Đừng vì quá lo sợ dịch mà ngại đến bệnh viện khám chữa bệnh

VHO- Nhiều bệnh nhân vẫn chủ quan cộng thêm nỗi lo lây nhiễm dịch bệnh nên đã không kịp thời đi khám chữa bệnh. Đến khi bệnh nặng mới tới bệnh viện.

May mắn vì đến bệnh viện kịp thời

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một thanh niên (37 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong tình trạng xuất hiện ban đỏ vùng mặt kèm ban đỏ rải rác toàn thân, mệt mỏi…Kết quả xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ, xét nghiệm test Dengue NS1 dương tính. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, được điều trị theo phác đồ sốt xuất huyết: truyền dịch, hạ sốt, truyền tiểu cầu...

Đừng vì quá lo sợ dịch mà ngại đến bệnh viện khám chữa bệnh - Anh 1

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng nhầm lẫn với phản ứng sau tiêm được đưa tới bệnh viện kịp thời - ảnh: M.THANH

Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó vài ngày đã tiêm phòng vắcxin Covid-19, xuất hiện sốt cao và đau mỏi người. Cứ tưởng là phản ứng sau tiêm, nên ở nhà theo dõi, đến khi hết sốt thấy người mệt, tiểu cầu hạ, xuất hiện ban đỏ… thì gia đình đưa đến bệnh viện để khám.

Theo ghi nhận, hiện nay dù các bệnh viện đã tăng cường quyết liệt phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao. Nhiều bệnh viện đã tiếp tục thắt chặt công tác kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 với quyết tâm cao không để dịch Covid-19 xâm nhập, tạo môi trường khám chữa bệnh an toàn cho người bệnh và thân nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, tâm lý lo sợ, e ngại đến bệnh viện cũng còn xuất hiện ở rất nhiều người. Trong số đó có nhiều trường hợp người cao tuổi với nhiều bệnh nền cần được theo dõi thường xuyên.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ 76 tuổi (sống tại Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Medlatec khám trong tình trạng tiểu buốt dắt 20 ngày. Ban đầu, thấy khó chịu, bệnh nhân tự mua kháng sinh uống 2 đợt nhưng không đỡ, sau đó bệnh nhân đến khám tại một phòng khám tư nhân được chẩn đoán là viêm đường tiết niệu và được kê đơn thuốc theo đơn. Sau 7 ngày uống thuốc không đỡ, bệnh nhân đến bệnh viện khám.

Tại đây, sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận bệnh nhân viêm bàng quang do Ecoli đa kháng, do bệnh nhân tự ý điều trị bằng kháng sinh tự mua nên dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh. BSCKI. Hồ Mạnh Linh - Chuyên khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Medlatec điều trị trực tiếp cho bệnh nhân chia sẻ: Trường hợp của bệnh nhân nếu để lâu có thể dẫn đến nhiễm trùng thận, suy thận nên được chỉ định nhập viện điều trị kháng sinh tĩnh mạch theo kháng sinh đồ.

Bác sĩ Linh cho biết thêm, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do vi khuẩn E.Coli, đặc biệt ở phụ nữ do cấu tạo của niệu đạo ngắn, lại gần hậu môn nếu vệ sinh không đúng cách, rất dễ vi khuẩn xâm nhập niệu đạo, đi ngược lên bàng quang gây viêm cấp tính. Trường hợp của nhân bệnh nữ này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh sẽ chuyển thành viêm bàng quang mạn tính. Nếu bệnh không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến viêm ngược dòng lên thận gây viêm thận (viêm bể thận), xấu nhất là gây suy thận.

Nguy hiểm tính mạng khi tự điều trị tại nhà

Chắc chắn sẽ còn rất nhiều trường hợp tương có tâm lý e ngại, trì hoãn như hai bệnh nhân trên, nhưng không phải ai cũng may mắn được cứu chữa kịp thời. Bác sĩ Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân 64 tuổi, có tiền sử bị gút, viêm loét dạ dày, suy thận mãn tính, không có tiền sử dịch tễ liên quan đến Covid-19. Do lo sợ đến cơ sở y tế mùa dịch, nên bệnh nhân không thăm khám định kỳ, mà tự điều trị ở nhà bằng thuốc mua trên mạng. Khi sức khỏe quá yếu, có biểu hiện nôn ra máu, tím tái, bệnh nhân mới tới viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bệnh nhân đã ngưng thở, ngưng tim, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, song bệnh nhân không qua khỏi.

PGS-TS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng nêu một bệnh nhân tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) tái phát. Mặc dù bệnh tình của bệnh nhân này nặng lên một thời gian, nhưng e ngại không đi khám vì sợ Covid-19. Lúc không trì hoãn được, tới viện thì đã không cứu được.

Điều này cho thấy, một số người vì quá lo sợ mắc Covid-19 nên trì hoãn, không tới bệnh viện thăm khám kịp thời, hậu quả là bệnh nặng thêm có khi phải trả giá bằng cả tính mạng. PGS-TS Hoàng Bùi Hải khuyến cáo, các trường hợp có bệnh nền cần giữ liên hệ với bác sĩ qua các kênh khác nhau để tiếp tục được dùng thuốc và theo dõi tình trạng bệnh, không nên tự xử lý ở nhà. “Trong bệnh viện có hệ thống sàng lọc, trong cấp cứu cũng sàng lọc kỹ càng để phân loại những bệnh nhân có nguy cơ về Covid-19. Đặc biệt, khi có vấn đề nặng đe dọa tính mạng sẽ cho vào khu riêng, tuy chưa loại trừ được Covid-19, nhưng vẫn được cấp cứu kịp thời", bác sĩ Hải nói.

Nói về tâm lý lo sợ của nhiều người dân khi tới khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế hiện nay, PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, thực tế bệnh viện là nơi có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 lớn , nên tâm lý lo ngại tới bệnh viện của bệnh nhân là có thể thông cảm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khi có bệnh, người dân không đến bệnh viện, nhất là với đối tượng trẻ em, người già, bệnh dễ diễn biến rất nhanh, để lại hậu quả đáng tiếc. Do đó, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân trước khi đến Bệnh viện nên gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán tình trạng bệnh. Những ca bệnh nặng sẽ được khuyến cáo đến bệnh viện sớm, cấp cứu kịp thời; các ca nhẹ không cần đến bệnh viện sẽ được tư vấn chữa bệnh từ xa. Nếu bệnh nhân đến bệnh viện đông quá, nơi khám sàng lọc quá tải cũng sẽ là nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Dịch Covid-19 nguy hiểm và có nhiều diễn biến phức tạp, tuy nhiên người dân không nên quá hoang mang, lo sợ  với việc đến bệnh viện khám chữa bệnh mà vô tình gây nên sự nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của bản thân mình. Bởi vì, tại các bệnh viện đều triển khai biện pháp bảo vệ, phòng và chống dịch, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm ở mức cao nhất.

LÊ DUY

 

 

Ý kiến bạn đọc