Nhân rộng mô hình điểm trong thực hiện​​​​​​​ nếp sống văn minh lễ hội

VHO- Hai năm qua, các lễ hội trong cả nước hầu như đều không tổ chức hoặc chỉ tổ chức phần nghi lễ truyền thống do phải phòng, chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, tại nhiều địa phương đã xuất hiện những cách làm hay, mô hình điểm được các BQL di tích, BTC lễ hội triển khai mạnh mẽ nhằm tuyên truyền tới người dân các nội dung về phòng, chống đại dịch.

Nhân rộng mô hình điểm trong thực hiện​​​​​​​ nếp sống văn minh lễ hội - Anh 1

 Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) luôn thực hiện nếp sống văn minh và an toàn phòng, chống dịch

 Thông điệp 5K được xem là tiêu chí hàng đầu trong triển khai các nội dung về thực hiện nếp sống văn minh lễ hội khi Covid-19 tấn công dồn dập cuộc sống cộng đồng.

Một cách nhìn khác về văn minh lễ hội

Nhìn lại mùa lễ hội năm 2021, các địa phương có lễ hội lớn, di tích trọng điểm đã không còn bị động với “trạng thái bình thường mới” trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Các kế hoạch trước, trong và sau lễ hội được xây dựng kỹ lưỡng, chi tiết, bài bản với nhiều phương án sẵn sàng ứng phó.

Hà Nội là địa bàn có nhiều lễ hội lớn, thu hút đông đảo du khách thập phương. Ngay từ đầu mùa, Hà Nội đã thông báo dừng tổ chức và giảm quy mô nhiều lễ hội để phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, lễ hội Chùa Hương là một lễ hội trọng điểm, thời gian tổ chức kéo dài và để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho lễ hội này, công tác tổ chức đã phải lên kế hoạch từ rất sớm. Theo ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng BQL Khu di tích và danh thắng Hương Sơn, bối cảnh dịch diễn biến phức tạp đòi hỏi trách nhiệm đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách phải được đề cao. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, từ đầu mùa, BTC lễ hội Chùa Hương đã dừng mọi hoạt động và không đón tiếp du khách. Thời điểm dịch tạm thời được kiểm soát, lễ hội chùa Hương được mở cửa trở lại, các yêu cầu về thực hiện 5K được thực hiện nghiêm túc. “Chúng tôi bố trí lực lượng nhắc nhở nhân dân và du khách nghiêm túc chấp hành những quy định về phòng, chống dịch bệnh, bắt buộc đeo khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế và giữ khoảng cách. Những trường hợp không chấp hành đều được nhắc nhở và xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Bá Hiển cho biết.

Luôn xác định nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội là nhiệm vụ trọng tâm, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, BQL di tích, BTC lễ hội Chùa Hương xác định công tác quản lý và tổ chức phải bảo đảm các yếu tố: An toàn, văn minh, đạt hiệu quả cao. Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tại di tích được đẩy mạnh với nhiều hình thức như phun khử trùng, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, tuyên truyền trên loa và hệ thống tranh cổ động trực quan được bố trí dọc hai bên bờ suối Yến…

Các lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng được ghi nhận là những mô hình điểm trong thực hiện nếp sống văn minh nhiều năm qua, đặc biệt tại các di tích lớn như Yên Tử, Đền Cửa Ông… Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cho biết, vào những mùa lễ hội trước đây, cáp treo Yên Tử thường hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của du khách thập phương, nhưng từ mùa lễ hội năm 2020, công suất đã giảm mạnh, kể cả trong thời điểm Khu di tích - danh thắng Yên Tử mở cửa trở lại, lượng du khách cũng rất vắng vẻ. “Bối cảnh đại dịch đã mang đến cách nhìn khác về văn minh lễ hội. Không gian vắng vẻ là yếu tố đảm bảo an toàn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Du khách cũng an tâm, thư thái hơn trong không gian di tích trầm mặc, linh thiêng”, ông Thanh cho biết. Tại các khu vực tiếp đón du khách, cổng ra vào, dọc đường hành hương và tại các điểm dừng chân như chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, trên đỉnh Chùa Đồng…, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch được tiến hành chặt chẽ. Thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Quảng Ninh, TP Uông Bí, nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho du khách tại Yên Tử đã được triển khai quyết liệt như trang bị máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, tủ thuốc trên dọc tuyến hành hương…

Tại Cửa Ông, BQL di tích luôn chủ động xây dựng và triển khai nhiều phương án phòng, chống dịch bài bản. Trong các thời điểm di tích được phép mở cửa, BQL tích cực tuyên truyền nhiều nội dung về thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K. Mọi hiện tượng vi phạm đều được thường xuyên nhắc nhở, xử lý vi phạm.

Nhân rộng mô hình điểm trong thực hiện​​​​​​​ nếp sống văn minh lễ hội - Anh 2

 Lễ hội Đền Trần ở phường Lộc Vượng (Nam Định) là một trong những địa chỉ nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Sẵn sàng cho những mùa lễ hội tiếp theo

Theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở, di tích Đền Trần - Chùa Tháp (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) cũng là một địa chỉ điểm trong triển khai hiệu quả các biện pháp tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Hằng năm, lễ hội Khai ấn Đền Trần thường thu hút đông đảo du khách thập phương và bài toán đảm bảo an toàn, văn minh tại lễ hội này đã từng bước chuyển biến tích cực. Năm 2021, phát huy kết quả từ mùa lễ hội năm 2020, BQL di tích và nhà đền tập trung cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhằm bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Lễhội Khai ấn Đền Trần chỉ tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng cổ truyền trong quy mô hẹp. Việc đáp ứng nhu cầu nhận lộc ấn cũng được chuyển đổi hình thức, không tổ chức phát tập trung tại đền như những năm trước. Công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 qua hệ thống loa phát thanh, pa-nô, áp phích cũng được triển khai tích cực. Theo ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL Khu Di tích Đền Trần - Chùa Tháp, từ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 năm 2020, ý thức phòng dịch của người dân đã được nâng cao. Các biện pháp tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh lễ hội và phòng, chống dịch bệnh tại di tích tiếp tục được triển khai hiệu quả trong mùa lễ hội 2021. Người dân khi vào đền đều nghiêm túc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách, hạn chế tụ tập đông người… BQL di tích nghiêm túc dừng mọi hoạt động phần hội, tổ chức phát miễn phí khẩu trang, chuẩn bị nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn cho du khách; đồng thời bố trí người trực, kiểm soát chặt chẽ người vào đền, yêu cầu khai báo y tế đầy đủ…

Cục Văn hóa cơ sở cho biết, ghi nhận của đoàn kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương trong hai mùa lễ hội vừa qua cho thấy, bên cạnh những chuyển biến tích cực về thực hiện nếp sống văn minh lễ hội nói chung, hầu hết các địa phương đều đã thực hiện nghiêm túc các quy tắc, yêu cầu phòng, chống dịch, với tinh thần đặt lợi ích và sự an toàn của cộng đồng lên trên hết. “Nhiều di tích, lễ hội tổ chức những cách thức tuyên truyền sáng tạo, tác động và nâng cao nhận thức của nhân dân, du khách thập phương. Mỗi người dân đến với các di tích, lễ hội ngoài tâm thức thực hành các nghi lễ tâm linh, nhớ về nguồn cội còn luôn thường trực ý thức về phòng, chống dịch, từ những việc làm, hành vi cụ thể…”, đại diện Cục Văn hóa cơ sở thông tin.

Cũng theo Cục Văn hóa cơ sở, những mô hình điểm về phòng, chống dịch và thực hiện nếp sống văn minh lễ hội tại các địa phương cần thiết được đánh giá và nhân rộng. Đó không chỉ là kinh nghiệm cho các BQL di tích, BTC lễ hội các địa phương trong cả nước mà còn là bài học để từng nơi, từng lễ hội luôn sẵn sàng tâm thế chuẩn bị cho những mùa lễ hội sắp tới. 

 Nhiều di tích, lễ hội tổ chức những cách thức tuyên truyền sáng tạo, tác động và nâng cao nhận thức của nhân dân, du khách thập phương. Mỗi người dân đến với các di tích, lễ hội ngoài tâm thức thực hành các nghi lễ tâm linh, nhớ về nguồn cội còn luôn thường trực ý thức về phòng, chống dịch, từ những việc làm, hành vi cụ thể…

(Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL)

 Không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm

Quy chế quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vừa được ban hành đã nhấn mạnh việc tổ chức lễ hội là nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân; tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của lễ hội.

Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; không chạy theo lợi ích vật chất và các lợi ích cá nhân. Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm, các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc trá hình; không ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội… MINH NGỌC

 

 PHƯƠNG THẢO

Ý kiến bạn đọc