày càng tồi tệ. Kể từ ngày 1.7, 552 trường hợp mắc đã được ghi nhận liên quan đến Olympic Tokyo. Với Paralympic, hiện tại đã có tới 138 trường hợp mắc mới liên quan đến sự kiện, chủ yếu là quan chức Olympic Nhật Bản. Ít nhất 4 VĐV cũng đã có kết quả duơng tính. Nhưng, giới chức cho biết không có bằng chứng nào về việc sự kiện tạo sự lây lan dịch bệnh cho người dân trong cộng đồng.

Paralympic Tokyo sẽ khai mạc dưới “cái bóng” của đại dịch Covid-19 - Anh 2

Các quan chức Paralympic khẳng định tầm ảnh hưởng của sự kiện sẽ là "không thể tin được" (Ảnh: AFP)

VĐV vẫn rất hào hứng

Dù tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản diễn biến căng thẳng nhưng cũng không vì thế khiến tinh thần thi đấu của các VĐV bớt phấn chấn.

Sau 1 năm trì hoãn, các VĐV khuyết tật vẫn miệt mài tập luyện. Mục đích là để đạt được những tâm huy chương danh giá tại một sự kiện trọng đại mà tất cả VĐV khuyết tật đều muốn tham gia thi đấu. Matt Stutzman, cung thủ của Mỹ đã viết trên Twitter: “Đã đến lúc chúng ta hướng đến tấm HCV”.

Matt được những người làm chuyên môn đánh giá sẽ có khả năng đứng trên bục nhận huy chương của Thế vận hội lần này, nơi chứng kiến 4.400 VĐV đến từ 160 đoàn thể thao của các quốc gia tham gia tranh tài. Một cái tên khác cũng được chú ý là Tatyana McFadden, tay đua xe lăn đến từ Xứ Cờ hoa. Nữ VĐV thể hiện quyết tâm giành huy chương khi nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ cả người mẹ nuôi người Mỹ và mẹ đẻ người Nga.

Hiện, có tới 22 môn thể thao được đưa vào chương trình thi đấu của Paralympic lần này. Cầu lông và Taekwondo lần đầu được đưa vào thi đấu tại đại hội thể thao cho người khuyết tật. Với số môn thi đấu nhiều như vậy, Nhật Bản cũng hy vọng họ có thể lặp lại cơn sốt vàng như tại Olympic trước đó. Niềm hy vọng HCV hàng đầu của Nhật Bản là Shingo Kunieda, đương kim vô địch đơn nam xe lăn số một thế giới và được coi là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của môn thể thao này.

Một trường hợp khác dự kiến sẽ có thành tích thi đấu phá vỡ các kỷ lục là Markus Rehm. Được biết, nam VĐV dùng chiếc chân giả đặc biệt được thiết kế như một dạng nén lực. Đây cũng là chiếc chân được mệnh danh là “lưỡi dao nhảy xa”.

Thực tế tại Paralympic 2012 và 2016, Markus đã giành HCV với chiếc chân giả của mình. VĐV này cũng xác lập kỷ lục thế giới môn nhảy xa cho người khuyết tật với kết quả 8,62m vào tháng 6 mới đây. Điều đáng nói, thành tích tốt nhất của 1 VĐV bình thường là Jeff Henderson tại Olympic Rio chỉ là 8,38m. Như vậy, Markus Rehm đang vượt xa thành tích của Olympic tới 0,24m.

“Tôi rất nóng lòng tham dự buổi khai mạc. Và tôi cũng không thể chờ thêm nữa để được thử hố cát tại Paralympic lần này. Tôi và HLV của mình sẽ đem về chiến thắng”, Markus Rehm khẳng định.

ĐÌNH TOÁN (Tổng hợp)

 

Ý kiến bạn đọc